Thứ 6, 22/11/2024, 10:11[GMT+7]

Mãi tự hào về chữ thập đỏ

Thứ 3, 23/11/2021 | 09:30:37
2,856 lượt xem

Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cho gia đình bà Lê Thị Chanh, xã Tân Học (Thái Thụy).

Đến với chữ thập đỏ như là duyên phận cuộc đời.

Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo, dù nghèo nhưng vẫn được cắp sách đến trường. Vào một buổi chiều hè, tiếng trống trường cấp III Lê Quý Đôn vang lên hồi cuối, đám “nhất quỷ, nhì ma...” chúng tôi ra trường, mỗi đứa về một phương. Nhớ lại thấy tâm trạng lúc đó sao mà luyến lưu đến thế, một dấu mốc trên chặng đường đời giống hệt tứ thơ của nhà thơ Tế Hanh viết trong bài Nhớ con sông quê hương:

“Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả

Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông

Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng

Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến”...

Tôi rời quê hương cầm súng chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Cùng lúc đó, người bạn thân nhất của tôi cũng khoác ba lô lên vai, chúng tôi ngậm ngùi chia tay nhau. Anh đã viết:

“Giặc cướp nước đã xé tan bao mơ ước

Súng trên vai mỗi đứa mỗi chiến trường

Càng xa nhau càng thấy thân thương

Nỗi nhớ kéo suốt chiều dài đất nước”...

Bốn năm quân ngũ trôi qua, thời gian tuy không dài nhưng cũng đủ cho tôi được trải nghiệm và suy ngẫm để có một góc nhìn chững chạc, biết lo cho mình một tương lai sau này. Lúc đó đất nước chưa hẳn được bình yên nhưng sau khi bị thương ngoài chiến tuyến tôi được trở về quê hương và tiếp tục thực hiện ước mơ vào học tại trường đại học y khoa để làm nghề bác sĩ, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực.

Khóa tốt nghiệp đại học y khoa chính quy của chúng tôi thời đó là “oách” lắm nhưng gặp phải thời vận hẩm hiu, học nghề y nhưng không xin được vào bệnh viện, người thì đi buôn bán, người thì chuyển nghiệp, rồi phiêu du kiếm ăn khắp nơi, ai gặp gì làm nấy, tất cả đều không có sự lựa chọn. Cũng vì thời thế lúc đó là vậy mà duyên số đã đưa tôi đã gắn chặt với ba từ “chữ thập đỏ”.

Ban đầu, khi mới nhận công tác, tôi chưa hiểu một tí gì về hội chữ thập đỏ (CTĐ) nhưng cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại say mê, nhiệt huyết đến thế, quên cả thời gian, quên gian khổ nhọc nhằn, đường xa, đói ăn, vác nặng, tất cả đều vượt qua mà cứ vui phơi phới.

Kỷ niệm đầu của tôi với CTĐ là vào mùa hè năm 1989, tôi được giao nhiệm vụ dẫn đội hình 10 em của tỉnh đi dự trại hè thanh thiếu niên CTĐ toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Chao ôi, sao mà háo hức, đợi chờ, từng giây từng phút chuẩn bị, thấp thỏm và mong sớm đến ngày xuất phát. Cảm giác ấy đến tận bây giờ vẫn còn lắng đọng ngọt ngào trong tôi.

Bén duyên CTĐ, mùa đông năm 1991 tôi được cử đi học lớp phát triển nguồn lực tại Hà Nội do Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tổ chức. Tại đây họ dạy chúng tôi cách huy động nguồn lực từ đâu để làm nhân đạo, dạy chúng tôi tầm nhìn, cách lập dự án kêu gọi tài trợ... Những chi tiết dù rất nhỏ trong công tác cứu trợ nhân đạo nhưng đều được đưa ra thảo luận thấu đáo. Một điều kỳ lạ là người nước ngoài giảng giải cho ta nhưng họ toàn trích những câu ca dao, ngạn ngữ thuần Việt, rất gần gũi như: “Bầu ơi thương lấy bí cùng”, “Của cho không bằng cách cho”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”... khiến tôi bắt đầu “ngấm” và mê CTĐ. Cũng tại khóa đào tạo, được gợi ý viết dự án vừa mang tính chất bài tập vừa khuyến khích học viên phát triển thực tế, thế là tôi không quản ngại đi tìm số liệu, dữ liệu, mạnh dạn đề xuất dự án “Trồng rừng ngập mặn phòng ngừa thảm họa” cho vùng ven biển Thái Bình. Cuối khóa học, tất cả bài tập của lớp, tức là các bản đề xuất dự án được Hiệp hội CTĐ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế chỉnh sửa, dịch ra nhiều thứ tiếng và đem về lưu ở ngân hàng dự án nhân đạo quốc tế tại Geneve (Thụy Sĩ).

Thật bất ngờ đối với CTĐ Việt Nam và CTĐ Thái Bình, năm 1994, Hội CTĐ Đan Mạch đã tới Việt Nam ký kết hỗ trợ nguồn lực, biến việc “Trồng rừng ngập mặn phòng ngừa thảm họa” từ hồ sơ dự án trở thành hiện thực. Suốt chặng đường 10 năm (1994 - 2004) hoạt động không ngừng nghỉ, kể cả lao động chân tay, lao động trí óc, đối ngoại, nghiên cứu, mô hình, thử nghiệm, mở rộng thực địa của cả hệ thống: CTĐ quốc tế, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ tỉnh Thái Bình, Hội CTĐ huyện Thái Thụy, Hội CTĐ huyện Tiền Hải, hội CTĐ các xã ven biển, Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn quốc gia, tất cả đã chung tay góp sức cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh, đặc biệt là nhân dân 10 xã ven biển (Thụy Xuân, Thụy Trường, Thụy Hải, Thái Thượng, Thái Đô, Đông Trà, Đông Long, Nam Thịnh, Nam Phú, Nam Hưng) hăng say trồng rừng ngập mặn góp phần giảm nhẹ thiên tai, mang lại sự bình yên cho nhân dân, mang lại nguồn hải sản phong phú - nguồn sống của người dân ven biển. Một công trình nhân đạo thật vĩ đại, một “bức tường xanh” khổng lồ trải dài vài chục ki-lô-mét tại bờ biển Thái Bình với diện tích 3.919ha rừng vẹt, rừng bần sừng sững chắn bão giông, giữ đê, giữ làng... Thành công của dự án “Trồng rừng ngập mặn phòng ngừa thảm họa” tại Thái Bình đã trở thành mẫu hình cho Hội CTĐ Việt Nam mở rộng dự án ra các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, Hà Tĩnh.

So với các đoàn thể khác, hội CTĐ là đặc biệt và rất khác biệt, bởi lẽ phong trào CTĐ quốc tế đã đặt ra cho mình 7 nguyên tắc soi rọi con đường hoạt động mang tầm quốc tế rộng lớn và cao cả, đó là: Nhân đạo - Vô tư - Trung lập - Độc lập - Thống nhất - Tự nguyện - Toàn cầu. Thực vậy, tất cả các hoạt động tương thân tương ái, đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau đều xuất phát từ truyền thống nhân ái của dân tộc và nó được quy tụ lại, hòa quyện lại cùng với 7 nguyên tắc hoạt động của phong trào CTĐ quốc tế.

Càng say sưa hoạt động CTĐ bao nhiêu tôi càng được mở rộng tầm nhìn và được cảm hóa trên con đường nhân đạo bởi những lần đi cứu trợ, đi thăm hỏi, tặng quà, trao nhà, trao học bổng... cho những có hoàn cảnh éo le, bất hạnh, mất mát đau thương, bão gió, lụt lội... đến những giọt máu yêu thương được trao, được nhận..., cứ thế sắc màu nhân ái cuốn hút tôi; những ánh mắt, nụ cười thấm đẫm tình người nuôi lớn dần mối tơ duyên CTĐ trong tôi từ ấy.

Chặng đường 25 năm (1989 - 2014) trên con đường CTĐ, tôi đã được phong trào CTĐ nuôi dưỡng, rèn luyện, trưởng thành. Kết quả 1/4 thế kỷ hoạt động nhân đạo, một phần thưởng vô giá tôi được nhận đó là những người bạn CTĐ ở khắp mọi miền đất nước và ở nhiều quốc gia trên thế giới luôn gần gũi, thân yêu, gắn bó, sẻ chia. Chúng tôi mãi gắn kết và lắng đọng trong nhau bởi chữ “Tình”. Tất cả những điều đó khiến tôi luôn tự hào về CTĐ.

Khúc ru tình
Gió ru nâng bổng cánh diều
Dòng sông ru mát mái chèo thuyền xuôi
Mẹ ru con ngủ à ơi
Chữ thập đỏ mãi ru lời tình sâu
Ru cho bắc những nhịp cầu
Nối bên nghèo với bên giàu cùng vui
Chữ tình ru mãi không thôi
Nhường cơm sẻ áo kiếp người trái ngang
Lòng nhân ru tiếng dịu dàng
Trao đi giọt máu, giọt vàng ru theo
Vơi đầy ru biết bao nhiêu
Càng ru nhân nghĩa, càng yêu cuộc đời.


Bác sĩ Bùi Vũ Khúc
(Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Bình khóa VI)