Thứ 3, 14/01/2025, 09:42[GMT+7]

Phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030

Thứ 6, 03/12/2021 | 14:32:57
3,665 lượt xem
Để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Ngọ Môn - Một phần của Quần thể di tích cố đô Huế.

Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; bảo đảm tích hợp được vào khung kiến trúc Chính phủ điện tử và Hệ tri thức Việt số hóa, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, thực hiện liên thông dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa, bảo đảm đáp ứng hiệu quả dịch vụ cho xã hội, cộng đồng ở mọi lúc, mọi nơi.

Chương trình đặt ra 3 mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021-2030 là: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số, ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Chương trình đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:

Nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên là hoàn thiện cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật. Cụ thể, rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành di sản văn hóa; xây dựng, hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về di sản văn hóa số và ứng dụng công nghệ trong việc số hóa thông tin, chuẩn hóa hệ dữ liệu di sản văn hóa trong kho dữ liệu số quốc gia;...

Thứ hai
là xây dựng nền tảng kỹ thuật số và các bộ tiêu chuẩn chung về lưu trữ như bộ tiêu chí chung, bộ tiêu chí về di tích văn hóa-lịch sử, danh lam thắng cảnh, bộ tiêu chí về di sản văn hóa phi vật thể,…

Thứ ba là xây dựng, tạo lập dữ liệu số về di sản văn hóa. Xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin di sản văn hóa số trong nước; tăng cường hợp tác trong việc bổ sung, chia sẻ, dùng chung cơ sở dữ liệu hoặc quyền truy cập tài nguyên thông tin số về di sản văn hóa; thúc đẩy các dự án số hóa di sản văn hóa trên cơ sở xây dựng mới và tích hợp cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở với sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân, cộng đồng

Thứ tư
là quản lý, vận hành và khai thác kho cơ sở dữ liệu số quốc gia về di sản văn hóa. Cụ thể là cần tích hợp cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa theo tiêu chuẩn tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử do cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông ban hành, nhằm mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở, phục vụ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân khai thác, tham gia phát triển, sáng tạo các dịch vụ mới.

Thứ năm là bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng; quản lý và giám sát an toàn thông tin,…

Thứ sáu là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, cần đổi mới chương trình, hình thức và đẩy mạnh bồi dưỡng, đào tạo lại; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và người làm công tác di sản văn hóa,…

Thứ bảy là đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Tranh thủ được sự ủng hộ của các quốc gia tiên tiến và tổ chức, doanh nghiệp quốc tế trong phát triển hạ tầng công nghệ thông tin,…

Theo nhandan.vn