Thứ 7, 18/05/2024, 19:37[GMT+7]

Thủ tướng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp

Chủ nhật, 08/08/2021 | 18:30:43
4,127 lượt xem
Sáng 8/8, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Audio: 0809_khong_de_xay_ra_khung_hoang__mixdown.mp3

Dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Tại điểm cầu Thái Bình, các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu của hội nghị là để cùng nhau chia sẻ và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng nhấn mạnh, bối cảnh trong nước, quốc tế và diễn biến dịch bệnh hiện nay đòi hỏi tất cả chúng ta đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn nữa, đã cố gắng rồi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021, những khó khăn, vướng mắc và một số giải pháp, kiến nghị; đại diện một số địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phát biểu nêu lên thực trạng những khó khăn, vướng mắc và đề xuất với Chính phủ một số giải pháp, phương án để chống dịch hiệu quả và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. 

Không để xảy ra khủng hoảng về y tế và kinh tế      

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và biểu dương những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp cả nước đã chung tay chống dịch và nỗ lực khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất; đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu tại hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, bối cảnh dịch bệnh hiện nay đặt ra yêu cầu và nhiệm vụ to lớn cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Chúng ta cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống của nhân dân; đồng thời, chúng ta cần giữ vững và phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nỗ lực cao nhất để không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước sẽ khỏe mạnh. Để có được điều đó thì chúng ta phải kiên trì thực hiện mục tiêu không để xảy ra khủng hoảng về y tế và kinh tế, xã hội; thực hiện tốt chiến lược vắc xin bao gồm nhập khẩu vắc xin nhiều nhất có thể; tập trung chuyển giao công nghệ, sản xuất vắc xin trong nước; tiêm vắc xin miễn phí cho người dân.

Đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn

Nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cả nước phải quán triệt nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn; bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, kết nối tiêu thụ sản phẩm, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho người lao động; thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo. Các địa phương cần triển khai nhanh chính sách hỗ trợ của Chính phủ tới doanh nghiệp, người dân; quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; hạn chế thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các bộ, ngành trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Các hiệp hội doanh nghiệp cần đoàn kết, hỗ trợ hội viên thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa ổn định sản xuất, kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp, có giải pháp đổi mới mô hình, sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình bình thường mới. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ và các địa phương sẽ luôn đồng hành, sát cánh với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Khắc Duẩn