Thứ 2, 06/01/2025, 18:04[GMT+7]

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 Nghề giáo - vinh quang và trọng trách

Thứ 7, 20/11/2021 | 08:07:25
2,486 lượt xem
Nghề dạy học được xã hội tôn vinh là “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Người thầy có vai trò quan trọng, đặc biệt trong hai năm 2020, 2021 dịch Covid-19 bùng phát và lây lan, các thầy cô đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và giữ vững chất lượng giáo dục ngay cả khi học sinh tạm dừng đến trường. Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao giấy khen cho học sinh đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Phóng viên: Ở bất kỳ giai đoạn nào, người thầy luôn có vai trò quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy và học. Trong hai năm 2020, 2021, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục Thái Bình đã phát huy vai trò và trách nhiệm như thế nào trong việc duy trì và giữ vững chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát và lây lan, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Hiện tại, toàn ngành Giáo dục có 21.209 cán bộ, giáo viên công lập. Trong hai năm 2020, 2021, ngành Giáo dục Thái Bình đã tích cực chuẩn bị và triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ cán bộ, giáo viên. Đến thời điểm hiện tại, giáo viên đại trà đã hoàn thành tập huấn mô đun 4, giáo viên cốt cán đang tập huấn mô đun 5 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Theo kế hoạch, đến năm 2025, 100% giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở đã tổ chức các đợt tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho tất cả giáo viên các nhà trường. Nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động trong việc tập huấn cho giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, thực hiện một số chuyên đề thông qua môi trường mạng, tổ chức kiểm tra thử theo hình thức trực tuyến để sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Cùng với đó, một số trường khuyến khích, động viên giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy theo 2 hình thức (trực tiếp và trực tuyến) để sẵn sàng chuyển ngay hình thức dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn. Thực tế cho thấy từ đầu năm 2020 đến nay các thầy cô giáo trong toàn ngành đã nỗ lực đổi mới, thích ứng với diễn biến dịch bệnh. Nhiều thầy cô giáo từ chỗ hạn chế trong sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học thì nay đã thành thạo để dạy học trực tuyến. Kể cả khi tạm dừng đến trường, các thầy cô giáo vẫn vận dụng sáng tạo, linh hoạt để học sinh hoàn thành các bài kiểm tra, đánh giá chất lượng. Nhờ thế, năm học vừa qua tỷ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh đạt 99,52%; điểm trung bình tất cả các môn thi của Thái Bình đạt 6,63, xếp thứ 12 cả nước. 

Phóng viên: Để thích ứng với mọi diễn biến của dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã có những đổi mới, sáng tạo như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2006 đối với các khối lớp còn lại. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành đã tích cực đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; thực hiện nghiêm túc quy định ứng xử trong trường học; chủ động xây dựng và linh hoạt thực hiện kế hoạch giáo dục, kết hợp đa dạng các hình thức dạy học. 100% cơ sở giáo dục hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học theo kế hoạch.

Đối với giáo dục mầm non, trong thời gian trẻ tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch, các thầy cô giáo đã thiết kế hàng nghìn video tuyên truyền, phổ biến đến cha mẹ trẻ trong việc tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại gia đình, góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm học. Các cấp học giáo dục phổ thông đã chủ động, linh hoạt xây dựng chủ đề dạy học; tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm, dạy học gắn với di sản văn hóa, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến trong giáo dục học sinh; nhân rộng các mô hình giáo dục tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT được đổi mới theo 2 hình thức thi tuyển và xét tuyển; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT trong 1 đợt trong bối cảnh có nhiều học sinh là F1, F2 và trong khu vực phong tỏa. Có thể thấy, năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục Thái Bình đã đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý giáo dục theo hướng tiếp cận công nghệ, quản lý nhà trường theo hướng mở, kết nối, dùng chung hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu lớn. Huy động đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên trong ngành giáo dục chủ động, tích cực tham gia xây dựng và khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở và tham gia các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. 

Phóng viên: Thời gian tới, dịch Covid-19 được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục. Xin đồng chí cho biết giải pháp của ngành trong việc bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học?

Đồng chí Nguyễn Viết Hiển: Dịch Covid-19 được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục; bên cạnh đó, toàn ngành đang thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới theo lộ trình. Vì vậy, ngành luôn xác định yếu tố con người là quan trọng, trong đó cần bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho giáo viên, kiên trì mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; chú trọng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học. Đánh giá khách quan và chính xác năng lực của giáo viên, tạo ra động lực để giáo viên cống hiến sức lực, tâm trí, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, ngành sẽ thường xuyên quan tâm, động viên và có cơ chế hỗ trợ giáo viên gặp khó khăn do đại dịch để từ đó có động lực tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ. 

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐẶNG ANH 

(thực hiện)