Thứ 3, 23/07/2024, 10:24[GMT+7]

Dị vật và chảy máu mũi, tác hại không nhỏ

Thứ 6, 27/04/2012 | 17:13:23
1,493 lượt xem
Dị vật (DV) mũi nằm ở trong hốc mũi không thuộc DV đường thở nên dễ bỏ qua, nhưng hay để lại biến chứng nguy hiểm, thường xảy ra ở trẻ nhỏ 2-5 tuổi. Đa số các cháu không được phát hiện bệnh sớm, khi có dấu hiệu bệnh nặng mới đến cơ sở y tế khám. DV mũi rất dễ chẩn đoán nhầm và điều trị kéo dài, tổn hao tiền của và mất thời gian, hại sức khỏe tinh thần lo lắng.

Thao tác kỹ thuật trong xử trí chảy máu mũi.

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Hữu Phẩm, Phó Trưởng khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Đa khoa Thái Bình), người có kinh nghiệm giảng dạy và điều trị chuyên khoa tai mũi họng nhiều năm ở Trường Đại học Y Thái Bình cho biết: DV rất đa dạng như đồ chơi, cúc áo, giấy, thức ăn; các loại hạt như thóc, lạc, ngô... do trẻ khi chơi vô tình nhét vào mũi, không lấy ra được và quên đi. Cũng có thể DV do sặc thức ăn từ miệng vào hốc mũi.

Tác hại về bệnh lý gây các biến chứng viêm mủ vùng hốc mũi bên có DV; viêm mũi xoang. Do các cháu phải thở bằng một bên mũi nên thiếu oxy, đặc biệt là thiếu oxy não, các cháu sẽ kém thông minh. Bác sỹ Nguyễn Hữu Phẩm khuyến cáo: Nên chú trọng công tác phòng bệnh: Phổ biến kiến thức về DV mũi đến các cô giáo nuôi dạy trẻ và các bà mẹ. Không để trẻ tiếp xúc đồ chơi có nhiều chi tiết tháo rời nhỏ. Khi cho trẻ ăn uống, phải loại những thứ dễ gây dị vật như xương, hạt...  Khi thấy trẻ chảy mũi mủ một bên kéo dài,  mùi hôi, có thể lẫn máu, đã điều trị kháng sinh không đỡ, thì phải nghĩ đến DV mũi, đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa lấy DV, không tự ý lấy ở nhà có thể nguy hiểm cho trẻ.

Cũng liên quan đến dị vật mũi, chảy máu mũi đối với trẻ nhỏ cũng thường gặp, chảy máu mũi là một cấp cứu nhưng có nhiều mức độ khác nhau. Nhẹ có thể tự cầm không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhỏ; nặng hơn có thể nguy cấp tới tính mạng. Theo Bác sỹ Nguyễn Hữu Phẩm thì chảy máu mũi là triệu chứng của một tổn thương tại mũi hay bệnh lý toàn thân, nhiều khi phức tạp, không xác định, thường được chẩn đoán do tổn thương tại chỗ như: chấn thương vùng mặt, nhất là chấn thương mũi, xoang đưa đến chảy máu mũi. Các u lành hay ác tính ở mũi xoang cũng thường gây chảy máu mũi.

Khi đứng trước 1 bệnh nhân chảy máu mũi, việc trước hết là phải cầm máu. Nếu là chảy máu cam nhẹ thì có thể dùng 2 ngón tay bóp nhẹ cánh mũi lại. Hoặc có thể dùng lá nhọ nồi hoặc lá chuối non giã nhỏ nhét vào hốc mũi.

Sau khi cầm máu cần để nằm nghỉ, yên tĩnh, đầu gối cao, nghiêng về bên chảy máu.

Đối với trường hợp chảy máu mũi nhiều cần đưa ngay bệnh nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Lê Quang Viện

 

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày