Thứ 7, 28/12/2024, 01:56[GMT+7]

Tiền Hải: Khẩn trương cứu lúa

Thứ 3, 12/10/2021 | 18:02:18
3,445 lượt xem
Bão số 7 đã làm ảnh hưởng đến trên 2.000ha diện tích lúa mùa và 735ha diện tích cây màu vụ đông của huyện Tiền Hải. Trong đó, diện tích lúa bị ngả, đổ nhiều tại các xã như: Đông Trung 160ha/230ha, Vũ Lăng 170ha/319ha, Tây Lương 165ha/334ha, Đông Quý 136ha/252ha… Từ sáng ngày 11/10, ngay khi ngớt mưa, cán bộ ngành chuyên môn huyện Tiền Hải đã bám sát các địa bàn cùng nhân dân thực hiện các biện pháp tiêu úng, khơi thông dòng chảy, đôn đốc dựng lúa, tranh thủ thu hoạch số diện tích lúa mùa đã chín.

Nông dân xã Vũ Lăng tập trung buộc dựng lại lúa bị đổ nhằm giảm thiệt hại đến năng suất.

Có mặt tại cánh đồng thôn Mỹ Đức, xã Đông Trung, bà con nông dân đang tập trung ra đồng để dựng lại diện tích lúa bị đổ dập. Ông Phạm Văn Trưng cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình tôi gieo cấy 1,2 mẫu giống Q5. Do ảnh hưởng của bão số 7 với mưa lớn đã làm 9 sào lúa bị ngả và đổ ngập xuống nước. Giờ cả hai vợ chồng tôi phải lội ruộng để buộc dựng lúa lên, chờ lúa chín mới có thể gặt, chứ trong thời điểm này nếu gặt mang về cũng chỉ để cho gia súc, gia cầm ăn.

Tại các cánh đồng của xã Tây Lương, lúa đổ la liệt, nhiều người dân đang khom lưng buộc từng khóm tránh nước ngập làm hỏng lúa. Bà Hoàng Thị Thơm, thôn Nghĩa chia sẻ: Dù trời tạnh mưa, nhưng diện tích 1 mẫu lúa mùa của gia đình tôi vẫn ngập trong nước. Nếu không bị đổ ngập nước, mỗi sào lúa mùa cũng cho năng suất trên 2 tạ, giờ lúa bị đổ làm thiệt hại khoảng 20% năng suất.

Nông dân xã Đông Trung ra đồng buộc dựng lại lúa bị đổ do ảnh hưởng của bão số 7.

Còn đối với gia đình ông Nguyễn Hữu Hạnh, thôn Lê Lợi, xã Vũ Lăng có 4 sào lúa bị đổ ngả, lúa mùa đã chín khoảng 90% thời điểm này không thuê được lao động để ra đồng gặt lúa bằng tay, mà phải chờ nước rút mới thuê máy gặt xuống đồng thu hoạch lúa. Ông Hạnh cho biết: Mặc dù chính quyền cùng với nhân dân tập trung tiêu thoát nước, tuy nhiên nước rút chậm đã ảnh hưởng đến việc triển khai thu hoạch những diện tích lúa đã chín. Khi nước rút, bảo đảm cho máy gặt xuống đồng, chúng tôi sẽ tập trung thu hoạch.

Ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Vũ Lăng cho biết: Hiện nay, đáng ghi nhận là mặc dù lúa đổ, ngả khá nhiều nhưng đa số người dân chủ động buộc dựng nên khả năng ảnh hưởng đến năng suất sẽ ít đi, khoảng gần 20%. Ngoài ra, HTX cũng bố trí 7 máy gặt tập trung xuống đồng với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, gặt diện tích lúa đã chín khoảng từ 90% để ứng phó với bão Kompasu.

Ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Tiền Hải cho biết: Để khắc phục hậu quả bão số 7 và chủ động ứng phó với ứng phó bão Kompasu, Xí nghiệp đã mở triệt để 27 cống dưới đê để tiêu thoát nước; huy động lực lượng giải tỏa, khơi thông dòng chảy ở tất cả các tuyến sông; phân công cán bộ kỹ thuật về cơ sở hướng dẫn, đôn đốc cơ sở tập trung tiêu thoát nước mặt ruộng; đồng thời, bố trí công nhân túc trực thường xuyên sẵn sàng bơm tiêu khi có lệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Nông dân xã Tây Lương huy động máy móc thu hoạch diện tích lúa mùa đã chín trước khi bão Kompasu đổ bộ vào đất liền. 

Huyện Tiền Hải chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền để nông dân chủ động thực hiện các biện pháp cứu lúa như: tranh thủ buộc dựng, tránh để lúa ngập nước lâu ngày dẫn đến mọc mộng đối với diện tích lúa còn xanh bị ngả, đổ; huy động máy móc, nhân lực khẩn trương thu hoạch diện tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để ứng phó với bão Kompasu đang đi vào đất liền; chuẩn bị hạt giống, sẵn sàng gieo trồng lại khi thời tiết thuận lợi.

Cùng với đó, huyện Tiền Hải cũng yêu cầu Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện tranh thủ kỳ con nước huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy, sử dụng máy bơm để thoát nước nhanh, tiêu triệt để nước đệm trên hệ thống “rút cạn lòng sông” đề phòng mưa lớn còn tiếp diễn. Đồng thời, chủ động thành lập các tổ công tác đi kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống đê, kè trên địa bàn huyện, đánh giá thực trạng có phương án bảo vệ các đoạn đê xung yếu hạn chế mức thấp nhất do thiên tai gây ra.

Mạnh Thắng