Chủ nhật, 05/05/2024, 03:31[GMT+7]

Từ vụ việc cháu bé bị bạo hành: Cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập

Thứ 5, 01/07/2021 | 21:07:50
2,931 lượt xem
Vụ việc cháu H.N.N bị bạo hành xảy ra tại nhóm mầm non tư thục Sao Việt vừa qua gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng không tốt đến môi trường giáo dục. Nhằm ngăn ngừa kịp thời tình trạng trên, ngành Giáo dục và các cơ quan chức năng của tỉnh đang vào cuộc quyết liệt, tích cực kiểm tra hoạt động của các nhóm, lớp này, đồng thời đình chỉ hoạt động của những nhóm, lớp không bảo đảm chất lượng theo quy định.

Hoạt động trải nghiệm của Trường Mầm non Hoa Phượng (thành phố Thái Bình). Ảnh tư liệu

Theo chia sẻ của ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo hành trẻ em là việc cấp phép và quản lý các nhóm, lớp trẻ tư thục còn chưa chặt chẽ, nhất là những yêu cầu về tiêu chuẩn người đứng đầu và giáo viên chưa được bảo đảm. Nhiều người mở nhóm, lớp với mục đích chạy theo lợi nhuận hơn là vì yêu nghề, vì trách nhiệm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ ở lứa tuổi mầm non đã xảy ra. Quan trọng nhất hiện nay là cần siết chặt các điều kiện cấp phép và quản lý hoạt động nhóm, lớp trẻ tư thục chứ không nên để khi có vụ việc đáng tiếc xảy ra mới rốt ráo vào cuộc kiểm tra. 

Ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Sau sự việc cháu N bị bạo hành, theo tôi cần sự vào cuộc của các cơ quan liên ngành trong việc kiểm tra, quản lý, chấn chỉnh các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là về các vấn đề như cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, địa bàn khu vực thành phố Thái Bình là nơi có số lượng cơ sở giáo dục mầm non tư thục được cấp phép và chưa được cấp phép tương đối nhiều. Về cơ bản, các phường, xã và các đơn vị liên quan đã thực hiện nghiêm công tác quản lý đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý đã bộc lộ một số hạn chế, tồn tại. Sau vụ việc cháu H.N.N bị bạo hành, UBND thành phố Thái Bình đã yêu cầu các đơn vị chấn chỉnh công tác quản lý đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn. 

Bà Hà Thị Thu Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: Chúng tôi đã yêu cầu UBND các phường, xã khẩn trương kiểm tra, rà soát tất cả các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đang hoạt động, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng nhóm trẻ không được cấp phép vẫn hoạt động. Đồng thời, đình chỉ hoạt động ngay đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục được cấp phép nhưng không bảo đảm quy định về đội ngũ, cơ sở vật chất, chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, cung cấp số điện thoại đường dây nóng, tiếp nhận và phản ánh thông tin về hoạt động các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố. 

Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình thông tin: Ngay buổi chiều ngày 29/6, chúng tôi đã phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra, rà soát hoạt động của tất cả các nhóm trẻ ngoài công lập, trong đó có cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo để đánh giá thực trạng hoạt động. Qua đó, kiến nghị với UBND phường, xã cấp phép đối với những cơ sở giáo dục mầm non chưa được cấp phép nhưng đã đủ điều kiện.

Là một trong những nhóm mầm non tư thục hoạt động gần 10 năm trên địa bàn xã Tân Phong (Vũ Thư), chị Đồng Thị Hoài Thu, chủ nhóm mầm non Hoa Anh Đào chia sẻ: Địa bàn xã Tân Phong và các xã lân cận có số lượng công nhân khá lớn, nhu cầu gửi trẻ ở đây luôn cao hơn so với những nơi khác. Để duy trì hiệu quả hoạt động của nhóm mầm non tư thục, cơ sở chú trọng việc tuyển dụng, đào tạo giáo viên và nhân viên nhà bếp. Hiện nay, nhóm có 8 giáo viên và 2 nhân viên nhà bếp với trên 70 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ. Với giáo viên, ngoài việc trang bị cho họ những kiến thức về dạy trẻ, chăm sóc trẻ về mặt dinh dưỡng, giáo dục thể chất, một điều rất quan trọng là phải học những kỹ năng bảo vệ trẻ và không xâm hại trẻ, kiềm chế những cơn tức giận. Ngay sau khi tỉnh cho học sinh mầm non đi học trở lại, tôi sẽ tiếp tục tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên trong nhóm để không xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua.

Ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập là nhiệm vụ thường niên của Sở Giáo dục và Đào tạo. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các cơ sở mầm non tư thục, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ và tuân thủ đầy đủ các quy định về chuyên môn, hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ kiên quyết xử lý các vi phạm (nếu có) tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ, tạo sự tin tưởng của phụ huynh học sinh khi cho con đi học.

Hiện nay, toàn tỉnh có 120 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, trong đó có 59 cơ sở được cấp phép hoạt động. Các nhóm trẻ chưa được cấp phép chủ yếu là nhóm trẻ có số lượng dưới 7 trẻ, mang tính tự phát.


Nhóm phóng viên