Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV: Thảo luận dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Audio: 3010_quoc_hoi.mp3
Đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên thảo luận trực tuyến. Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cùng các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh dự họp tại điểm cầu Thái Bình.
Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Các đại biểu cho rằng, Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được Chính phủ tập trung, nỗ lực triển khai một cách mạnh mẽ, đồng bộ, nhìn chung đạt nhiều thành tựu. Tuy vậy, vẫn còn 5/22 mục tiêu chưa hoàn thành, chiếm 22,73% tổng số mục tiêu đề ra tại kế hoạch, cần phải được đánh giá làm rõ nguyên nhân, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng chủ yếu liên quan đến khu vực công, như cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư công, phát triển doanh nghiệp và đào tạo lao động. Từ đó, các đại biểu thống nhất, việc xây dựng kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung đi vào thực chất, hiệu quả. Các đại biểu kiến nghị dự kiến kế hoạch cần tính toán và dự báo về tác động của dịch Covid-19, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế rõ nét hơn; xây dựng cơ chế để khu vực doanh nghiệp nhà nước phát huy đúng vai trò đầu tàu của mình; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm tài chính quốc gia an toàn; chú trọng phát triển đô thị, kinh tế đô thị. Tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp - “trụ đỡ” của nền kinh tế theo hướng thúc đẩy ứng dụng công nghệ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là chế biến nông sản, xây dựng chuỗi sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng. Hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
Các đại biểu kiến nghị cần nâng cao giá trị nền kinh tế thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, thay đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng công nghệ số, công nghệ cao, cơ cấu lại thị trường khoa học công nghệ. Đi liền với đó, cần đổi mới xuất khẩu Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, quan tâm đến vấn đề xây dựng quan hệ sản xuất, phát triển bền vững môi trường sống, chuyển đổi sang các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ quyền lợi người lao động. Trong đó cần quan tâm dành quỹ đất, thiết kế nhà ở cho công nhân, người lao động, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề sau đại dịch Covid-19.
Trong phiên họp buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025). Các đại biểu đồng tình với việc ban hành quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đồng thời đề nghị Quốc hội chỉ đạo đổi mới, hoàn chỉnh hệ thống chính sách pháp luật về đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; khai thác, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai. Quốc hội chỉ đạo Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tham mưu hoàn thiện, đồng bộ hoá các quy định pháp luật; cần tháo gỡ sự chồng chéo trong các quy định về đầu tư công. Đối với việc thực hiện chuyển đổi số, cần triển khai đồng bộ và ưu tiên phải có hạ tầng số, thiết bị số; cần có “bước chuyển” thực chất để hoàn thiện, giải quyết các thủ tục hành chính và từ đó, người dân có cơ hội tiếp cận, thích ứng, chủ động tham gia. Các đại biểu cũng kiến nghị quy hoạch sử dụng đất phát triển theo hướng khai hoang, lấn biển song cần lưu ý đến đánh giá tác động đến bờ biển, môi trường, hệ sinh thái biển. Về giáo dục và đào tạo, cần hài hòa giữa giáo dục công lập và giáo dục tư nhân, có lịch trình di chuyển các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội thành Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Kỳ họp thứ hai diễn ra trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước đang trở lại trạng thái “bình thường mới” sau hơn 4 tháng phải căng mình chống dịch Covid-19. Kỳ vọng Quốc hội sẽ đưa ra các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, đưa cuộc sống trở lại bình thường là vấn đề được cử tri và nhân dân hết sức quan tâm. Dự kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đợt trực tuyến, Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự ở 3 điểm cầu: Các đại biểu Quốc hội hoạt động ở tỉnh tham dự tại điểm cầu của tỉnh, các đại biểu Quốc hội chuyên trách hoạt động ở Trung ương tham dự tại điểm cầu hội trường Diên Hồng, có đại biểu Quốc hội đang tăng cường vào Nam chống dịch Covid-19 tham dự với Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh. Dù vậy, các ĐBQH tỉnh vẫn tích cực nghiên cứu tài liệu, trao đổi, tham gia 3 lượt ý kiến tại hội trường và 47 lượt ý kiến tại thảo luận tổ. Các ý kiến phát biểu đều được chuẩn bị chu đáo, công phu, có sự tham khảo, tham vấn của các thành viên trong Đoàn, bảo đảm chất lượng. Qua đó kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của cử tri cũng như phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội đang đặt ra. Thể hiện