Thứ 7, 20/04/2024, 00:50[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị chủ động ứng phó với bão số 8

Thứ 3, 12/10/2021 | 15:29:44
2,750 lượt xem

Cán bộ Trạm Bơm Thủy Nguyên ( Thái Thụy) khơi thông dòng chảy. Ảnh: Trần Tuấn

* Thái Thụy

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 8 (bão Kompasu), Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) huyện Thái Thụy chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; kiểm soát tốt không để người lao động quay trở lại chòi canh coi  ngao, đầm nuôi trồng thủy sản; di dời các hộ dân sinh sống trong nhà yếu, khu vực nguy hiểm, hoàn thành trước 18 giờ ngày 13/10. Đồng thời khẩn trương thực hiện việc chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, bến cảng, trang trại, đầm nuôi nuôi trồng thủy hải sản...

Ngoài ra, để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra, các cấp, ngành, địa phương trong huyện đang tích cực đôn đốc người dân tập trung huy động phương tiện, máy móc, nhân lực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa đã chín. Đồng thời, huy động các lực lượng công an, quân đội, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ những gia đình chính sách, hộ neo đơn, khó khăn thu hoạch lúa mùa. Toàn huyện đã huy động hơn 200 máy gặt đập liên hoàn để tiến hành thu hoạch lúa mùa của người dân. Tính đến hết ngày 12/10, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 7.000/12.850ha lúa mùa, năng suất ước đạt gần 60 tạ/ha.

Để chủ động công tác tiêu úng, huyện đã chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện thực hiện đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước mặt ruộng, sẵn sàng vận hành các trạm bơm nhanh chóng tiêu thoát nước ở các vùng trũng.

* Quỳnh Phụ

Trạm bơm xã Quỳnh Thọ chủ động tiêu úng khi xảy ra tình trạng mưa kéo dài. Ảnh: Nguyễn Cường 

Để chủ động ứng phó với biến phức tạp của bão số 8, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Quỳnh Phụ đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện nghiêm Công điện số 15 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các văn bản chỉ đạo của UBND huyện; tiếp tục tuyên truyền, chỉ đạo quyết liệt việc thu hoạch lúa mùa, khẩn trương khắc phục diện tích lúa mùa bị đổ, diện tích cây vụ đông bị ảnh hưởng, chủ động nguồn giống để gieo trồng bù vào diện tích cây trồng bị chết. Khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm y tế... Rà soát, chuẩn bị phương án di dời đối với các hộ dân sinh sống trong khu vực nhà yếu, nguy hiểm vào nơi an toàn.

Đối với những xã có các hộ nuôi cá lồng trên sông, ven sông, yêu cầu kiểm tra, rà soát việc chằng chống lồng, bè, trang trại nuôi trồng; sẵn sàng phương án di dời người, tài sản khi có lệnh. Đối với các xã, thị trấn có đê, phải tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, đê bối, bờ bao, cống qua đê bối nếu phát hiện thấy công trình không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay, báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện.

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu nước trong hệ thống, tranh thủ tối đa tiêu ngang qua các cống dưới đê. Kiểm tra, rà soát sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn đê điều, bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, đặc biệt các công trình đang thi công trên sông. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

* Vũ Thư

Huyện Vũ Thư hiện còn gần 1.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch và gần 2.000 ha rau màu, cây vụ đông mới gieo trồng. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Vũ Thư đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 8.

Vũ Thư huy động 100% máy gặt đập liên hợp xuống đồng thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Quỳnh Lưu 

Các địa phương huy động hệ thống chính trị dồn lực chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nông dân huy động tối đa nhân lực, phương tiện khẩn trương thu hoạch diện tích lúa mùa với phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Trong ngày 12/10, toàn huyện huy động trên 200 máy gặt đập liên hợp, kết hợp với gặt thủ công, tiến hành thu hoạch được gần 300 ha lúa. Các địa phương phát động nhân dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tiếp tục tiến hành thu hoạch lúa vào đêm ngày 12 và ngày 13/10, phấn đấu thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa mùa, trừ diện tích lúa nếp và lúa trà muộn, bông còn xanh non. Với các diện tích lúa nếp, lúa còn xanh bị đổ, phát động nhân dân tiến hành buộc dựng đề phòng ngập úng gây hỏng bông. Các HTX DVNN hướng dẫn nông dân chủ động dự phòng nguồn giống, sẵn sàng trồng bù vào diện tích cây vụ đông có thể bị thiệt hại do mưa, úng từ cơn bão số 8. Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện triển khai đóng tất cả các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để rút nước trong hệ thống. Huyện tuyên truyền các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động phương án chằng chống lồng bè, bảo vệ an toàn 112 lồng cá trên sông và 1.500 ha nuôi trồng thủy sản.

* Tỉnh đoàn Thái Bình   

Để khắc phục hậu quả do cơn bão số 7 gây ra và chủ động ứng phó với bão số 8, Tỉnh đoàn Thái Bình đã huy động hơn 2.000 đoàn viên, thanh niên tham gia giúp nông dân gặt lúa.

 Tỉnh đoàn Thái Bình huy động đoàn viên, thanh niên giúp nông dân thu hoạch diện tích lúa bị đổ tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải. Ảnh: Tiến Đạt 

Đoàn viên thanh niên giúp nông dân huyện Thái Thụy gặt lúa bị đổ sau bão số 7. Ảnh: Tiến Đạt 

Cụ thể, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các huyện, thành đoàn phối hợp với Đoàn Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Trường Đại học Thái Bình trong 2 ngày 12 - 13/10 ra quân giúp nông dân các huyện, thành phố tập trung thu hoạch nhanh diện tích lúa đến kỳ thu hoạch bị đổ do cơn bão số 7 gây ra. Tổ chức đoàn cơ sở vận động đoàn viên, thanh niên giúp người dân gặt lúa, ưu tiên những hộ gia đình ít người, có hoàn cảnh khó khăn. 

(Tin đang cập nhật)

Nhóm phóng viên