Thứ 6, 03/05/2024, 23:20[GMT+7]

Thái Thụy: Tạo đột phá từ kinh tế biển

Thứ 2, 23/08/2021 | 09:41:50
3,084 lượt xem
“Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện” là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thái Thụy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Thi công đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Liên Hà Thái.

Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, Thái Thụy tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bước đầu tạo chuyển biến tích cực đối với ngành kinh tế mũi nhọn này, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển kinh tế biển, thời gian qua, UBND huyện Thái Thụy đã bám sát các giải pháp đề ra trong Nghị quyết để tập trung chỉ đạo thực hiện, trong đó chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản. Địa phương đã chuyển mạnh nuôi trồng thủy hải sản từ phương thức quảng canh sang phương thức bán thâm canh và thâm canh ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu thay thế các đối tượng nuôi phù hợp với từng vùng, từng khu vực để nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế. Đẩy mạnh khai thác hải sản trên biển, tập trung hỗ trợ, khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán tàu thuyền, nâng cao công suất của tàu và đầu tư trang thiết bị để đẩy mạnh khai thác xa bờ. Ứng dụng công nghệ, nâng cao trình độ kỹ thuật trong khai thác. Quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng yêu cầu sản xuất thủy sản hàng hóa công nghệ cao, tạo chuỗi liên kết từ khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, nâng cấp tàu vận tải, mở rộng quy mô, địa bàn hoạt động trong nước, đồng thời vươn mạnh ra thị trường quốc tế.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Nguyễn Xuân Sứ, thôn Bích Du, xã Thái Thượng cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo đồng chí Phạm Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy: Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện có trên 4.300ha, sản lượng 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 26.695 tấn. Phương thức nuôi trồng thủy sản có sự chuyển đổi tích cực chuyển mạnh nuôi trồng thủy sản từ quảng canh sang bán thâm canh và thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, huyện đã phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao với trên 100ha/năm theo mô hình liên kết với doanh nghiệp nuôi từ 3 - 4 vụ/năm, năng suất đạt từ 10 - 15 tấn/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 15 - 18 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/vụ. Khai thác hải sản phát triển mạnh theo hướng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an ninh trên biển và các quy định về chống khai thác bất hợp pháp. Các hộ ngư dân tích cực cải hoán tàu cá, tăng cường năng lực khai thác xa bờ. Đến nay, toàn huyện có 476 phương tiện, với tổng công suất là 97.710CV, trong đó số tàu có công suất trên 90CV là 351 chiếc, riêng số tàu có công suất trên 500CV là 153 chiếc, chiếm 38% tổng số tàu khai thác toàn huyện. Tổng sản lượng khai thác thủy sản 6 tháng đầu năm của huyện ước đạt 23.645 tấn. Dịch vụ hậu cần cho các tàu khai thác hải sản xa bờ phát triển, hiện nay huyện có 16 tàu dịch vụ chuyên cung cấp dầu, đá lạnh và thu mua hải sản cho đội tàu đánh bắt xa bờ ngay trên biển. Hình thành nhiều tổ đội khai thác xa bờ nhằm phát huy sức mạnh tập thể, giúp đỡ và bảo vệ nhau khi hoạt động trên biển, giúp các chủ tàu yên tâm bám biển sản xuất, góp phần bảo đảm an ninh, tăng cường sự hiện diện của ngư dân trên biển, tham gia bảo vệ vùng biển quốc gia. Toàn huyện có trên 150 doanh nghiệp vận tải biển với gần 200 phương tiện, tổng trọng tải đội tàu khoảng 800.000 tấn, tạo việc làm cho nhiều lao động với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Các ngành nghề chế biến thủy sản phát triển tương đối phong phú, đa dạng cả về chủng loại, hình thức và quy mô, tạo việc làm cho 1.000 lao động với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết từ khai thác, nuôi trồng gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu và có thị trường trên toàn quốc như: nước mắm, cá mai khô, nộm sứa, chả cá, chả tôm...

Để góp phần đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, thời gian qua Thái Thụy còn quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khu vực ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển theo quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình. Chủ động tháo gỡ khó khăn, thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm như: dự án tuyến đường bộ ven biển; dự án khu công nghiệp Liên Hà Thái; các tuyến đường kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình...

Trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Thái Thụy tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục khó khăn, tập trung thu hút nguồn lực để khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng của biển, từ đó từng bước phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện.


Đồng chí Lê Xuân Quy, Chủ tịch UBND thị trấn Diêm Điền

Với lợi thế sẵn có của địa phương ven biển, cấp ủy, chính quyền thị trấn luôn xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn; trong đó, chú trọng đẩy mạnh khai thác, đánh bắt hải sản trên biển và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản tạo liên kết chuỗi từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, thị trấn có 135 tàu cá có đầy đủ các phương tiện hiện đại vươn khơi bám biển đánh bắt cá; 45 cơ sở chế biến thủy hải sản. 6 tháng đầu năm, sản lượng đánh bắt cá của thị trấn ước đạt 135.000 tấn, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm sau khi đánh bắt được hầu hết các cơ sở trên địa bàn thu mua chế biến. Thu nhập hiện nay của ngư dân đánh bắt xa bờ bình quân khoảng 150 triệu đồng/người/năm; đối với lao động trong lĩnh vực chế biến khoảng 100 triệu đồng/người/năm. Đời sống của người dân nhờ vậy không ngừng được nâng cao.



Ông Nguyễn Xuân Sứ, thôn Bích Du, xã Thái Thượng

Tôi bắt đầu nuôi tôm từ năm 2014, tuy nhiên những năm đầu tỷ lệ thành công thấp do chưa có nhiều kinh nghiệm trong xử lý vấn đề nguồn nước, hạ tầng cơ sở và quy trình nuôi chưa chuẩn. Thời gian gần đây tôi đã thay đổi quy trình xử lý nước và diện tích ao nuôi. Trước đây tôi xây ao diện tích lớn nên khó trong việc quản lý môi trường trong ao. Hiện nay, tôi mở rộng thêm diện tích nuôi tôm và xây ao nuôi nhỏ từ 300 - 500m2/ao. Ao nhỏ nên việc quản lý môi trường trong ao thuận lợi, chính xác hơn nên có thể tăng mật độ nuôi lên 350 con/m2 thay vì khoảng hơn 100 con/m2 như trước đây. Vì vậy, tuy là ao nhỏ nhưng cho sản lượng lớn, thậm chí hiệu quả còn hơn cả những ao to. Diện tích nuôi trước đây là 2ha và nuôi theo quy trình cũ nên hiệu quả thấp, thu khoảng 15 tấn tôm/năm. Với diện tích mới mở rộng áp dụng theo cách làm mới đem lại hiệu quả tốt hơn dự kiến thu từ 30 - 40 tấn tôm/năm. Thu nhập nhờ vậy cũng sẽ được nâng cao hơn so với mọi năm.


Đào Quyên - Trần Tuấn