Chủ nhật, 05/05/2024, 10:13[GMT+7]

Công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ 2, 01/11/2021 | 17:09:06
2,342 lượt xem
Chiều ngày 01/11, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc công bố Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình có đại diện một số sở, ngành có liên quan.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2030 được quy hoạch gồm 7 tuyến đường sắt hiện có tổng chiều dài khoảng 2.440 km và 9 tuyến đường sắt mới có tổng chiều dài 2.362 km. Trong đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, chiều dài khoảng 1.545 km. Để thực hiện mục tiêu này, tổng nhu cầu quỹ đất dành cho đường sắt đến năm 2030 khoảng 16.377 ha.

Đến năm 2030, ngành Đường sắt đặt mục tiêu vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,27%; khối lượng vận chuyển hành khách đạt 460 triệu khách, chiếm thị phần 4,40%. Dự kiến, tổng nhu cầu vốn cho các dự án đường sắt đến năm 2030 khoảng 240.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Đến năm 2050, quy hoạch xác định tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ hoàn thành cùng với các tuyến đường sắt mới tại khu đầu mối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; đường sắt kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, Tây Nguyên; đường sắt ven biển, kết nối quốc tế. Mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050 gồm 25 tuyến với chiều dài 6.354 km.

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Chính phủ sẽ ban hành cơ chế khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, có cơ chế khai thác quỹ đất (nhất là tại các ga đường sắt) để huy động nguồn vốn, phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Về nguồn lực đầu tư, Chính phủ tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ quốc tế; sử dụng vốn đầu tư có trọng tâm vào các công trình đường sắt có tính lan tỏa.

Đồng thời, Chính phủ sẽ đẩy mạnh xã hội hóa trong kinh doanh đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; thu hút các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phương tiện vận tải, công trình hỗ trợ như  kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ...

Nguyễn Thơi