Giá vật tư nông nghiệp tăng cao “làm khó” nông dân Kỳ 1: Phân bón 3 lần tăng giá
Từ đầu năm đến nay, giá phân bón liên tục tăng cao trong khi nhiều nông sản rơi vào cảnh “được mùa mất giá” do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nông dân gặp không ít khó khăn.
Vườn thanh long ruột tím 7.000m2 của ông Trịnh Tiến Mạnh, thôn Hóa Tài, xã Thụy Duyên là một trong những mô hình chuyển đổi cây trồng có hiệu quả của huyện Thái Thụy. Để có được vườn cây xanh tươi, trĩu quả như ngày hôm nay, ông Mạnh đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư hàng trăm triệu đồng quy hoạch lại đồng ruộng, làm giàn bằng bê tông theo công nghệ của Israel, đầu tư phân bón và chăm sóc cây đúng kỹ thuật.
Ông Mạnh cho biết: Giá phân bón chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất và có thể cao hơn tùy theo thay đổi của thị trường. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông sản nói chung, thanh long nói riêng rớt giá, chỉ còn 10.000 - 12.000 đồng/kg, bằng nửa so với trước, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều tăng khiến người trồng cây ăn quả như chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Để giảm chi phí đồng thời nâng cao chất lượng quả, ngoài phân NPK, tôi sử dụng kết hợp phân hữu cơ từ chăn nuôi của gia đình, mua các loại cá giá rẻ về ủ làm phân để bón thêm cho cây.
Hiện đang bước vào sản xuất vụ mùa, nhu cầu về phân bón tăng cao. Ông Lại Khắc An, Giám đốc HTX DVNN xã Đông Tân (Đông Hưng) cho biết: Theo tính toán, chi phí cho 1 sào lúa hiện nay ở mức khá cao, dao động khoảng 700.000 đồng, gồm công làm đất, công cấy, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch; trong đó, tính riêng đầu tư cho phân bón các loại lên tới 200.000 - 230.000 đồng/sào. Như vậy, 1 sào lúa cho năng suất 2 tạ thóc (cấy lúa chất lượng cao), với giá bán trung bình 7.500 đồng/kg thu được 1.500.000 đồng, chi phí đầu tư chiếm đến 50%. Chi phí cao như hiện nay, sản xuất không khéo, gặp thời tiết bất thuận hay dịch hại nhiều rất dễ thua lỗ.
Anh Đặng Ngọc Tân, chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Tân Nông (thành phố Thái Bình) cho biết: Từ đầu năm đến nay, giá phân bón các loại đã tăng 3 lần và chưa có chiều hướng giảm, có loại tăng gần gấp đôi. Cụ thể, đạm ure từ 6.400 đồng/kg tăng lên 12.000 đồng/kg, phân NPK 16:16:8 trước có giá 9.500 đồng/kg giờ tăng lên 12.500 đồng/kg, kali từ 7.500 đồng/kg tăng lên 10.500 đồng/kg. Giá phân bón tăng không chỉ khiến nông dân gặp khó khăn mà những đại lý như chúng tôi cũng ảnh hưởng nhiều vì sức mua giảm rõ rệt. Thậm chí, nhiều đại lý còn phải bán nợ cho người dân trong thời gian dài, nhiều người đến cuối vụ bán lúa mới thanh toán tiền. Bên cạnh đó, giá phân bón tăng, đại lý như chúng tôi cũng cần nhiều vốn để dự trữ mới giữ được khách hàng.
Nói về nguyên nhân giá phân bón tăng, anh Tân nhận định: Giá phân bón tăng cao thời gian qua do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tại một số địa phương trong nước và các quốc gia trên thế giới khiến việc sản xuất, cung cấp của doanh nghiệp bị đình trệ. Dịch Covid-19 khiến ngành vận tải gặp khó khăn, việc vận chuyển, nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu bị ảnh hưởng dẫn đến khan hiếm nguồn cung; cước phí vận chuyển tăng kéo theo giá phân bón cũng thay đổi. Thêm vào đó, các nhà cung cấp nguyên liệu nhập khẩu đều thông báo tăng giá, buộc nhà sản xuất trong nước cũng phải tăng giá bán.
Chỉ tính riêng cây lúa, với diện tích gieo cấy mỗi năm gần 150.000ha, nông dân trong tỉnh sử dụng khoảng 140.000 tấn phân bón; trong đó, riêng vụ mùa cần khoảng 70.000 tấn phân bón các loại. Với mức giá phân bón như hiện nay, chi phí cho sản xuất nông nghiệp tăng thêm hàng trăm tỷ đồng so với vụ mùa năm 2020.
Nông dân trong tỉnh đang tập trung bón thúc cho lúa mùa nên nhu cầu về phân bón tăng cao.
Để hạn chế tác động từ giá phân bón tăng cao đến hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn nông dân các biện pháp chăm sóc, trong đó chú trọng việc bón phân cân đối, hạn chế bón đạm đơn (có mức tăng giá cao), bón tăng lượng NPK, kali, sử dụng các loại phân bón hữu cơ thay thế... Các địa phương cần căn cứ điều kiện nông hóa, thổ nhưỡng hướng dẫn người dân bón phân cân đối trên từng cánh đồng, không để bón thừa phân. Biện pháp này vừa giúp tiết kiệm lượng phân bón vừa giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh gây hại. Đồng thời, cần xây dựng và mở rộng các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản, tránh tình trạng “được mùa mất giá”.
(còn nữa)
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình đèn điện “Thắp sáng đường quê” và tích tụ, tập trung đất đai 08.11.2023 | 20:14 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Diễn đàn thanh niên phát triển kinh tế xanh, bền vững
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%