Thứ 3, 30/07/2024, 19:26[GMT+7]

Khám sức khỏe tiền hôn nhân Việc cần... chưa làm

Thứ 5, 26/04/2012 | 15:30:09
1,173 lượt xem
T năm nay 26 tuổi nhưng cô đã là một goá phụ cách đây 5 năm, chồng cô chết vì AIDS khi đứa con đầu lòng của họ chưa tròn một tuổi. Bản thân T và đứa con nhỏ gần 6 tuổi của cô cũng đang mang trong mình virut HIV. Cô bị lây nhiễm HIV từ chồng nhưng mãi đến khi sinh đứa con đầu lòng cô mới được phát hiện.

Cán bộ y tế tuyến cơ sở luôn làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Ảnh: Ngọc Trâm

Những cuộc đời như T tưởng sẽ hiếm gặp, nhưng nếu đến các câu lạc bộ của người nhiễm HIV/AIDS của Thái Bình sẽ là những chuyện hay được nghe kể. Trong số gần 4000 người nhiễm HIV/AIDS tại Thái Bình hiện nay có hơn 800 phụ nữ. Hầu hết bị lây nhiễm từ chồng, khoảng một phần ba trong số phụ nữ này bị nhiễm ngay sau khi kết hôn, toàn tỉnh đang có gần 60 trẻ em nhiễm HIV/AIDS. Câu hỏi đặt ra là: “Liệu những người phụ nữ này và những đứa con của họ có thể tránh được việc lây nhiễm HIV hay không?” Câu trả lời là “Họ hoàn toàn có thể tránh được nếu trước khi kết hôn, họ và chồng của họ được khám và được biết tình trạng sức khoẻ của nhau!”.

Khám sức khoẻ tiền hôn nhân chính là việc làm khoa học để bảo vệ sức khoẻ và hạnh phúc gia đình, song việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân hiện nay vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ. Thực tế cho thấy, các cặp yêu nhau có thể sẽ quan tâm đến các vấn đề như đạo đức, tính tình, nghề nghiệp, gia cảnh, tài chính... nhưng sức khoẻ là vấn đề mà hầu hết người trong cuộc đều dễ bỏ qua. Việc một đôi trước khi đăng ký kết hôn dẫn nhau đi kiểm tra sức khoẻ là việc rất ít gặp hoặc có chăng chỉ có ở những thành phố lớn. Điều gì làm cho thanh niên Việt Nam ngại đề cập đến vấn đề sức khoẻ của người bạn đời tương lai trước khi kết hôn?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lảng tránh này. Trước hết do quan niệm xã hội. Từ trước tới nay, theo quan niệm truyền thống của người Việt Nam, khi đã yêu nhau, đã là vợ chồng thì phải tôn trọng và có niềm tin tuyệt đối với nhau. Bởi vậy, mọi hành động được cho là “thử thách” và “kiểm tra” (kể cả là kiểm tra sức khoẻ) trước khi kết hôn là những việc mà những người trong cuộc ít nhắc đến vì cho rằng làm như thế là không tôn trọng và chưa thực sự tin tưởng người bạn đời tương lai. Nhiều người thú nhận trước khi kết hôn, họ cũng muốn biết tình trạng sức khoẻ của người chồng (vợ) sắp cưới, song họ lại ngại đề cập đến vấn đề này vì đây chưa là việc phổ biến trong xã hội, họ sợ nếu đề cập đến sẽ bị cho là không tôn trọng, không có niềm tin với người sắp làm chồng (vợ) mình. Ngược lại, trong tâm lý nhiều người, nếu được người vợ (chồng) sắp cưới đề cập đến chuyện đi kiểm tra sức khoẻ cũng sẽ cho rằng đó là một thái độ thiếu tin tưởng và xúc phạm đến bản thân họ. Cùng với quan niệm xã hội, dịch vụ phục vụ việc kiểm tra sức khoẻ trước khi kết hôn chưa phát triển, kể cả tại các thành phố lớn ở Việt Nam, càng làm cho vấn đề này trở thành bất khả thi với những người quan tâm đến điều này. Cùng với các nguyên nhân trên, nguyên nhân quan trọng là tại Việt Nam chưa có các quy định về khám sức khoẻ trước kết hôn. Trong khi tại nhiều nước trên thế giới, việc khám sức khoẻ là một trong những yêu cầu bắt buộc trước khi kết hôn thì tại Việt Nam điều này vẫn chưa được đề cập. Bởi tất cả những nguyên nhân trên mà việc khám sức khỏe tiền hôn nhân hiện vẫn đang còn là việc ít người nghĩ tới trước khi kết hôn.

Mặc dù những năm gần đây, các hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản tiền hôn nhân đã bắt đầu được khởi động; tuy nhiên hầu hết các hoạt động mới dừng ở các nội dung như truyền thông, giáo dục sức khoẻ giới tính, sức khoẻ sinh sản, vấn đề quan trọng và cần thiết là khám, kiểm tra sức khoẻ cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn vẫn chưa được triển khai. Các chuyên gia về sức khoẻ sinh sản khuyến cáo, việc khám sức khoẻ trước kết hôn không những giúp các cặp vợ chồng sinh ra những đứa con khoẻ mạnh mà hơn hết còn để mỗi cặp vợ chồng sắp cưới biết rõ tình trạng sức khoẻ của nhau để cả hai có kế hoạch chăm sóc nhau lâu dài suốt cả cuộc đời. Chỉ khi có những đứa con khoẻ mạnh, vợ chồng cùng khoẻ mạnh và thực sự yêu thương, chia sẻ với nhau cả khi khoẻ mạnh hay ốm đau đó mới là cơ sở để có một gia đình hạnh phúc bền vững. Bởi vậy, đã đến lúc cộng đồng chúng ta cùng thay đổi quan niệm và cùng quan tâm đến vấn đề sức khoẻ tiền hôn nhân để tiến tới sự phát triển bền vững của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày