Thứ 5, 09/05/2024, 06:41[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022

Thứ 7, 28/08/2021 | 15:46:27
3,248 lượt xem
Sáng ngày 28/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Video: 28821-Hoi_nghi_trien_khai_nam_hoc_2021_2022_trung_-dang_anh.mp4

Audio: 30082021_Trien_khai_phuong_huong_nhiem_vu_nam_hoc_mixdown.mp3

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Hoàn thành mục tiêu kép

Năm học 2020-2021 là năm học thứ 2 ngành Giáo dục chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II bảo đảm những nội dung cốt lõi, nền tảng; vận dụng hình thức dạy học trực tuyến, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động điều chỉnh phướng án thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt, bảo đảm quyền lợi và tiếp cận công bằng cho học sinh.

Công tác triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1 cơ bản hoàn thành đúng kế hoạch, bảo đảm chuẩn đầu ra, một số mặt nổi trội hơn chương trình hiện hành. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được thế giới ghi nhận với 37 học sinh đạt giải quốc tế. Việc tự chủ đại học đã mở ra nhiều cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là trong thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước. Bên cạnh các kết quả đạt được, năm học 2020-2021 cũng còn một số tồn tại, hạn chế liên quan đến sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ không đồng đều. Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho toàn ngành Giáo dục năm 2021 chỉ đạt khoảng 17,3% chi ngân sách cả nước, chưa đạt tỷ lệ theo quy định.

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2021-2022

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ của nhiệm kỳ 2021-2026. Căn cứ các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giáo dục và đào tạo, năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng chuyển đổi trạng thái hoạt động của ngành Giáo dục thích ứng với dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, tổ chức các hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại địa phương. Tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đặc biệt với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021-2022; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo…

Đại biểu dự hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên chúng ta không được chủ quan, lơ là. Chia sẻ với những khó khăn của ngành Giáo dục, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương kết quả ngành Giáo dục đạt được trong năm học vừa qua, đặc biệt tinh thần chủ động xung phong tham gia chống dịch của các cán bộ, giảng viên, sinh viên khối các trường y dược.

Thủ tướng khẳng định, năm học 2021-2022, Chính phủ sẽ có giải pháp bảo đảm an toàn trường học bằng việc xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin cho học sinh. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, nghiên cứu, tổ chức triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em theo đúng nguyên tắc khoa học; lứa tuổi 12 trở lên có thể trở lại trường học bình thường nếu được tiêm vắc xin đầy đủ. Đối với giáo viên, rà soát để bổ sung tiêm vắc xin kịp thời nhằm chuẩn bị chu đáo cho năm học mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các giáo viên, cán bộ quản lý và các em học sinh nêu cao tinh thần phòng, chống dịch với phương châm mình vì mọi người, mọi người vì mình, tất cả vì con em chúng ta bởi chống dịch là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.

Những địa phương không phải giãn cách xã hội, Thủ tướng yêu cầu tiến hành vệ sinh môi trường, rà soát, nếu đủ điều kiện thì tổ chức dạy và học trực tiếp với quan điểm không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Đối với những nơi “vùng đỏ”, “vùng vàng”, vẫn phải tổ chức dạy và học trực tuyến, hỗ trợ những học sinh khó khăn để bảo đảm sự công bằng. Có chính sách miễn, giảm học phí đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho các giáo viên, học sinh đối với các trường hợp đặc thù để khuyến khích học sinh đến trường và động viên các thầy, cô giáo tiếp tục yêu nghề, gắn bó với nghề.

Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục

Trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành Giáo dục phải tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, khoa học công nghệ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên; có chính sách khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm và khuyến khích đổi mới giáo dục phù hợp với từng vùng, miền khác nhau. Bên cạnh đó, thu hút nguồn lực, công nghệ đào tạo tiên tiến, hiện đại vào các cơ sở giáo dục.

Đối với vấn đề thiếu giáo viên mà các tỉnh, thành đề xuất, Thủ tướng giao Bộ giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ phối hợp với địa phương để rà soát, bố trí biên chế giáo viên phù hợp, thu hút nhân tài, học gắn với hành, tránh tình trạng thừa thầy, thiếu thợ; đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giáo dục tăng cường thực hiện các giải pháp giảm tình trạng dạy thêm, học thêm; sớm công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm học 2021-2022 để giáo viên, học sinh chủ động trong quá trình học tập. Đồng thời, cần có giải pháp để học sinh thích học môn Lịch sử, tăng cường dạy học ngoại ngữ gắn với việc đổi mới cách dạy, cách học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

                                                                        Đặng Anh

Ảnh: Thành Tâm