Thứ 4, 01/05/2024, 12:20[GMT+7]

Giá lợn hơi giảm mạnh, mỗi con lỗ cả triệu đồng

Thứ 2, 19/07/2021 | 15:05:00
1,665 lượt xem
Theo các trang trại chăn nuôi lợn ở phía Bắc, trước tình hình giá lợn hơi có xu hướng giảm như hiện nay, bà con chăn nuôi đang đối mặt với tình trạng thua lỗ.

Người tiêu dùng mua thịt lợn tại siêu thị. (Ảnh: PLO)

Giá nguyên liệu đầu vào tăng, sản xuất nông nghiệp gặp khó và thua lỗ. Bà con chăn nuôi cũng đang trong tình cảnh tương tự. Những ngày gần đây, giá thịt lợn trên cả nước có xu hướng giảm mạnh.

Nếu tháng 5 và những tháng trước đó, giá lợn hơi ở mức từ 71.000 - 75.000 đồng/kg, thì từ đầu tháng 6 tới nay, giá lợn hơi có xu hướng giảm và giảm mạnh trong những ngày gần đây.

Hiện giá lợn hơi ở các địa phương có hiện tượng tăng giảm trái chiều nhưng xu hướng chung vẫn là giảm so với những tháng trước đó.

Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh phía Nam đang ở quanh mức 54.000 - 56.000 đồng/kg; các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên ở mức 55.000 - 60.000 đồng/kg; các tỉnh miền Bắc đang ở mức từ 50.000 - 52.000 đồng/kg.

Tại trang trại chăn nuôi lợn của Hợp tác xã Hoàng Long, Thanh Oai, Hà Nội, tổng đàn lợn ở đây luôn được duy trì 4.000 con, cả lợn nái và lợn thịt.

Hợp tác xã thực hiện quy trình chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ và chế biến.

Theo đại diện hợp tác xã, phân phối thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt không qua khâu trung gian, con giống chủ động được nhưng việc giá lợn giảm mạnh trong những ngày gần đây đã bắt đầu bị ảnh hưởng.

"Khi sản xuất ra 1 con giống thì nó dao động từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/con. Giá thức ăn bình quân mà chúng tôi sản xuất ra trên 13.000 đồng/kg. Tính ra, nếu nuôi 1 con lợn từ 8 kg cho đến 100 kg thì sẽ hết khoảng 4,1 triệu, cộng với các chi phí khác. Giá như của chúng tôi sản xuất ra thì nó xấp xỉ 51.000 đồng/kg. Đấy là điểm hòa vốn, chưa nói đến rủi ro dịch bệnh", ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cho biết.

Làm nghề chăn nuôi từ nhiều năm nay, dãy chuồng nhà ông Toan luôn duy trì hàng trăm con lợn. Chăn nuôi nhỏ nên nguồn giống, thức ăn chăn nuôi ông phải đi mua.

Theo tính toán của ông Toan, hiện giá lợn hơi xuất chuồng đang thấp hơn giá thành chăn nuôi. Mức giá như thế này khiến ông cũng như nhiều hộ gia đình khác gặp nhiều khó khăn sau khi vừa gượng dậy từ đợt thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi.

"Bây giờ 2,8 triệu đồng/con giống mà nuôi 6 tháng. Nếu cho ăn cám viên thì hết 21 bao. Tính ra nếu bán một con lợn 140 kg mà giá 50 thì được 7 triệu. Như vậy, lỗ 1 triệu đồng/con", ông Nguyễn Bá Toan, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội, cho hay.

Với giá lợn giảm như hiện nay, những trang trại lớn, chủ động được con giống có thể cầm cự được, còn những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang rơi vào tình cảnh thua lỗ. Trong khi đó, theo Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi nông hộ hiện vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 10 triệu hộ. Khi giá lợn giảm sâu, thiệt thòi lớn nhất vẫn là ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bởi họ hoàn toàn bị động về con giống, thức ăn chăn nuôi và khâu tiêu thụ.

Nguyên nhân khiến giá lợn hơi giảm sâu

Nhập khẩu về một lượng lớn thịt lợn đông lạnh và lợn sống, nguồn cung trong nước ổn định, tắc khâu lưu thông, tiêu thụ do dịch bệnh COVID-19 là những nguyên nhân đẩy giá lợn hơi giảm mạnh.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt trên 307.000 tấn, trị giá trên 602 triệu USD; tăng gần 20% về lượng và tăng 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Về chăn nuôi trong nước, theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác tái đàn của địa phương trên cả nước đạt 86% so với trước khi xảy ra dịch năm 2019. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt 27 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 2 triệu tấn.

Theo đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lợn hơi giảm mạnh trong hơn 1 tháng qua không chỉ do nguồn cung ổn định, mà chủ yếu do khâu lưu thông, tiêu thụ đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Dự báo, giá lợn hơi sẽ tăng nhẹ trở lại nếu khâu lưu thông được suôn sẻ.

Chăn nuôi theo chuỗi để ổn định khâu tiêu thụ

Theo dự báo, giá lợn hơi có thể sẽ tăng khi khâu lưu thông, tiêu thụ bình thường trở lại, dịch bệnh được kiểm soát. Tuy nhiên, trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Cục Chăn nuôi khuyến cáo bà con về giải pháp chăn nuôi tránh rủi ro dịch bệnh cũng như là ổn định giá cả khi thị trường biến động

"Muốn chăn nuôi có hiệu quả, trước tiên ta phải chăn nuôi theo chuỗi mới tránh được rủi ro. Trong bối cảnh như hiện tại, nếu sản xuất theo chuỗi sẽ chủ động được nguồn cung, có kế hoạch sản xuất. Trên cơ sở đó, ta phải tận dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước để giảm giá thành, muốn như vậy ta phải chăn nuôi theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Văn Trọng nhận định.

Theo vtv.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày