Thứ 3, 07/05/2024, 04:05[GMT+7]

Từ khuyến học, khuyến tài đến xây dựng xã hội học tập Kỳ II: Xuất hiện nhiều điểm sáng

Thứ 4, 08/09/2021 | 08:42:34
1,345 lượt xem
Có thể khẳng định, Đề án 281 là nội dung lớn nhằm thực hiện Đề án 89 về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”. Thông qua nhiều hoạt động đã xuất hiện những điển hình tiên tiến, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trên nhiều lĩnh vực của đời sống.

Từ số tiền thu được từ quỹ nuôi heo tình bạn, Đoàn Trường THPT Bắc Đông Quan (Đông Hưng) đã trao tặng em Võ Thị Phượng, học sinh của trường một chiếc xe đạp. Ảnh tư liệu

Cách làm sáng tạo

Trên 27 tỷ đồng là tổng số tiền quỹ khuyến học mà các cấp hội khuyến học huyện Đông Hưng huy động được tính đến hết năm 2020, cao nhất tỉnh. 

Bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện cho biết: 5 năm qua, phong trào xây dựng quỹ khuyến học phát triển mạnh, có nhiều hình thức huy động quỹ, đặc biệt mô hình nuôi heo khuyến học trong học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT đã trở thành phong trào rộng khắp. Hàng năm, toàn huyện đã huy động quỹ khuyến học gồm quỹ khuyến học gia đình, dòng họ, cộng đồng, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khen thưởng cho hàng chục nghìn học sinh học giỏi, cấp học bổng cho hàng nghìn học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Dòng họ Đỗ Quý, xã Đông Cường là một điển hình. \

Ông Đỗ Quý Mạnh, trưởng ban khuyến học dòng họ chia sẻ: Nếu như năm 2016, tổng số quỹ mới đạt 87 triệu đồng thì đến nay đã tăng lên trên 280 triệu đồng. 5 năm qua, ban khuyến học dòng họ đã khen thưởng 248 lượt con cháu với tổng số tiền 76,5 triệu đồng. Để huy động được nguồn quỹ trên, chúng tôi tập trung 4 nhóm là những người cao tuổi tâm huyết trong dòng họ, những người trong dòng họ công tác tại địa phương, những người thành đạt và những gia đình có con học giỏi được khen thưởng. Nhân dịp tết Nguyên đán, giỗ họ, tháng khuyến học, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động ủng hộ quỹ khuyến học dòng họ, đồng thời đưa thông tin những người ủng hộ quỹ vào bảng khuyến học dòng họ vừa để vinh danh, khuyến khích, kêu gọi con, em ủng hộ quỹ vừa bảo đảm công khai, minh bạch. Sau khi tổ chức tuyên dương, khen thưởng con cháu trong dòng họ, chúng tôi gửi toàn bộ số tiền quyên góp được vào ngân hàng, hàng tháng có lãi suất cộng dồn để khen thưởng cho các đợt tiếp theo. Nhờ vậy, quỹ khuyến học của dòng họ năm sau luôn cao hơn năm trước, góp phần khuyến khích phong trào học tập của con cháu trong dòng họ.

Cùng với việc khuyến khích trẻ em và người lớn học tập, việc xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng trở thành nơi học lý thuyết và thực hành của người lớn được các địa phương đặc biệt chú trọng. Là xã ven biển xa trung tâm huyện, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nam Phú (Tiền Hải) xác định xây dựng xã hội học tập là cơ hội, động lực giúp trẻ em và người lớn ra sức học tập, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Ông Trần Tấn Đạc, Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã cho biết: Với mục đích trên, những năm qua, địa phương đã xây dựng Trung tâm Học tập cộng đồng xã thực sự trở thành cơ sở giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời cho mọi người, đặc biệt là người lớn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, đồng thời chung sức xây dựng nông thôn mới. Để làm được việc ấy, chúng tôi tập trung vào 4 nhóm giải pháp cơ bản là: kiện toàn bộ máy Trung tâm, xây dựng quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch học tập và chú trọng công tác khen thưởng. Trong 4 giải pháp trên, chúng tôi chú trọng việc chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể xây dựng chương trình học tập theo tháng, quý và theo năm căn cứ nhu cầu “cần gì học nấy”, có khi tổ chức học ở Trung tâm nhưng cũng có khi thực tế trên cánh đồng. Việc tổ chức các lớp học ở thôn, xã được thực hiện theo đúng đối tượng trên cơ sở đi sâu đi sát, hiểu và nắm rõ nghề chính, nghề phụ của người dân, từ đó xây dựng giáo án từ những điển hình tiên tiến ngay tại thôn, xã để giảng dạy phù hợp nhất cho người dân nhưng vẫn bám sát chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, hội khuyến học các cấp và kết nối các cơ sở đào tạo để có kiến thức mới nhất phục vụ bà con.

Trở thành điển hình tiên tiến

Nhờ những cách làm sáng tạo, phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện Đông Hưng, 20 năm thành lập và phát triển cũng là 20 năm Hội Khuyến học huyện là đơn vị xuất sắc dẫn đầu, vinh dự được các cấp, các ngành khen thưởng. Phong trào khuyến học, khuyến tài đã phát triển sâu rộng khắp các địa bàn dân cư. 100% xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện... có tổ chức hội khuyến học. Phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập phát triển rộng rãi, được đông đảo gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư hưởng ứng, đạt hiệu quả cao.

Với những kết quả đạt được, Trung tâm Học tập cộng đồng xã Nam Phú luôn được đánh giá là đơn vị tiêu biểu xuất sắc của huyện và tỉnh. Đây vừa là niềm vinh dự và cũng là động lực để Trung tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra trong giai đoạn tới, trong đó chú trọng tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Ông Đỗ Đình Trọng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết: Hội Khuyến học huyện Đông Hưng và Trung tâm Học tập cộng đồng xã Nam Phú chỉ là 2 trong rất nhiều điển hình tiên tiến của các mô hình khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Từ những điển hình này, thời gian tới, Hội Khuyến học tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số.

Đặng Anh 

(còn nữa)