Thứ 3, 21/05/2024, 03:25[GMT+7]

Bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống Kỳ 1: Tài năng nhí “giữ lửa” chèo

Thứ 3, 20/09/2022 | 11:14:37
3,344 lượt xem
Trải qua quá trình lịch sử, đến nay nghệ thuật chèo vẫn sâu rễ bền gốc trên mảnh đất Thái Bình, một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng. Dù có phần mai một bởi sự thay đổi mạnh mẽ của đời sống đương đại song với phương châm bảo tồn nghệ thuật bằng con người, nghệ thuật chèo đang từng ngày được gìn giữ bởi những học sinh còn đeo khăn quàng đỏ, những người nông dân chân lấm tay bùn và đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp với quyết tâm “giữ lửa” chèo.

Tình yêu với nghệ thuật truyền thống vẫn đang từng ngày được nhân lên trong thế hệ trẻ.

Về Thái Bình, nghe những cô bé, cậu bé còn đang trên ghế nhà trường nhưng đã biểu diễn thuần thục nhiều trích đoạn chèo cổ, nhiều làn điệu chèo mượt mà, đằm thắm với cách luyến láy, nhả chữ điêu luyện mới cảm nhận hết tình yêu, niềm tự hào sâu sắc của thế hệ trẻ về một loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Gia đình “tiếp lửa” cho niềm đam mê nghệ thuật

Những ngày hè vừa qua có lẽ là kỳ nghỉ đáng nhớ của cậu bé Huỳnh Lê Gia Phúc, học sinh Trường Tiểu học Vũ Phúc (thành phố Thái Bình). Dừng chân ở cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình lần thứ 3 với giải nhì dành cho tiết mục hề “Theo thầy” trích trong vở chèo cổ “Từ Thức gặp tiên”, Gia Phúc dành nhiều thời gian cho việc tập những trích đoạn chèo cổ để thỏa niềm đam mê của mình. 

Bà Nguyễn Thị Hà, bà của Gia Phúc chia sẻ: Bắt đầu kỳ nghỉ hè, cháu đã nói muốn tập trích đoạn chèo cổ “Phù thủy gặp ma” nên tôi tìm thầy cùng tập với cháu. Ngoài ra, hai bà cháu cũng tìm hiểu thêm những video của trích đoạn này trên mạng internet, những bài viết giảng giải ý nghĩa từng câu chữ để Gia Phúc có thể hiểu hơn, cảm xúc hơn trong từng lời thoại.

Niềm đam mê nghệ thuật chèo đến với Gia Phúc tình cờ khi em được bà đăng ký cho tham dự cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình lần thứ 3. Khoảng thời gian gấp rút chuẩn bị cho các vòng thi cũng chính là lúc Gia Phúc tự nhận thấy tình yêu với loại hình nghệ thuật truyền thống. 

Bà Vũ Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh, thành viên ban tổ chức cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình lần thứ 3 chia sẻ: Thời gian đầu đến với cuộc thi, Gia Phúc chưa hiểu nhiều, biết nhiều về chèo. Tuy nhiên, với sự định hướng và đồng hành của bà - người rất yêu nghệ thuật chèo, em dành nhiều thời gian để tìm hiểu và dần dần qua các vòng thi, tài năng của cậu bé này được bộc lộ, tới đêm chung kết thì đã hoàn toàn chinh phục ban giám khảo và khán giả. Đây là bất ngờ lớn nhưng cũng cho thấy khi có sự quan tâm đúng mức, nghệ thuật chèo sẽ luôn chinh phục bất cứ người yêu nghệ thuật dù ở lứa tuổi nào.

Nhắc tới những tài năng nhí bước ra từ cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình lần thứ nhất, không thể quên cậu bé tài năng Đình Tân đã đạt giải nhì với phần biểu diễn màn trống hội “Rộn rã đêm chèo”. Có bố là NSƯT Đình Cương, một trong những nhạc công nổi tiếng của Nhà hát Chèo Thái Bình, Đình Tân sớm được tiếp cận với các loại nhạc cụ truyền thống như bộ trống, đàn nhị, đàn tranh... và kế thừa niềm đam mê với những nhịp phách của bố. 

Đình Tân chia sẻ: Em yêu thích nhất là tiếng trống trong mỗi vở chèo. Bởi người đi xa khi nhớ về quê lúa Thái Bình là nhớ về quê hương của những làn điệu chèo tha thiết, mà vị trí của tiếng trống trong mỗi vở chèo là rất quan trọng. Bộ gõ của chèo có trống cái, trống con, trống cơm... Trong khi tiếng trống cái rộn ràng như lời mời gọi thì trống con dùng để giữ nhịp, tung hứng cho những lời ca, điệu múa, với ý nghĩa diễn tả sâu sắc tình huống sân khấu, tâm lý, tính cách nhân vật, đồng thời dẫn giải tính chất câu chuyện. Bởi vậy, dân gian đã đúc kết thành câu “phi trống bất thành chèo”. 

Rời cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình, bên cạnh việc trau dồi kiến thức trên lớp, Đình Tân vẫn từng ngày tự rèn dũa thêm kỹ năng với những bộ gõ, cách thể hiện, nhập vai trong những trích đoạn chèo cổ. Giờ đây, em đã có thể phối hợp nhịp nhàng cùng bố trên những sân khấu chuyên nghiệp. Nhưng điều đáng mừng hơn cả, năm học lớp 9, với sự đồng hành của bố, Đình Tân đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học “Đưa âm nhạc dân gian vào hoạt động ngoại khóa ở trường THCS”. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học duy nhất của Thái Bình đạt giải khối THCS tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2018 - 2019.

Âm nhạc dân gian tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19

Theo thống kê của ban tổ chức, qua 3 năm cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình được tổ chức, có tới 35 - 40% thí sinh lựa chọn thể hiện tài năng nghệ thuật chèo. Điều đó cho thấy bên cạnh những loại hình nghệ thuật đương đại, chèo vẫn luôn có chỗ đứng trong giới trẻ.

 Như đối với em Lê Quang Vinh, quán quân cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình lần thứ 2, dù có năng khiếu nổi trội ở bộ môn khiêu vũ thể thao nhưng Quang Vinh vẫn luôn dành tình yêu cho loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương. Trong thời điểm tạm dừng đến trường bởi dịch Covid-19, em đã tìm đến những làn điệu chèo để gửi gắm nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhớ bạn bè, thầy cô và mong muốn sớm được đi học trở lại. Em nhờ chị họ đang công tác ở Nhà hát Chèo Hưng Yên viết lời bài hát “Nhớ lắm trường ơi” và tự ghi âm, quay lại video cho ca khúc này. Đây cũng chính là bài hát đã giúp Quang Vinh đạt giải “Giọng hát thiếu nhi hay nhất” tại cuộc thi tác phẩm âm nhạc dân gian tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 do Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tổ chức vào năm 2020.

Cũng trong thời điểm tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, tháng 4/2020, ca cảnh chèo “Chống dịch như chống giặc” với phần thể hiện của một số học sinh đang sinh hoạt tại Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh đã góp phần lan tỏa thông điệp chung tay chống dịch Covid-19 bằng giai điệu gần gũi của những làn điệu chèo ngọt ngào, tha thiết. Tình yêu nghệ thuật dân gian cùng sự nhanh nhạy trong ứng dụng công nghệ số đã khiến những cô bé, cậu bé đang còn trên ghế nhà trường vừa là ca sĩ vừa trở thành đạo diễn, quay phim, kỹ thuật viên “bất đắc dĩ” mang đến niềm xúc động cho khán giả bởi quyết tâm cùng cả nước chiến thắng đại dịch.

Vượt qua khó khăn của dịch bệnh, vượt qua sự cách biệt về tuổi tác và thế hệ, nghệ thuật chèo khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Không chỉ là một loại hình nghệ thuật truyền thống, chèo còn là tiếng lòng của biết bao thế hệ học trò quê lúa đang từng ngày nối dài tâm huyết của cha ông.

Qua 3 năm cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình được tổ chức, có tới 35 - 40% thí sinh lựa chọn thể hiện tài năng nghệ thuật chèo.

NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, giám khảo cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình

Qua ba lần cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình được tổ chức, mỗi lần đều thu hút những thí sinh tài năng, đặc biệt là ở bộ môn chèo. Năm nào cũng vậy, bên cạnh những loại hình nghệ thuật khác, chèo vẫn luôn là nòng cốt. Đây là điều rất đáng mừng, chứng minh rằng các tài năng trẻ về nghệ thuật chèo vẫn luôn được quan tâm, phát triển.



Chị Nguyễn Thị Tuyết, mẹ em Đinh Thị Tuyết Mai, học sinh Trường THCS Trần Phú (thành phố Thái Bình)

Cả bố và mẹ đều yêu chèo nên từ nhỏ Tuyết Mai đã được cùng bố mẹ đi xem chèo, thuộc nhiều làn điệu chèo trước khi biết đọc, biết viết. Khi cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ Thái Bình lần thứ 3 diễn ra, con xin đăng ký tham gia thể hiện năng khiếu hát chèo, bố mẹ rất mừng vì con đã biết yêu, biết trân trọng nghệ thuật truyền thống của cha ông. Mong tình yêu chèo sẽ cùng con lớn lên, trưởng thành.


(còn nữa)

Tú Anh