Thứ 5, 21/11/2024, 19:07[GMT+7]

Trường Đại học Y Dược Thái Bình: Hội thảo khoa học về bệnh mãn tính

Thứ 2, 25/11/2019 | 16:42:26
4,042 lượt xem
Chiều ngày 25/11, Trường Đại học Y Dược Thái Bình tổ chức hội thảo khoa học đánh giá, sơ kết kết quả năm đầu thực hiện dự án “Sống chung với bệnh mãn tính: hỗ trợ của gia đình và cộng đồng trong quản lý bệnh đái tháo đường tại Việt Nam”.

Ông Mikkel Lyndrup, Tham tán Y tế, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tham dự hội thảo.

Dự án “Sống chung với bệnh mãn tính: hỗ trợ của gia đình và cộng đồng trong quản lý bệnh đái tháo đường tại Việt Nam” có thời gian thực hiện 4 năm (từ năm 2018 – 2022) được Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch tài trợ, do Trường Đại học Y Dược Thái Bình phối hợp với Trường Đại học Cophenhaghen và Đại học Nam Đan Mạch (Đan Mạch) thực hiện. Toàn bộ dự án chia làm 5 gói hoạt động. Trong năm 2018 – 2019, dự án thực hiện gói số 1 - điều tra định tính người bệnh đái tháo đường và gói số 2 - điều tra định lượng người bệnh đái tháo đường và người chăm sóc. Cách thức thực hiện, điều tra viên tiến hành phỏng vấn 848 bệnh nhân đái tháo đường và 1.247 người chăm sóc ở 8 xã của huyện Vũ Thư và Quỳnh Phụ về các nội dung liên quan như: các yếu tố nguy cơ của lượng đường huyết cao, nguy cơ cảm xúc tiêu cực của bệnh nhân đái tháo đường, vai trò của người chăm sóc… 

Ông Mikkel Lyndrup, Tham tán Y tế, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và các đại biểu tham dự hội thảo

Kết quả, bước đầu dự án đã thu được nhiều số liệu cụ thể, nắm chi tiết hơn những nguyên nhân, tình trạng, những hạn chế, khó khăn trong việc điều trị, chăm sóc người bệnh đái tháo đường tại cộng đồng. Trên cơ sở đó, tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp, hoạt động can thiệp về bệnh này tại cộng đồng trong năm 2020 (gói số 3) và xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực của bệnh nhân và người chăm sóc thông qua đào tạo, tập huấn (gói số 4); chia sẻ thông tin, kết quả của dự án (gói số 5) cho những năm tiếp theo của dự án.

Hội thảo khoa học góp phần tích cực phổ biến các kiến thức mới về vai trò của người bệnh, gia đình, đặc biệt là người chăm sóc, người hỗ trợ thân thiết của người bệnh và cộng đồng trong quản lý hàng ngày bệnh đái tháo đường tuýp 2 từ đó có nhận thức và kỹ năng đúng trong chăm sóc người bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, giảm thiểu các biến chứng do căn bệnh này gây ra.

Quỳnh Lưu

 


  • Từ khóa