ThaiBinh Seed: Tiên phong sản xuất lúa bền vững
Thái Bình là địa phương duy nhất ở Việt Nam được Tổ chức Phát triển Hà Lan chọn triển khai dự án AVERP trong 5 năm (2016 - 2021) với mục tiêu xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng các công nghệ, công cụ và phương pháp tiên tiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong quá trình canh tác và sản xuất lúa gạo. Cơ chế trao giải thưởng dựa trên kết quả đạt được về giảm phát thải KNK, tăng năng suất... Cách thức triển khai dự án hoàn toàn mới, theo “cơ chế kéo”, đó là không hỗ trợ kinh phí trước cho tổ chức, cá nhân mà tiến hành lựa chọn, thẩm định các giải pháp, công nghệ sáng tạo xuất sắc, đáp ứng tiêu chí giảm phát thải KNK và nâng cao sinh kế cho người dân trồng lúa để trao giải thưởng.
Chia sẻ lợi ích, hợp tác bền chặt
Bà Trần Thị Tiệc, thư ký phụ trách dự án của ThaiBinh Seed chia sẻ: Từ nhiều năm qua, ThaiBinh Seed đã tạo dựng và phát triển được mối liên kết, hợp tác bền chặt trong sản xuất lúa giống với nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công của giải pháp công nghệ do đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, để có được ghi nhận ngày hôm nay, ngay từ đầu, ThaiBinh Seed xác định rõ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác lúa. Bên cạnh đó, thường xuyên sát sao với hộ sản xuất để nắm bắt tâm tư, hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành cùng bà con tháo gỡ khó khăn. 4 vụ triển khai thực hiện dự án, chúng tôi đã bám sát 4 tiêu chí chấm điểm: giảm khí thải (20% tổng điểm), tăng năng suất (20% tổng điểm), số hộ sử dụng công nghệ (40% tổng điểm), sử dụng lặp lại công nghệ (20% tổng điểm) để bố trí nhằm đạt được số điểm cao nhất. Theo đó, các điểm thực hiện dự án của ThaiBinh Seed đều gắn với các điểm sản xuất lúa giống của Công ty. Các hộ tham gia được hỗ trợ 50% chi phí vật tư (phân bón, chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch) đồng thời Công ty thu mua lại toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá gấp 1,3 lần giá thị trường, từ đó giúp nông dân nâng cao thu nhập, có thêm động lực tích cực tham gia dự án.
Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, gói quy trình công nghệ sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải KNK của ThaiBinh Seed đã thể hiện được nhiều điểm ưu việt như: giảm phát thải KNK CO2 từ 5,13 - 54,38%; năng suất lúa tăng so với đối chứng từ 11,98 - 93,66%, số hộ nông dân hiểu quy trình công nghệ đạt từ 63,2 - 81,1%.
“Khi được giải thưởng của dự án, ThaiBinh Seed tiến hành chia cho các thành phần tham gia với tinh thần “cùng làm cùng hưởng lợi”. Tổng kinh phí hỗ trợ vật tư (phân bón, chế phẩm xử lý rơm rạ...) và phần giải thưởng mà các hộ nông dân và HTX tham gia thực hiện dự án được nhận trong 4 vụ là 7,8 tỷ đồng” - bà Trần Thị Tiệc chia sẻ.
Góp phần thay đổi thói quen canh tác
Ngoài những thuận lợi, quá trình triển khai gói công nghệ tham gia dự án cũng xuất hiện nhiều khó khăn mà ThaiBinh Seed phải tháo gỡ, trong đó việc thay đổi thói quen canh tác theo kinh nghiệm ăn sâu, bám rễ của người dân.
Tham gia dự thi, ThaiBinh Seed sử dụng các giống lúa: Bắc thơm 7, BC15; cấy tay hoặc gieo thẳng với mật độ 24 - 30 khóm/m2; dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ sau thu hoạch; bón phân NPK và đạm u rê 2 lần (là đơn vị có số lần bón ít nhất trong các đơn vị tham gia dự thi), trong đó phân NPK tổng hợp bón 1 lần trước cấy; xiết nước 3 đợt tùy theo nhu cầu, sinh trưởng của cây lúa.
