Chủ nhật, 24/11/2024, 11:54[GMT+7]

Để người dân quê lúa có thể sống đàng hoàng với cây lúa

Thứ 2, 25/10/2021 | 09:24:23
2,913 lượt xem
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp, trong đó lúa được xác định là cây trồng chủ lực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với diện tích canh tác hàng năm trên 150.000ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn/năm. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp xác định 2 mục tiêu đồng bộ: duy trì ổn định năng suất lúa và tập trung phát triển các giống lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị trên cùng một đơn vị diện tích, gia tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là vực dậy tiềm năng cây lúa, khẳng định thương hiệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Diện tích gieo cấy lúa hàng năm của tỉnh đạt trên 150.000ha.

Mô hình thí điểm nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo triển khai tại vụ mùa năm 2021 được xem là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp tỉnh nhà theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Mô hình được thực hiện ở 7 điểm tại 9 xã của 6 huyện: Đông Hưng, Thái Thụy, Kiến Xương, Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Vũ Thư với mục tiêu phát triển sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn áp dụng quy trình thâm canh cải tiến và giảm phát thải khí nhà kính; nâng cao vai trò quản lý, điều hành của các HTX nông nghiệp; xây dựng nhãn hiệu tập thể lúa gạo, qua đó nâng cao giá trị gạo, gia tăng thu nhập cho người sản xuất lúa.

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:  Ngoại trừ mô hình tại huyện Thái Thụy (vụ xuân cấy lúa, vụ mùa nuôi và thu hoạch rươi), còn lại các mô hình đều bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về giống, thời vụ... Phần lớn các mô hình đều phá bỏ được bờ thửa nhỏ và một phần bờ ngăn, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất, tận dụng tối đa quỹ đất. Qua kiểm tra, năng suất lúa đều vượt trội so với vùng ngoài mô hình. Nhờ áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, chi phí sản xuất giảm khoảng 150.000 đồng/sào. Các địa phương đã thành lập HTX, bố trí quỹ đất xây dựng kho sấy, bảo quản thóc, thiết bị đóng gói sản phẩm... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các huyện, đơn vị tư vấn khẩn trương xây dựng bản đồ số hóa đồng ruộng, xây dựng chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, kết nối với các siêu thị để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh (Kiến Xương) là một trong những HTX đang hoàn thiện mô hình tổ chức, đứng tên đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và thống nhất các tiêu chí đặc thù của sản phẩm, đồng thời lựa chọn mẫu logo, hệ thống nhận diện kiểu dáng bao bì, tem nhãn cho sản phẩm gạo chợ Gốc Bình Thanh. Đây là một trong những hoạt động đang được tỉnh tập trung hỗ trợ cho 7 mô hình nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế cho ngành hàng lúa gạo của tỉnh, đồng thời mở ra hướng đi mới cho sản phẩm gạo Thái Bình vươn xa hội nhập. 

Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và kinh doanh lúa gạo Bình Thanh cho biết: Xã Bình Thanh có khoảng 250ha đất nông nghiệp, chủ yếu gieo cấy giống lúa TBR225 và lúa Nhật, liên kết với Công ty TNHH An Đình và Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Khang Long. Trên địa bàn xã có chợ Gốc nổi tiếng trong vùng về giao thương, tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, lúa gạo ở vùng sản xuất chủ yếu cung ứng cho doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Do vậy, mong muốn của HTX là sớm tổ chức lại đồng ruộng, quản lý một cách khoa học, cấp mã số vùng trồng, đồng thời hoàn thiện các thủ tục nhằm tạo dựng thương hiệu gạo chợ Gốc, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.

Một trong những thuận lợi, cũng là mục tiêu của mô hình chính là thay đổi thói quen, tập quán canh tác của nông dân. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân trong vùng thực hiện mô hình đã xác định được đây là chủ trương đúng đắn của tỉnh và đồng thuận cao khi thực hiện mô hình. 

Nông dân Trần Văn Năng, xã Đông Tân, huyện Đông Hưng (1 trong 9 xã được lựa chọn thực hiện mô hình) chia sẻ: Khi cây lúa, hạt gạo được trồng tại quê hương đã khẳng định được tên tuổi trên thị trường thì bản thân nông dân chúng tôi sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc thay đổi tập quán canh tác bởi giờ đây việc cấy lúa không chỉ là nghề mà còn là sinh kế, là một sự đóng góp cho hành trình khẳng định thương hiệu gạo của địa phương.

Trong chuyến thăm mô hình tại xã Bình Thanh, xã Bình Định (Kiến Xương) ngày 7/10, đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Xây dựng các mô hình nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng theo hướng bền vững là chủ trương lớn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, để người dân quê lúa có thể sống đàng hoàng với cây lúa. Thành công bước đầu của mô hình đã khẳng định hướng đi đúng trong việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận của người dân, mô hình sẽ không chỉ dừng lại ở 7 điểm thí điểm mà sẽ nhân rộng trong các vụ tiếp theo, xây dựng thành công thương hiệu gạo Thái Bình.

Ngân Huyền