Thứ 5, 26/12/2024, 21:25[GMT+7]

Cơ cấu lại nền kinh tế bảo đảm thực chất, hiệu quả

Chủ nhật, 31/10/2021 | 07:54:41
882 lượt xem
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về: Dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến ngày 30/10. Ảnh: NGUYÊN LINH.

Nâng cao nội lực của nền kinh tế

Thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025,  đại biểu Đào Hồng Vận (Hưng Yên) và nhiều ý kiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. 

Theo các đại biểu, 10 năm qua thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, của người dân và doanh nghiệp, kinh tế nước ta đã đạt được những kết quả to lớn. Như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay. Nền kinh tế phát triển khá bền vững, ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao, đời sống nhân dân được nâng lên một cách rõ rệt.

Nhiều đại biểu cho rằng, trước biến động của nền kinh tế thế giới, tình hình dịch bệnh, thiên tai ngày một diễn biến phức tạp, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, để ổn định nền kinh tế đất nước, quan trọng nhất là chúng ta phải nâng cao nội lực của nền kinh tế, phát huy, khai thác hiệu quả nguồn lực trong nước, đồng thời nâng cao vai trò, định hướng điều tiết nền kinh tế của Nhà nước bằng các công cụ chính sách. Vấn đề xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch chuyên ngành cần phải được triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo, quy hoạch này đợi quy hoạch kia. Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại và nâng cao sức mạnh những doanh nghiệp mang tính chủ đạo, định hướng của nền kinh tế. Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải có sự quản lý chặt chẽ, phải được đánh giá, định giá một cách chính xác, phải được đấu giá một cách công khai, rộng rãi, minh bạch, tránh trường hợp lợi dụng làm thất thoát tài sản...

Đề cập vấn đề nêu trên, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, kết quả cơ cấu lại của các ngành, các địa phương dưới vai trò nhạc trưởng của Chính phủ sẽ là một trong những yếu tố quyết định thành công của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế theo nghị quyết của Quốc hội. Theo đại biểu, cơ cấu lại nền kinh tế là tập trung xác định những “nút thắt” của nền kinh tế, của ngành mình, của địa phương mình; từ đó đưa ra những biện pháp cụ thể, khả thi để khơi thông và tạo động lực cho các ngành, các địa phương và nền kinh tế phát triển mạnh và bền vững. 

Đề cập nội dung về không gian tái cơ cấu, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, kế hoạch mới tập trung mạnh đến tái cơ cấu theo vùng trung tâm, đô thị, mà chưa có sự đề cập đến tái cơ cấu kinh tế không gian khu vực trung du, miền núi phía bắc, cũng như các vùng kinh tế khác của cả nước. Do vậy đại biểu đề nghị, Chính phủ quan tâm đề ra các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu khu vực này. Đồng thời, cần có các biện pháp quyết liệt hơn nữa để phát triển nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, gắn kết mạnh mẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở trong và ngoài nước.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều thách thức. Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với việc kiểm soát dịch Covid-19. Hơn nữa, nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, đang nằm trong tốp cao của thế giới, do đó sẽ bị ảnh hưởng nhiều chiều, tác động bất định bởi nhiều yếu tố. Việc thế giới vừa qua tung nhiều gói kích thích kinh tế đã làm tăng tổng cầu. Bên cạnh đó, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh làm cho giá hàng hóa tăng cao, lạm phát thế giới đang bùng lên, trong đó giá xăng dầu có khả năng tác động đến lạm phát nước ta trong thời gian tới; các chi phí, các dự toán trong kế hoạch đầu tư của chúng ta có thể bị thay đổi. Vì vậy, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn. 

Cần thống nhất, đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất

Buổi chiều, thảo luận về Dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), các đại biểu nhấn mạnh, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Phân bổ nguồn lực đất đai đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Tuy nhiên, quy hoạch sử dụng đất vẫn còn một số hạn chế, như: có sự chồng chéo, mâu thuẫn, chất lượng quy hoạch không cao, nhiều trường hợp dẫn đến quy hoạch treo. Chính sách đất đai còn bất cập, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; việc công khai minh bạch quy hoạch để người dân tiếp cận được còn hạn chế.  Do đó, các đại biểu đề nghị, cần xem xét phân bổ các loại đất hợp lý; sớm sửa đổi Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật liên quan có sự mâu thuẫn, chồng chéo cần được sớm giải quyết. Bổ sung quy định về vị trí, vai trò của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, là cơ sở quan trọng để phân bổ nguồn lực đất đai, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, làm căn cứ để xác định quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực có sử dụng đất. 

Thảo luận về quy hoạch đất trồng lúa, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) và nhiều đại biểu cho rằng, diện tích đất trồng lúa bị giảm sẽ dẫn đến nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp, trở thành lao động tự do. Có dự án thu hồi đất lúa xong thì bị bỏ hoang, lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất. Đó là chưa kể một số địa phương vẫn để tình trạng tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác. Do đó, đề nghị xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất lúa, khu vực nào cần chuyển đổi, khu vực nào cần giữ. Mặc dù về lâu dài, để phát triển kinh tế, cần có quỹ đất dành cho khu công nghiệp, nhưng cần hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa. Đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn, đề nghị Chính phủ có tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách phù hợp hơn và có giải pháp tăng giá trị lúa gạo.

Về giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cần được coi là giải pháp trung tâm, có vai trò quyết định trong triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới. Đồng thời, các ý kiến khác cũng đề nghị, cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bảo đảm xác định được chủ sử dụng đất với từng diện tích đất; xây dựng chế tài xử lý mạnh với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để tránh lãng phí trong quá trình sử dụng đất, qua đó nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng đất đối với đất được giao.

Cơ cấu lại nền kinh tế bảo đảm thực chất, hiệu quả -0

Thượng tọa Thích Đức Thiện (Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên) phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh: LINH NGUYÊN.

Bên lề kỳ họp, chiều 30/10, trao đổi với báo chí về đợt 2 của kỳ họp thứ hai, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Các Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp, gồm: Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. Sau khi các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ báo cáo, giải trình và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội.


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày