Thứ 6, 03/05/2024, 11:55[GMT+7]

Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Kiểm tra Đảng 16/10 Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, góp phần thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị

Thứ 7, 16/10/2021 | 09:39:13
1,705 lượt xem
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng. Trong thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh Thái Bình đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Đồng chí Ngô Thị Kim Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì buổi giám sát về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Đảng bộ tỉnh Thái Bình hiện có 13 huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc, gồm 669 tổ chức cơ sở đảng, 108.530 đảng viên. Xác định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh trong sạch, vững mạnh nên ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ tỉnh đã thường xuyên quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Ủy ban kiểm tra các cấp với chức năng, nhiệm vụ được giao đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng từng bước đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm. 

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát, ủy ban kiểm tra các cấp đã kịp thời tham mưu giúp cấp ủy ban hành các văn bản nhằm bảo đảm việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện một cách đồng bộ như: chương trình kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ 2020 - 2025 và năm 2021; quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ 2020 - 2025; quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các ngành, đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Hướng dẫn thực hiện Quy định số 20, 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; kế hoạch tổ chức quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như: tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng cho 1.243 cán bộ với 7 chuyên đề trọng tâm; đưa tin, bài về hoạt động của cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp trên trang thông tin điện tử; mua sổ tay và Tạp chí Kiểm tra cấp phát đến các tổ chức cơ sở đảng. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến cơ bản trong nhận thức và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo, trực tiếp tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát. 

Ủy ban kiểm tra các cấp đã triển khai đồng bộ, thực hiện khá toàn diện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 30, Điều 32 của Điều lệ Đảng và thực hiện tốt các nhiệm vụ do cấp ủy giao; chú trọng kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tăng cường công tác giám sát thường xuyên và giám sát chuyên đề; kịp thời tham mưu cấp ủy giải quyết dứt điểm đơn thư tố cáo, khiếu nại kỷ luật về Đảng; việc thi hành kỷ luật được bảo đảm chặt chẽ, đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục. Các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tăng cường vai trò giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên để phản ánh, cung cấp thông tin về những dấu hiệu vi phạm, giúp cấp ủy, ủy ban kiểm tra kịp thời kiểm tra, đánh giá đúng ưu điểm của tổ chức đảng và đảng viên để phát huy, phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm nhằm uốn nắn, khắc phục và xử lý nghiêm minh khi có vi phạm. 

Trong 9 tháng đầu năm 2021, ủy ban kiểm tra các cấp đã thực hiện 462 cuộc kiểm tra đối với 591 tổ chức đảng, 1.116 đảng viên; 23 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 7 tổ chức đảng, 24 đảng viên; 291 cuộc giám sát đối với 580 tổ chức đảng, 432 đảng viên. Tham mưu với các cấp ủy thực hiện 601 cuộc kiểm tra đối với 807 tổ chức đảng, 1.821 đảng viên; 265 cuộc giám sát đối với 1.008 tổ chức đảng, 1.217 đảng viên. Cấp ủy các cấp, tổ chức đảng thuộc thẩm quyền đã xem xét, thi hành kỷ luật 2 tổ chức đảng bằng hình thức khiển trách; 331 đảng viên, bằng các hình thức: khiển trách 262, cảnh cáo 35, cách chức 7, khai trừ 27. Chủ động phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp dưới xem xét, xử lý, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, bảo đảm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Với những kết quả nêu trên, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. 

Để tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp sau: 

Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò của công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục quán triệt, triển khai sâu rộng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025; các quy định của Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện.

Thứ hai, đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát, bảo đảm chủ động, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, đúng theo Điều lệ, quy định của Đảng. Các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát trong những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, dễ xảy ra tiêu cực, sai phạm mà dư luận xã hội quan tâm; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở địa phương, đơn vị, không để tồn đọng các vụ việc, đơn thư tố cáo, khiếu nại; đồng thời, theo dõi việc khắc phục các khuyết điểm, vi phạm sau kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đoàn kiểm tra, giám sát trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục theo quy định; coi  trọng thẩm tra, xác minh; đề cao ý thức trách nhiệm của các thành viên đoàn để bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực.

Thứ ba, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra cấp trên với cấp dưới và các ban xây dựng Đảng, các ngành chức năng để tạo sự thống nhất, đồng bộ. Coi trọng phát huy trách nhiệm giám sát, phản biện của nhân dân, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng đối với tổ chức đảng và đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Thứ tư, quan tâm kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy ủy ban kiểm tra và cơ quan ủy ban kiểm tra phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sử dụng, khen thưởng đội ngũ cán bộ kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong giai đoạn mới.  

Công tác kiểm tra, giám sát là một khâu quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là chức năng trọng yếu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát sẽ góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, tạo động lực tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. 

Ngô Thị Kim Hoàn 

 (Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)