Thứ 6, 22/11/2024, 22:16[GMT+7]

Thái Bình: Quyết liệt và linh hoạt trong giải phóng mặt bằng Bài 2: Minh bạch trong cách làm

Thứ 3, 13/07/2021 | 16:44:55
1,293 lượt xem
Quá trình triển khai công tác GPMB tỉnh Thái Bình luôn xác định phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, phát huy quyền dân chủ của dân. Việc giải quyết phải bảo đảm kết hợp các lợi ích của người dân, của nhà đầu tư và của Nhà nước trên cơ sở đúng quy định của pháp luật.

Người dân xã An Bồi (Kiến Xương) tự nguyện phá dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường 39. Ảnh tư liệu.

Lắng nghe và công khai

Thành phố Thái Bình đang trong quá trình phát triển đô thị mạnh mẽ. Nhiều công trình hạ tầng lớn được triển khai, nhất là xây mới, mở rộng các tuyến đường. Các phường Hoàng Diệu, Tiền Phong, Trần Lãm hay xã Vũ Chính, Vũ Phúc, Phú Xuân... là những địa bàn phải thực hiện GPMB phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông với diện tích đất lớn. “Tấc đất, tấc vàng” luôn là thách thức đặt ra đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đường vành đai phía Nam hay đường Kỳ Đồng kéo dài đến nay cơ bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nếu quay lại cách đây vài năm, dự án đã có những lúc tưởng chừng tắc nghẽn không thể thực hiện. 

Đường Kỳ Đồng (thành phố Thái Bình)

Bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố cho biết: Đường vành đai phía Nam hay đường Kỳ Đồng kéo dài phải thực hiện GPMB đất nông nghiệp và đất ở của hàng nghìn hộ gia đình tại các phường Trần Lãm, Kỳ Bá, xã Vũ Chính, Vũ Lạc, Vũ Đông, Phú Xuân. Hơn nữa, nhiều thửa đất còn có nguồn gốc phức tạp, có không ít trường hợp chủ sở hữu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Hồ sơ quản lý đất đai không đồng bộ, không rõ ràng, gây khó khăn trong việc thu hồi đất. Bên cạnh đó, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng tiền còn có sự chênh lệch giữa các loại đất, các hộ dân, các phường, xã liền kề trong cùng một khu vực làm cho người dân cảm thấy bị thiệt thòi, kiến nghị tăng tiền bồi thường. Ngoài ra, một số hộ dân có đất bị thu hồi  kiến nghị bồi thường không đúng chế độ, chính sách theo quy định; không hợp tác với cán bộ làm công tác GPMB để kiểm đếm tài sản trên đất; không chấp nhận phương án bồi thường GPMB được phê duyệt dẫn đến chậm tiến độ thực hiện các dự án... 

Người dân xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) tháo dỡ các công trình nhà ở, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.

Để giải quyết được bài toán khó này, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia. 

Chia sẻ về cách làm trong quá trình GPMB giai đoạn khó khăn đó, ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh, các cấp, các ngành cần luôn xác định GPMB là nhiệm vụ chính trị. Vì vậy, người đứng đầu luôn phải nêu cao vai trò, trách nhiệm khi tham gia thực hiện. Đặc biệt, trong quá trình GPMB dự án, cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin đối với người dân. Nhất thiết phải tổ chức họp dân, lắng nghe, chia sẻ và đối thoại với dân về những vấn đề đặt ra hoặc những vấn đề người dân thắc mắc; bảo đảm dân chủ, kỷ cương trong công tác GPMB. Tập trung chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo của dân liên quan đến GPMB.

Hướng tới lợi ích người dân

GPMB là công việc khó khăn và phức tạp nên khi giải quyết phải vận dụng làm sao có lợi cho dân và phải hợp lý, hợp tình. Trong quá trình GPMB cần phải tuyên truyền người dân thuộc diện di dời, GPMB nhận thấy rõ lợi ích mà công trình, dự án mang lại cho cộng đồng; lợi ích của họ, nguyện vọng chính đáng của họ, cuộc sống của họ được quan tâm giải quyết, chăm lo. Muốn vậy, từ cơ quan xây dựng chính sách, cho tới những người thực thi chính sách đều phải đặt mình vào vị trí của người dân, để lắng nghe, để cảm nhận, để thấu hiểu và hành động đúng để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân. 

Tuyên truyền người dân đồng thuận tại tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đoạn đi qua xã Đông Trà (Tiền Hải).Ảnh tư liệu.

Ông Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải cho biết: Khó khăn nhất trong việc xây dựng phương án GPMB là không xác định được rõ nguồn gốc của tài sản, nguồn gốc đất. Để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người có đất bị thu hồi, phục vụ các dự án thì cán bộ phải bám sát địa bàn, gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Vì vậy, Hội đồng GPMB của huyện luôn có nhiều cán bộ chủ chốt tham gia. Các thành viên được Hội đồng phân công rõ người, rõ việc và có sự kiểm tra chéo lẫn nhau trong quá trình làm việc. Tinh thần chỉ đạo của Hội đồng là tập trung tuyên truyền, đối thoại từ cấp cơ sở; hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không tạo điểm nóng gây mất trật tự an toàn xã hội. 

Thi công tuyến đường 221A đoạn qua xã Tây Tiến (Tiền Hải)

Với cách làm này, huyện Tiền Hải đang tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án như đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình; cải tạo, nâng cấp đường tránh trú bão, cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế biển và bảo đảm an ninh quốc gia ven biển phía Nam tỉnh Thái Bình (đường 221A); dự án đầu tư xây dựng mở rộng Khu công nghiệp Tiền Hải, Cụm công nghiệp An Ninh… Gần 4 năm qua, huyện Tiền Hải đã thực hiện GPMB trên 70 dự án, thu hồi gần 282ha đất của 3.175 hộ gia đình, cá nhân, với số tiền đền bù, hỗ trợ GPMB gần 450 tỷ đồng.

Tuyến đường bộ ven biển đi qua địa bàn huyện Thái Thụy có chiều dài 11,6km. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện. Chính vì vậy, tiến độ triển khai dự án cũng hết sức cấp bách và khẩn trương. Đến nay, huyện Thái Thụy cơ bản hoàn thành công tác GPMB, chỉ còn một số điểm nghẽn đang được các địa phương đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng kế hoạch. 

Thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua xã Thái Thượng (Thái Thụy).

Theo ông Phạm Đức Thiết, Chủ tịch UBND xã Thái Thượng (Thái Thụy) thì tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình qua địa phận xã Thái Thượng có tổng diện tích 6ha cần GPMB, trong đó 4,6ha đất nông nghiệp, 1,4 ha đất ở và đất lâu năm. Xác định đây là dự án trọng điểm nên cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc, tổ chức thành lập các tổ công tác dân vận xuống từng gia đình tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển của địa phương; cơ chế, chính sách hỗ trợ, bồi thường GPMB của Nhà nước. Tổ công tác thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với người dân để nghe và giải đáp những khúc mắc về phương án, giá đền bù. Giải thích một lần dân chưa thuận thì lần 2, lần 3, đến khi dân hiểu rõ và đồng tình mới thôi. Suốt quá trình triển khai, cán bộ địa phương hầu như không có ngày nghỉ, luôn bám cơ sở, bám dân, để vướng đâu gỡ đó, nhằm triển khai các bước trong công tác đền bù hợp tình, hợp lý. Đến nay xã Thái Thượng đã cơ bản hoàn thành công tác GPMB và bàn giao đất ở cho các hộ tái định cư.

Hạ tầng khu tái định cư xã Thái Thượng (Thái Thụy) được đầu tư đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

UBND huyện xác định công tác tuyên truyền, vận động là cơ sở để triển khai GPMB, đẩy nhanh việc giải quyết đơn thư khiếu nại. Đặc biệt sẽ giải quyết, xử lý các trường hợp cố tình không chấp hành khi quyền lợi của các hộ dân đã được bảo đảm theo quy định của pháp luật. Bảo đảm công tác GPMB công khai, minh bạch, dân chủ và khách quan.

Ông Nguyễn Văn Niếc, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái (Kiến Xương)

Thực hiện công tác GPMB không phải ngày một ngày hai, mà đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ từ xã đến thôn xóm trong truyên truyền, vận động nhân dân, tập trung giải thích chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước đến từng gia đình với phương châm “mưa dầm thấm đất”. Nhất là việc phát huy vai trò gương mẫu của người đứng đầu, luôn lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của người dân, giải thích thấu tình đạt lý để nhân dân hiểu, chấp thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng.


Minh Nguyệt

(còn nữa)