trách nhiệm, tình cảm, tâm huyết của các đại biểu góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nét mới tại kỳ họp thứ hai là Đoàn ĐBQH tỉnh đã mời lãnh đạo các cơ quan chuyên môn tham gia các phiên thảo luận tổ để có thêm ý kiến chất lượng góp ý hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết, các báo cáo, tờ trình; qua đó cũng tăng cường, mở rộng tính công khai, minh bạch, dân chủ trong các hoạt động của Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã chuẩn bị chu đáo các nội dung để tham dự đợt họp tập trung dự kiến bắt đầu tư ngày 8/11/2021. Từ dự kiến chương trình kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phân công công việc cụ thể cho từng đại biểu, các đại biểu cũng chủ động nghiên cứu, đăng ký phát biểu tại hội trường, lựa chọn vấn đề để chất vấn, góp phần vào thành công của kỳ họp.Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Thái Bình Trong 11 ngày họp trực tuyến, Đoàn ĐBQH tỉnh và cá nhân tôi đã tham gia thảo luận góp ý vào 7 dự thảo luật, 4 nghị quyết trình kỳ họp. Trong đó có một số dự án luật khi tôi và các ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ hai nhận được nhiều ý kiến, như dự án luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); báo cáo thực hiện chế độ, chính sách về Bảo hiểm xã hội, quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020… Đoàn ĐBQH tỉnh trên cơ sở ý kiến, tâm tư, nguyện vọng cử tri và qua nghiên cứu cơ chế, chính sách, các luật, dự án luật, báo cáo, tìm hiểu các nội dung liên quan để kiến nghị với Quốc hội, ban soạn thảo, ban thẩm tra sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn. Ở Thái Bình, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp hơn trung bình của cả nước, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị với Quốc hội điều chỉnh hỗ trợ đóng bảo hiểm cho các đối tượng yếu thế và sẽ đề nghị tỉnh dành nguồn ngân sách tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng chưa được hỗ trợ như hộ nghèo, cận nghèo, học sinh, sinh viên, tăng mức hỗ trợ để họ có điều kiện tham gia. Với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Đoàn kiến nghị quan tâm hướng tới đối tượng là người lao động trực tiếp, doanh nghiệp tham gia đóng góp cho nền kinh tế, thành tích đến đâu khen thưởng đến đấy, đơn giản thủ tục khen thưởng đột xuất, khen thưởng người lao động.Ông Nguyễn Hồng Chương, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình Qua theo dõi tôi thấy các phiên thảo luận tổ và các phiên họp toàn thể trực tuyến, các ĐBQH nói chung, đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng đã tập trung thảo luận về các vấn đề được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp. Không khí thảo luận sôi nổi, ý kiến toàn diện, sâu sắc, nhiều chiều. Tại các tổ ở địa phương, việc mời cơ quan chuyên môn tham dự phiên thảo luận, góp ý kiến đối với các nội dung của kỳ họp đã tạo điều kiện lấy thêm ý kiến góp ý từ phía cử tri, góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật, dự thảo nghị quyết. Tôi kỳ vọng, trong phiên thảo luận, chất vấn toàn thể đợt 2 của kỳ họp, các vị đại biểu sẽ tiếp tục đóng góp trí tuệ tìm ra những giải pháp kịp thời, phù hợp và hiệu quả để sớm có những chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. |
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8: Quốc hội thảo luận về các dự án luật 23.10.2024 | 16:17 PM
- Khẩn trương đưa các nghị quyết của HĐND tỉnh vào cuộc sống 29.08.2024 | 20:06 PM
- Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 26.07.2024 | 18:24 PM
- Kỳ họp thứ 7: Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết 28.06.2024 | 16:09 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Ngày làm việc thứ nhất Hội nghị Trung ương 9 khóa XIII 16.05.2024 | 19:58 PM
- Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều 2/5 01.05.2024 | 13:48 PM
- Xã luậnViết tiếp trang sử vàng của Đảng 03.02.2024 | 07:38 AM
- Triển khai quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh 22.01.2024 | 12:00 PM
- Đồng chí Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và viếng các anh hùng liệt sĩ 01.12.2023 | 18:32 PM
Xem tin theo ngày
- Trên 34.000 đại biểu tham dự hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt chuyên đề năm 2025
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Quyết tâm đạt mục tiêu “5 không” trong bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán
- Đảng đoàn HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh: Kiểm điểm tập thể và cá nhân năm 2024
- Công tác tuyên giáo góp phần tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân
- Triển khai công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2025
- Tăng cường kiểm tra, giám sát ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, tiêu cực
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra tiến độ thi công đường vành đai phía Nam thành phố Thái Bình
- Hội nghị kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới