Thứ 6, 03/01/2025, 05:26[GMT+7]

Những việc làm ấm lòng nạn nhân chất độc da cam

Thứ 3, 10/08/2021 | 08:55:55
1,658 lượt xem
Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, những vết thương trên cơ thể đã lành theo năm tháng, những mảnh đất bom cày, đạn xới cũng đã hồi sinh. Song vẫn còn đó nỗi đau da cam âm ỉ, dai dẳng đè nặng lên cuộc sống của nhiều gia đình.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh tặng bằng “Tri ân tấm lòng vàng” cho các tập thể, cá nhân đã đồng hành và ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam tỉnh Thái Bình. Ảnh: Minh Đức

Gần 30 năm nay, bà Vũ Thị Dưỡng, xã Vũ Phúc (thành phố Thái Bình) vừa lo cáng đáng việc gia đình vừa chăm sóc người con gái Hoàng Thị Chiên thần kinh không ổn định. Chị Chiên bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, mọi sinh hoạt chủ yếu phụ thuộc vào mẹ. 

Bà Dưỡng chia sẻ: Vì con gái tôi thần kinh không ổn định nên gia đình tôi phải nhốt con vào một gian nhà riêng. Hàng ngày, tôi lo cơm nước, phục vụ sinh hoạt cho cháu. Thời gian trước, con còn biết ăn cơm nhưng dạo này thường xuyên đổ cơm đi không chịu ăn. Đêm đến cũng không chịu ngủ, cứ ngồi dựa vào tường cho đến sáng. Nhìn con như vậy tôi cũng đau lòng lắm, nhưng không biết phải làm thế nào.

Cũng giống như bà Dưỡng, đằng đẵng hơn 35 năm, ông Trịnh Xuân Nhượng, xã Minh Lãng (Vũ Thư) chăm sóc người con gái bị chất độc da cam, nằm liệt giường. Vợ chồng ông sinh được bốn người con, hai người con đầu mất sớm, người con trai thứ ba đi làm ăn xa, còn 1 người con gái út bị bại não. Cách đây hơn 10 năm, vợ ông bị bệnh viêm đa khớp, đi lại và sinh hoạt rất khó khăn, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai ông. 

Ông Nhượng cho biết: Cháu thường xuyên bị co giật, việc chăm sóc rất vất vả. Mỗi bữa cơm cho cháu ăn thường phải mất hơn 1 tiếng, uống một chén nước cũng mất 30 phút. Năm nay tôi đã 70 tuổi, lại mang trong mình căn bệnh ung thư thanh quản, không biết sống được bao lâu nữa. Chỉ lo rằng, sau này tôi mất đi, con gái bỏ lại cho ai nuôi.

Thái Bình hiện có trên 20.000 người là nạn nhân chất độc da cam, trong đó có trên 3.600 người là thế hệ thứ hai, thứ ba bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc da cam. Hàng vạn người bị nhiễm thứ chất độc quái ác ấy là hàng vạn nỗi đau. Có những nỗi đau dai dẳng, âm ỉ, kéo dài theo năm tháng, đè nặng lên đôi vai của chính những người từng vào sinh ra tử. Những năm qua, các cấp, các ngành và nhiều tổ chức, nhà hảo tâm cùng với các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/Điôxin trong tỉnh đã quan tâm, vận động, kêu gọi, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và gia đình các nạn nhân thông qua nhiều hình thức như: hỗ trợ vốn phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà ở, hỗ trợ học bổng, tổ chức khám bệnh miễn phí, tặng quà, nhận đỡ đầu và nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam mức độ nặng từng bước hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân chất độc da cam trong tỉnh vẫn còn khó khăn vì bệnh tật, không có khả năng phục vụ bản thân, rất cần sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh cho biết: Từ ngày được thành lập đến nay, Hội đã kêu gọi, vận động cộng đồng được 100 tỷ đồng để tặng quà cho trên 100.000 lượt nạn nhân chất độc da cam; cấp 400 xe lăn, xe lắc, xây dựng 400 ngôi nhà tình nghĩa cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ngoài ra, Trung tâm Tẩy độc trực thuộc Tỉnh hội cũng đã tẩy độc cho hàng nghìn lượt nạn nhân chất độc da cam trong và ngoài tỉnh; Trung tâm Chăm sóc và dạy nghề thường xuyên dạy nghề và nuôi dưỡng con em của các nạn nhân. Những việc làm thiết thực, nghĩa tình đó đã làm ấm lòng nạn nhân, những gia đình có con, em bị nhiễm chất độc hóa học, giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, tôi mong muốn các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành cùng với Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh, tạo điều kiện để Hội tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn.

Nỗi đau da cam là nỗi đau không của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc Việt Nam. Sẻ chia nỗi đau với các nạn nhân chất độc da cam là trách nhiệm của mỗi người và của cả cộng đồng. Đây là nghĩa cử thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” - một truyền thống bao đời của người dân đất Việt.

Thu Hoài