Thứ 3, 23/07/2024, 21:21[GMT+7]

Thông hầm cao tốc Bắc Nam qua Tam Điệp

Thứ 3, 13/07/2021 | 14:30:03
764 lượt xem
Hầm dài 245 m, quy mô ba làn xe cơ giới qua đèo Tam Điệp thuộc cao tốc Bắc Nam (đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45) được đánh mìn thông cửa vào ngày 12/7.

Nhánh phải hầm Tam Điệp được khoan thông hôm 12/7. Ảnh: Lam Sơn.

Sáng 13/7, ông Đỗ Mạnh Hà, Chỉ huy gói thầu xây lắp số 10 (Ban quản lý dự án Thăng Long), cho biết đến nay cả hai đơn nguyên hầm nối đường cao tốc từ Ninh Bình đi Thanh Hóa đã thông tuyến sau hơn 4 tháng thi công, khoan núi. Trong đó, đơn nguyên hầm bên trái tuyến đường được đào thông vào cuối tháng 6. 

Theo Ban quản lý dự án Thăng Long, gói thầu xây lắp số 10 tuyến cao tốc Bắc Nam (Mai Sơn - quốc lộ 45), chạy qua các huyện: Hoa Lư, Yên Mô, TP Tam Điệp (thuộc tỉnh Ninh Bình) và huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa).

Ngoài phần đường, dự án còn có hầm xuyên núi dài 245 m. Theo thiết kế, hầm gồm hai ống, mỗi ống gồm một hầm đơn hoàn chỉnh lưu thông một chiều, rộng 14,5 m quy mô ba làn xe cơ giới. Tim hai hầm cách nhau 45 m. Đường chính hai bên đầu hầm có dải dừng xe khẩn cấp rộng 2 m, dài 30 m (không kể chiều dài đoạn chuyển làn) bố trí không liên tục, so le nhau.

Cửa hầm nhánh trái cũng được thông hôm 26/6. Ảnh: Lam Sơn.

Cửa hầm nhánh trái cũng được thông hôm 26/6. Ảnh: Lam Sơn.

Ông Đỗ Quốc Tuấn, Chỉ huy trưởng công trình của Tập đoàn Sơn Hải, cho biết đơn vị nhận thi công hai đầu đường và hầm chui, được khởi công giữa tháng 12/2020, riêng phần hầm đến tháng 2/2021 mới triển khai. Để đảm bảo đúng tiến độ, nhà thầu bố trí bốn mũi thi công với hơn 120 cán bộ, công nhân bám trụ trong đường hầm thay ca làm việc cả ngày lẫn đêm. "Ca này ăn cơm, ca khác lại làm, cứ luân phiên liên tục đến khi thông hầm...", ông Tuấn nói.

Đơn vị thi công đã áp dụng công nghệ khoan hầm của Áo và giải pháp thi công đào hầm qua núi của Nhật Bản. Theo đại diện nhà thầu, khó khăn nhất khi thi công đường hầm Tam Điệp là cấu tạo địa chất ở đây đá lẫn đất khá phức tạp, nếu tính toán không kỹ có thể gây sạt lở đường hầm.

Hầm Tam Điệp dài 245 m gồm hai đơn nguyên riêng biệt, cách nhau 45 m. Ảnh: Lam Sơn.

Hầm Tam Điệp dài 245 m gồm hai đơn nguyên riêng biệt, cách nhau 45 m. Ảnh: Lam Sơn.

Đèo Tam Điệp xưa còn có tên là đèo Ba Dội hay Cửu Chân Quan, thời phong kiến đèo này nằm trên cung đường thiên lý từ kinh thành Thăng Long vào Nam. Cung đường phải đi qua nhiều đoạn đèo dốc quanh co uốn lượn ven chân các sườn núi thuộc dãy Tam Điệp, giáp ranh giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Năm 1998, khi nâng cấp đường 1A, một quả núi ở Dốc Xây đã được đục xuyên để làm một tuyến hầm bên phải (theo hướng Nam Bắc) giúp phương tiện qua lại an toàn hơn, song một hướng trái vẫn phải vòng qua eo núi.

Theo vnexpress.net