Bà Trần Thị Tiệc cho biết: Cách thức bón phân 1 lần/vụ theo quy trình của dự án giúp giảm lượng phân bón hơn so với trước đây (3 lần/vụ) nhưng nông dân ban đầu lại rất lo lắng sợ lúa không đủ dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, năng suất sẽ thấp. Quy trình mới yêu cầu xiết nước 3 lần/vụ, trong khi tập quán canh tác trước đây của nông dân là không xiết nước (có một số vùng khô tự nhiên, nhiều vùng để nước ngập trong cả vụ). Do đó, khi áp dụng quy trình mới rất khó đôn đốc nông dân xiết nước. Tuy nhiên, qua từng vụ triển khai, khi nhận thấy hiệu quả mà dự án mang lại cao hơn so với việc canh tác truyền thống trước đây, số nông hộ tham gia dự án ngày càng tăng. Thay vì đốt rơm rạ thì người dân sử dụng chế phẩm xử lý; cấy thưa, giảm lượng giống; sử dụng phân bón đúng lúc, cân đối; xiết nước đúng thời điểm... góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước.
Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Bình Định (Kiến Xương) cho biết: Là đơn vị tham gia thực hiện gói công nghệ của ThaiBinh Seed trong suốt 4 vụ của giai đoạn II - giai đoạn nhân rộng gói công nghệ, từ diện tích 23ha ở vụ xuân năm 2019 tăng lên gần 97ha ở vụ mùa năm 2020. Quy trình công nghệ sản xuất lúa bền vững và giảm phát thải KNK không quá phức tạp, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, nếu chuyên tâm là có thể làm được. Bên cạnh đó, đa số người dân đã ý thức được những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất và đời sống. Vì vậy khi dự án triển khai, các hộ đều hăng hái tham gia và cam kết sẽ tiếp tục áp dụng quy trình khi dự án kết thúc.
Khẳng định vị thế
Ngoài ThaiBinh Seed, tham gia giai đoạn II của dự án còn có 3 đơn vị: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển An Đình, Công ty Cổ phần Giống cây lương thực và cây thực phẩm, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. Để giành được giải thưởng, một trong những yếu tố quyết định là mức tăng năng suất. Cả 4 đơn vị đều sử dụng giống lúa BC15 để thể hiện gói công nghệ. Được xem là một trong những giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt và được rất nhiều tỉnh đưa vào cơ cấu giống sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, BC15 có khả năng thích ứng rộng và ổn định trên nhiều chân đất, chịu chua, úng trũng và rét khá; có khả năng phục hồi mạnh sau thiên tai. Những ưu điểm vượt trội trên chính là lý do các đơn vị lựa chọn BC15 với mong muốn đạt điểm số tối đa.
Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ThaiBinh Seed cho biết: Dự án AVERP được thực hiện với cơ chế rất minh bạch, giúp chúng tôi triển khai thành công gói công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp và đến nay đã tạo được cho bà con nông dân ở Thái Bình sự tự giác thực hiện các gói công nghệ ngay cả khi vụ cuối cùng của dự án kết thúc từ năm 2020. Chúng tôi xin cam kết tất cả các điểm trồng lúa của ThaiBinh Seed trên toàn quốc sẽ tiếp tục triển khai gói công nghệ tham gia dự án, cũng như sẽ tiếp tục lan tỏa những phương thức tiên tiến này đến những vùng sản xuất lúa trọng điểm trên cả nước, với mong muốn góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải KNK trong sản xuất lúa tại Việt Nam.
Ngân Huyền
Tin cùng chuyên mục
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo triển khai dự án đường dây 500kV qua địa phận tỉnh Thái Bình 16.11.2023 | 17:24 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh