Thứ 4, 04/12/2024, 22:09[GMT+7]

Khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế

Thứ 2, 16/08/2021 | 11:08:08
2,408 lượt xem
Giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế của tỉnh có sự phát triển vượt bậc, GRDP ước tăng bình quân 8,7%/năm, quy mô GRDP năm 2020 ước đạt 53.523 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2015. Mặc dù vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh vẫn xác định, kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở bởi còn đó không ít những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế cần phải được khơi thông.

Mặt bằng sạch là điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư huy động tài chính, nhân lực, máy móc thực hiện đầu tư đưa dự án vào hoạt động phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Nhìn thẳng sự thật

Tại cuộc họp của UBND tỉnh mới đây về tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của tỉnh, đại diện các sở, ngành, địa phương đều cho rằng, vẫn còn một số tồn tại khiến tốc độ phát triển kinh tế và thu hút nguồn lực đầu tư hạn chế. Đó là sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương còn manh mún, tự phát, không theo nhu cầu thị trường, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều; trình độ công nghệ của nhiều ngành sản xuất còn thấp, phần lớn cơ sở công nghiệp có quy mô nhỏ, các ngành dịch vụ chất lượng cao chậm phát triển. Chưa xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng, phát triển du lịch, kinh tế biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chất lượng công tác quy hoạch chưa cao; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, thiếu lao động trình độ, tay nghề cao tại chỗ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp; thiếu những dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao tạo sức lan tỏa phát triển kinh tế của tỉnh.

Đồng chí Vũ Kim Cứ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việc dám nhìn thẳng vào sự thật, chỉ ra những “điểm nghẽn” đang cản trở sự phát triển kinh tế của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng để xác định đúng những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới. Chính vì vậy, chúng tôi cùng với các sở, ngành, địa phương đã tập trung phân tích, đánh giá và thống nhất “điểm mặt, gọi tên” ra những “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ.

Trong 7 “điểm nghẽn” phát triển kinh tế, công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án chậm được xếp vị trí đầu tiên. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách còn bất cập; nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khiến tiến độ giải phóng mặt bằng không ít dự án rất chậm. 

Ông Bùi Thế Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park chia sẻ: Việc giải phóng mặt bằng chậm không chỉ khiến nhà đầu tư hạ tầng không thực hiện đúng tiến độ theo cam kết mà còn làm mất cơ hội thu hút nhà đầu tư thứ cấp có quy mô lớn vào hoạt động bởi sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các tỉnh, thành phố hiện nay rất gay gắt.

Tỉnh cũng xác định hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông kết nối chưa đáp ứng yêu cầu; chính sách của nhà nước, cơ chế chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế thời gian qua còn thiếu đồng bộ; công tác quy hoạch chưa theo kịp các yêu cầu quản lý và nhu cầu phát triển; hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư chưa có chiều sâu; công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh; việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa hiệu quả. Đây chính là những “điểm nghẽn” khiến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh kém hấp dẫn so với các địa phương trong khu vực và cản trở tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh.

Công phá “điểm nghẽn”

Vừa qua, một số địa phương như Vũ Thư, Tiền Hải, thành phố Thái Bình tổ chức nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tiêu biểu như UBND huyện Tiền Hải tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của 7 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích trên 8.456m2 đất nông nghiệp để thực hiện dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp An Ninh; UBND thành phố Thái Bình tổ chức cưỡng chế thu hồi căn hộ của 9 gia đình tại khu tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong thuộc sở hữu nhà nước để thực hiện dự án xây dựng, chỉnh trang khu tập thể 4 - 5 tầng phường Lê Hồng Phong. Sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương chính là cam kết mạnh mẽ với các nhà đầu tư về bảo đảm giao mặt bằng sạch và đúng tiến độ để yên tâm đầu tư, triển khai dự án nhanh, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng chỉ là một trong những lĩnh vực được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện hệ thống các giải pháp công phá “điểm nghẽn” nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương còn tập trung rà soát các quy định, chính sách đầu tư, chủ động tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo theo hướng bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư thông thoáng. 

Tại cuộc họp của UBND tỉnh về tháo gỡ “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế của tỉnh, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cho rằng: Cải cách thủ tục hành chính cần phải được các sở, ngành, huyện, thành phố triển khai mạnh mẽ hơn, thực chất và hiệu quả hơn, tăng cường thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để mở rộng cánh cửa cho các nhà đầu tư vào tỉnh hợp tác đầu tư cùng phát triển.

Trên cơ sở chỉ ra những nguyên nhân phát sinh “điểm nghẽn”, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung góp ý, tham mưu sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bảo đảm chất lượng công tác xây dựng, quản lý, triển khai các quy hoạch dự án phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, huy động nguồn lực đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước các cấp kết hợp với huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với hệ thống giao thông kết nối, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, UBND tỉnh cũng chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương trong tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua thước đo bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI).

Phát huy hiệu quả

Những nỗ lực tháo gỡ “điểm nghẽn” đã khơi thông nguồn lực đầu tư, tạo động lực cho kinh tế của tỉnh phát triển. Ngay cả trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 7 tháng đầu năm nay lĩnh vực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của tỉnh vẫn đạt kết quả rất ấn tượng. UBND tỉnh đã chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 37 dự án, bao gồm 20 dự án mới và 17 dự án điều chỉnh; cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 484 doanh nghiệp và 43 chi nhánh, văn phòng đại diện, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đến nay, toàn tỉnh có 8.003 doanh nghiệp, 904 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 96.670 tỷ đồng.

Các ngành như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng đều có mức tăng trưởng. Nổi bật là sản xuất công nghiệp đang bứt phá mạnh mẽ với chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2021 tăng 11,96%; giá trị sản xuất ước đạt 43.263,2 tỷ đồng, tăng 11,98% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng Khu kinh tế và các khu công nghiệp đã thu hút được 3 dự án mới với tổng vốn đăng ký 4.400 tỷ đồng. UBND tỉnh cũng đang xem xét chấp thuận đầu tư cho 2 dự án FDI vào Khu kinh tế với tổng vốn đăng ký khoảng 420 triệu USD; xem xét phê duyệt cho một tập đoàn kinh tế lớn nghiên cứu lập, tài trợ quy hoạch và làm căn cứ lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Tân Trường trong Khu kinh tế Thái Bình.

Khắc Duẩn