Thứ 6, 03/05/2024, 13:27[GMT+7]

Dự án Heifer: Thay đổi cuộc sống của nhiều hộ nghèo

Thứ 3, 17/08/2021 | 09:34:16
1,307 lượt xem
Được triển khai từ năm 2008, chia thành nhiều giai đoạn, dự án “Cải thiện đời sống cho các hộ nông dân nghèo và chịu ảnh hưởng của chất độc da cam thông qua mô hình phát triển cộng đồng toàn diện theo mô hình Heifer” (dự án Heifer) đã mang đến thay đổi cho nhiều hộ dân nghèo, tạo cơ hội giúp các hộ nghèo nâng cao đời sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Nguyễn Văn Công, xã Lê Lợi (Kiến Xương) nuôi bò sinh sản từ nguồn hỗ trợ của dự án Heifer.

Gia đình anh Nguyễn Văn Công và chị Phạm Thị Vóc, thôn Trung Kinh là một trong những hộ nghèo của xã Lê Lợi (Kiến Xương). Anh Công trí tuệ không bình thường, thường xuyên bệnh tật. Mọi gánh nặng cuộc sống đều đổ dồn lên đôi vai chị Vóc nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Với sự hỗ trợ của dự án Heifer do tổ chức Heifer tài trợ, giờ đây gia đình anh chị đã thoát nghèo. 

Chị Vóc chia sẻ: Gia đình tôi được nhận bò giống của dự án Heifer từ năm 2008, sau một thời gian chăm sóc, bò đã sinh sản được 1 con bê. Bê con được nuôi từ 4 - 5 tháng sẽ bàn giao lại cho hộ khác để phát triển dự án, con bò ban đầu hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của gia đình. Từ nuôi bò sinh sản, lứa nọ nối lứa kia, mỗi năm gia đình tôi cũng thu về gần 30 triệu đồng. 

Bằng số tiền tích góp được từ việc nuôi bò giống, năm 2020, gia đình chị Vóc đã xây được ngôi nhà khang trang, rộng rãi hơn. Chồng chị thay vì chỉ quanh quẩn ở nhà, anh đã biết đi chăn thả bò phụ giúp vợ con.
Lê Lợi là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Kiến Xương triển khai và thực hiện dự án Heifer. Đến nay, 23/62 hộ nghèo của xã được hưởng lợi từ dự án đã thoát nghèo. 

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã cho biết: Dự án hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo và chịu ảnh hưởng của chất độc da cam là sự hỗ trợ rất kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Đa số những hộ nhận bò giống ban đầu từ dự án đã bàn giao lại bê giống F2 để triển khai dự án theo quy định. Tôi mong giai đoạn tới, xã tiếp tục được hưởng lợi từ dự án để ngày càng có nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo.  

Ngoài việc được giao bò giống, các gia đình còn được dự án cho vay vốn để thực hiện các kế hoạch sản xuất nhỏ, phát triển kinh tế VAC, buôn bán nhỏ lẻ... giúp tăng thu nhập và làm chuồng trại, tạo vùng thức ăn cho bò, xử lý chất thải của vật nuôi để bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2019 - 2021, dự án tiếp tục được triển khai thực hiện tại 2 xã Bình Định và Lê Lợi (Kiến Xương); xã Phong Châu (Đông Hưng) và xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ) với 84 gia đình được vay vốn với số tiền 880 triệu đồng. 100% các gia đình sử dụng tốt nguồn vốn vay để thực hiện các kế hoạch sản xuất nhỏ, phát triển kinh tế VAC, buôn bán nhỏ lẻ. Toàn bộ số gia súc và nguồn vốn được chuyển giao theo đúng kỳ hạn từ hộ này sang hộ khác. Hầu hết các gia đình được trang bị, có kiến thức, kỹ năng về chăn nuôi, nông nghiệp, quản lý sản xuất, phấn khởi tham gia duy trì sinh hoạt nhóm và đóng quỹ tiết kiệm. Qua đó, giúp các hộ nông dân nghèo có thêm việc làm và điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, dự án cũng thành lập nhóm tình nguyện viên chữ thập đỏ là thành viên các gia đình được vay vốn để hỗ trợ nhau phát triển sản xuất, giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để việc triển khai thực hiện dự án tại các xã đạt hiệu quả cao, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban điều hành dự án cấp tỉnh, huyện, xã. Tổ chức khảo sát hộ dân, họp triển khai, ký cam kết, hợp đồng vay vốn với các gia đình tham gia dự án. Giải ngân nguồn vốn vay cho các gia đình, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Giao cán bộ phụ trách xã theo dõi, giám sát các hoạt động của dự án và báo cáo kết quả thực hiện hàng tháng về Ban Quản lý dự án tỉnh. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã chỉ đạo hội chữ thập đỏ huyện và cơ sở phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất cho các gia đình tham gia dự án, đồng thời tuyên truyền bằng hình thức phát tờ rơi, trên đài truyền thanh của xã. Kịp thời động viên, khen thưởng các xã tham gia hoạt động dự án tích cực, hiệu quả. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tiến hành ký cam kết thực hiện dự án, ký hợp đồng vay vốn và giải ngân nguồn vốn vay đối với các hộ dân tham gia dự án để chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế theo hình thức tín chấp do UBND xã, hội chữ thập đỏ xã bảo lãnh và thu hồi vốn vay, thu lãi theo quy định của dự án.

Giai đoạn 2021 - 2023, dự án tiếp tục được triển khai tại các xã: Bình Định và Lê Lợi (Kiến Xương); Phong Châu (Đông Hưng) và Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ), mở ra hướng đi và cơ hội mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các địa phương.

Thu Hoài

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày