Thứ 7, 23/11/2024, 09:01[GMT+7]

Nắng nóng gay gắt, chú ý bảo vệ sức khỏe trẻ em, người cao tuổi

Thứ 2, 21/06/2021 | 14:24:17
893 lượt xem
Nắng nóng gay gắt kéo dài những ngày gần đây khiến nhiều người, trong đó trẻ em và người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao do khả năng điều nhiệt, thích nghi kém với sự thay đổi của thời tiết. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người cần tự bảo vệ bản thân và gia đình bằng việc trang bị kiến thức và các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu trong thời tiết nắng nóng.

Bệnh nhân cao tuổi điều trị tại Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Mới đây, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã tiếp nhận bệnh nhân là cháu Nguyễn Hữu Hải Đăng, 2 tuổi, xã Vũ Vân (Vũ Thư) bị nôn, sốt, đi ngoài. Sau khi khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị tiêu chảy cấp và điều trị bằng việc bù nước điện giải, bổ sung men vi sinh và tiếp tục theo dõi sát do chưa có biến chứng. 

Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Thị Thơm, phụ trách Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Thời tiết nắng nóng có dấu hiệu gia tăng bệnh thường gặp mùa hè, trong đó có bệnh về tiêu hóa. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 song mỗi ngày Khoa Tiêu hóa vẫn tiếp nhận từ 8 - 10 bệnh nhân điều trị. Các bệnh nhân có triệu chứng chủ yếu là: nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm khuẩn... Hiện tại có gần 30 bệnh nhân đang điều trị tại Khoa. Những bệnh nhân nhẹ được điều trị tại buồng bệnh, bệnh nhân nặng phải nằm ở phòng cấp cứu. Việc điều trị cho bệnh nhân nặng phức tạp, khó khăn hơn do hệ thống tiêu hóa ở trẻ chưa ổn định đã bị tổn thương. Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhi dễ mắc bệnh về tiêu hóa như nhiễm khuẩn đường tiêu hóa; vệ sinh kém, ăn uống chưa bảo đảm; thời tiết nóng thực phẩm dễ ôi thiu, dễ xảy ra ngộ độc, nhiễm khuẩn...

Hệ tiêu hóa vốn được coi như bộ não thứ hai của con người. Khi hệ tiêu hóa bị tổn thương sẽ khiến việc hấp thụ dinh dưỡng kém, từ đó kém phát triển. Do đó, bác sĩ Vũ Thị Thơm khuyến cáo: Ngoài bệnh về tiêu hóa, thời tiết nắng nóng trẻ cũng dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, da... Do đó, khi thấy trẻ có các biểu hiện mất nước, sốt... cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm, tránh trường hợp do ngại dịch không đưa con đi khám, khi đến khám bệnh đã ở tình trạng nặng. Bên cạnh đó, phải bảo đảm vệ sinh, chế độ dinh dưỡng hợp lý, cho trẻ ăn các thực phẩm đầy đủ dinh dưỡng theo từng lứa tuổi.

Không chỉ với trẻ em, nắng nóng, nhiệt độ cao cũng ảnh hưởng lớn đến người cao tuổi, người mắc bệnh tim mạch. Bác sĩ Nguyễn Xuân Toản, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nắng nóng ảnh hưởng rất lớn đối với cơ thể con người. Với những trường hợp mắc bệnh tim mạch nói riêng, người bình thường nói chung khi nắng nóng, nhiệt độ cao sẽ tác động lên cơ thể, gây ra tình trạng tăng chuyển hóa cơ bản, hệ thống tim mạch bị kích thích, tăng nhịp tim. Người có bệnh nền, bệnh tim mạch dễ xảy ra các biến cố hơn. Bên cạnh đó, nắng nóng còn làm cơ thể tăng tiết nhiều mồ hôi, mất nước, mất điện giải gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể. Từ số lượng bệnh nhân đến khám, chúng tôi thấy rằng thời tiết nắng nóng kéo dài một số bệnh lý tim mạch có xu hướng gia tăng như: bệnh tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy tim, bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não...

Ngoài các bệnh về tim mạch, nắng nóng gay gắt kéo dài còn gây ra tình trạng say nắng, sốc nhiệt. Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận một bệnh nhân gần 80 tuổi, xã Liên Giang (Đông Hưng) bị sốc nhiệt. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân ở tình trạng tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp tim. Đây là tình trạng nặng trong tình trạng sốc, song rất may bệnh nhân đã được hồi sức kịp thời. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng, thực phẩm không bảo đảm, dễ ôi thiu gây ra rối loạn đường tiêu hóa khiến nhiều người mắc bệnh về đường tiêu hóa.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Toản khuyến cáo: Người dân cần hạn chế tối đa ra ngoài lúc cao điểm nắng nóng. Nếu bắt buộc phải ra ngoài phải sử dụng các trang thiết bị bảo hộ cần thiết như: áo chống nắng, kính, mũ... Bên cạnh đó, cần bổ sung nước thường xuyên, tránh mất nước, uống từ 2 - 2,5 lít nước/ngày; ăn nhiều hoa quả để tăng vitamin, khoáng chất. Những người làm việc ra nhiều mồ hôi có thể bổ sung oresol. Ngoài ra, người dân cần hạn chế tối đa việc sử dụng các chất kích thích; sử dụng điều hòa ở chế độ hợp lý, không để nhiệt độ quá thấp, chênh lệch nhiều với nhiệt độ bên ngoài; ăn uống đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng, ăn chín, uống sôi để tránh bệnh về đường tiêu hóa và thực hiện tốt khuyến cáo “5K” để phòng, chống dịch Covid-19.

Hoàng Lanh