Thứ 2, 06/05/2024, 12:29[GMT+7]

Cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ 5, 02/12/2021 | 08:12:45
3,217 lượt xem
Giai đoạn 2016 - 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh tăng 2,5%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra, trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 1,6%, thủy sản tăng 7%; đến hết năm 2019 đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn tỉnh, vượt 3 năm so với mục tiêu Đại hội XIX. Có được kết quả đó, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là tỉnh đã ban hành và triển khai tích cực các cơ chế, chính sách, từ đó thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã hỗ trợ mua gần 260 máy gặt đập với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng. Trong ảnh: Nông dân xã Thụy Chính (Thái Thụy) thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Lưu Ngần

Là một trong những địa phương có truyền thống phát triển nông nghiệp, những năm qua, huyện Hưng Hà ban hành nhiều cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trong quá trình xây dựng các đề án sản xuất hàng năm, Phòng luôn tham mưu cho huyện triển khai lồng ghép với các cơ chế, chính sách của tỉnh và của huyện, từ đó khuyến khích các địa phương tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất cũng như mở rộng diện tích gieo trồng, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi. Điển hình như cơ chế hỗ trợ phát triển diện tích sử dụng máy cấy với quy mô tập trung từ 10ha trở lên; hỗ trợ kinh phí mua giống lúa năng suất, chất lượng cao gieo cấy tại các vùng tích tụ ruộng đất từ 3ha trở lên; hỗ trợ 50% giá giống ngô nếp, bí đỏ, bí xanh cho các mô hình trồng một loại cây tập trung từ 10ha trở lên trên đất lúa; hỗ trợ 10 triệu đồng/địa phương cho các xã, thị trấn... Cùng với đó, Hưng Hà còn cụ thể hóa bằng hệ thống văn bản từ các chủ trương, cơ chế, chính sách của trung ương và của tỉnh về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chính vì thế, năm 2015 Hưng Hà đã trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Trong sản xuất nông nghiệp, hàng năm, cùng với việc duy trì ổn định diện tích cấy lúa, huyện còn tập trung sản xuất cây màu vụ xuân với diện tích trên 2.000ha, vụ hè xen giữa hai vụ lúa đạt từ 400 - 500ha, vụ đông đạt từ 60 - 65% diện tích đất canh tác, nhiều cánh đồng trồng cây vụ đông cho thu nhập cao hơn 150 triệu đồng/ha/vụ.

Để khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất giống ngao sinh sản; hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ hoạt động khai thác hải sản; hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ sản xuất cây vụ đông; các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn... 

Ngay sau khi các cơ chế, chính sách được ban hành, các cấp, ngành, địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức như: triển khai bằng văn bản, tổ chức các hội nghi, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư, lồng ghép vào các lớp đào tạo, tập huấn, dạy nghề. 

Cùng với đó, các sở, ngành liên quan phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách cho phù hợp.

Từ năm 2015 đến nay, trên cơ sở các cơ chế, chính sách đã ban hành, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá, đóng mới, cải hoán tàu cá với kinh phí hơn 4 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy sản với kinh phí gần 13 tỷ đồng; hỗ trợ mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp với kinh phí gần 32 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất vụ đông với kinh phí trung bình hàng năm hơn 10 tỷ đồng. Cùng với đó, giai đoạn 2018 - 2020, tỉnh còn huy động nguồn lực của các cấp, các ngành, nhân dân và các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng kinh phí hơn 6.698 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 16,1%, ngân sách tỉnh 27,07%, ngân sách cấp huyện 14,05%, ngân sách xã 18,44%, nguồn vốn lồng ghép từ các dự án khác 3,66%, nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp 4,2%, nguồn vốn tín dụng 4,48%, nguồn huy động nhân dân đóng góp 10,6%, nguồn huy động hợp pháp khác 1,4%.

Với đặc thù là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp nên các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là rất cần thiết. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách hiện nay không chỉ có thời hạn đến năm 2020 mà còn chưa đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao đầu tư vào nông nghiệp. Chính vì thế, vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều ưu đãi đầu tư được bổ sung mới. 

Việc sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách sẽ góp phần tích cực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn của tỉnh ngày càng phát triển, đặc biệt là sẽ thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao đầu tư vào Thái Bình.

Minh Hương