Thứ 7, 27/04/2024, 08:27[GMT+7]

Đa dạng hóa hình thức dạy học cho học sinh tiểu học để ứng phó với dịch Covid-19

Thứ 5, 12/08/2021 | 16:01:05
1,714 lượt xem
Sáng ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến với gần 800 điểm cầu tổng kết năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với cấp tiểu học. Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Năm học 2020-2021, toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục có cấp tiểu học với 16.323 điểm trường, giữ ổn định so với năm học trước. Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%. Cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước với tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27. Hiện nay, tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản bảo đảm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Đây là năm đầu tiên cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Ngành Giáo dục cả nước đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép, đó là vừa tích cực phòng, chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 và chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đối với các lớp 2, 3, 4 và lớp 5. Kết thúc năm học, tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình và có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Các khối 2, 3, 4 và khối 5, các nhà trường đã tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá học sinh; chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, thu hút học sinh tham gia vào các hoạt động trên lớp.

Về nhiệm vụ năm học tới, ngành Giáo dục xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục tiểu học. Theo đó, bậc tiểu học chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đồng thời đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19; chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học mới diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, vì vậy, các địa phương cần phải nhận định đầy đủ, thấu đáo về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội và cần nhận thức đầy đủ các khó khăn và thách thức. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học; từ đó các địa phương cần triển khai linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tận dụng “thời gian vàng” dạy trực tiếp trên lớp và linh hoạt trong quá trình thực hiện các hoạt động giáo dục, triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi của chương trình học tập.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Vụ Giáo dục Tiểu học ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản, trong đó tập trung vào chương trình cốt lõi ưu tiên giảng dạy trực tiếp, đồng thời cân nhắc về hình thức kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp. Cùng với đó, ngành giáo dục các địa phương đề xuất điều chỉnh về cơ chế chính sách và chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương và hướng dẫn của Vụ giáo dục Tiểu học.

                                                   Đặng Anh