Thứ 6, 22/11/2024, 10:15[GMT+7]

Gia hạn thuế, tiền thuê đất - Trợ lực giúp doanh nghiệp vượt khó Kỳ 2: Gỡ khó để tăng thu cho ngân sách

Thứ 3, 27/07/2021 | 09:34:06
3,212 lượt xem
Nghị định số 52 của Chính phủ có ý nghĩa rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp, cá nhân có thêm nguồn lực tài chính để duy trì và khôi phục sản xuất, kinh doanh do tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định số 52 sẽ làm giảm thu ngân sách trong quý III/2021 đồng thời tạo áp lực đối với công tác thu ngân sách của ngành Thuế trong hai tháng cuối năm.

Thực hiện Nghị định số 52, Công ty Cổ phần Sợi Eiffel (khu công nghiệp Gia Lễ, thành phố Thái Bình) được gia hạn hơn 9 tỷ đồng tiền thuế các loại.

Bản chất của Nghị định số 52 đó là không miễn, không cắt thuế mà chỉ là tạm lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Chính vì thế, sau khi hết thời hạn gia hạn, người nộp thuế vẫn phải hoàn thành đầy đủ số tiền thuế được gia hạn theo đúng quy định. Điều này sẽ gây khó khăn cho người nộp thuế trong thời điểm cuối năm nếu như người nộp thuế không có phương án, chiến lược kinh doanh hiệu quả. Xác định điểm mấu chốt quan trọng này nên ngoài việc tăng cường tuyên truyền để người nộp thuế nắm rõ về đối tượng áp dụng, thời hạn gia hạn các loại thuế và tiền thuê đất, trình tự, thủ tục gia hạn; cơ quan thuế các cấp cũng nhấn mạnh về bản chất của Nghị định để người nộp thuế hiểu, trên cơ sở đó có phương án kinh doanh phù hợp bảo đảm nguồn lực tài chính để chi trả các loại thuế sau khi hết thời hạn gia hạn. 

Cùng với đó, ngành Thuế cũng chủ động phát huy kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị định số 41 trong năm 2020; bởi thực tế triển khai thực hiện Nghị định số 41 cho thấy, do người nộp thuế được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất nên hết tháng 11/2020, tổng thu ngân sách do ngành Thuế thực hiện mới chỉ đạt được 83,9% dự toán; trong đó thu thuế, phí và thu khác sau khi trừ tiền sử dụng đất đạt 74,4% dự toán. Nhưng bằng việc triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp nên chỉ trong 31 ngày của tháng 12/2020, toàn ngành đã thu thêm được 1.902 tỷ đồng, bằng 1/3 lần số thu của 11 tháng; từ đó nâng tổng số thu ngân sách của ngành Thuế trong năm 2020 lên 7.746 tỷ đồng, vượt 11,2% dự toán Bộ Tài chính với số tuyệt đối vượt 782 tỷ đồng, trong đó số thu từ thuế, phí và thu khác sau khi trừ tiền sử dụng đất đạt 92,2% dự toán, bằng 83,2% so với năm 2019.

Thực hiện Nghị định số 52, ước tính trong năm 2021 tỉnh Thái Bình sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp được gia hạn thuế và tiền thuê đất với số thuế gia hạn khoảng 520 tỷ đồng. Trong khi đó để hoàn thành dự toán được giao, trong 6 tháng cuối năm 2021, ngành Thuế sẽ phải thu tối thiểu 3.395 tỷ đồng, trong đó thu tiền sử dụng đất 639 tỷ đồng và thu từ thuế, phí 2.756 tỷ đồng. Tuy nhiên bằng những kinh nghiệm sẵn có đồng thời triển khai tích cực, có hiệu quả các giải pháp, hy vọng rằng, năm 2021, ngành Thuế sẽ tiếp tục hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách, từ đó đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Hoạt động giao dịch ở bộ phận một cửa Chi cục Thuế khu vực thành phố Thái Bình - Vũ Thư.

Ước tính trong năm 2021, toàn tỉnh sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp được gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52 với số thuế gia hạn khoảng 520 tỷ đồng. Trong ảnh: Sản xuất ở Công ty TNHH May Thiên Oanh (xã Quang Trung, huyện Kiến Xương). 

Ông Đỗ Hồng Nam, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất theo Nghị định số 52 của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ khó khăn cho công tác thu ngân sách của cơ quan thuế trong thời điểm giáp ranh của tháng 11 và tháng 12/2021. Chính vì thế, kết thúc 6 tháng đầu năm, ngành Thuế Thái Bình đã tập trung cao độ rà soát lại từng khoản phát sinh trên hồ sơ gia hạn để có kế hoạch theo dõi, thông tin cho người nộp thuế ở những thời điểm giáp ranh của thời hạn cuối cùng, tránh cho người nộp thuế không chuyển sang nợ đọng, bảo đảm thu kịp thời vào ngân sách, đồng thời bảo đảm chỉ số hài lòng của người nộp thuế trên địa bàn tỉnh.

Ông Vũ Ngọc Tuyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực Quỳnh Phụ - Hưng Hà

Đến nay, Chi cục đã tiếp nhận 67 hồ sơ của người nộp thuế để được hưởng gia hạn thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 52 với tổng số tiền thuế gia hạn hơn 24 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng hơn 23 tỷ đồng và tiền thuê đất gần 1 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2021, tổng thu ngân sách do Chi cục thực hiện đạt hơn 298 tỷ đồng, đạt 144% dự toán pháp lệnh; trong đó số thu từ thuế, phí và thu khác sau khi trừ tiền sử dụng đất đạt gần 81 tỷ đồng, đạt 59% dự toán pháp lệnh. Để Nghị định số 52 không ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách, bảo đảm hoàn thành dự toán hơn 207 tỷ đồng, thời gian tới, Chi cục Thuế khu vực Quỳnh Phụ - Hưng Hà tập trung rà soát các khoản thu còn dư địa, các khoản nợ đến thời hạn phải thu, đôn đốc thu kịp thời vào ngân sách; tăng cường công tác kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế để hoàn thành nhiệm vụ được giao; bám sát các khoản thuế đã được gia hạn khi đến hạn thì kịp thời đôn đốc vào ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Thiên Huy, Giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Eiffel (khu công nghiệp Gia Lễ, thành phố Thái Bình)

Thực hiện Nghị định số 52, Công ty đã được gia hạn hơn 9 tỷ đồng các loại thuế và tiền thuê đất. Trước đó năm 2020, thực hiện Nghị định số 41, Công ty cũng được gia hạn hơn 10 tỷ đồng tiền thuế các loại và tiền thuê đất. Chính sách ưu đãi này có ý nghĩa rất quan trọng, đã giúp Công ty có nguồn lực tài chính để chi trả các chi phí sản xuất đặc biệt là chi trả đều đặn tiền lương cho 220 lao động với mức thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng trong bối cảnh chịu tác động của dịch Covid-19. Mặc dù được gia hạn thuế nhưng Công ty sẽ cố gắng để hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước trong quý IV/2021; chủ động tìm kiếm đối tác, các đơn hàng dài để ổn định việc làm cho người lao động, tạo doanh thu cho Công ty.


Minh Hương