Thứ 5, 21/11/2024, 19:54[GMT+7]

Tiếp tục thảo luận tổ đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ ba HĐND tỉnh khóa XVII

Thứ 5, 09/12/2021 | 18:48:29
4,175 lượt xem
Chiều ngày 9/12, HĐND tỉnh tiếp tục chia tổ thảo luận để các đại biểu, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố đóng góp ý kiến vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp thứ ba. Dự thảo luận tổ có các đồng chí: Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh, thường trực HĐND các huyện, thành phố.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ thành phố thảo luận tại tổ. Ảnh: Thành Tâm

Video: 091221-_PHIEN_THAO_LUAN_TO.mp4

Tại các tổ, các đại biểu đánh giá cao nội dung các báo cáo, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình kỳ họp và thống nhất với kết quả thẩm của các ban HĐND tỉnh. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh thời gian qua, khẳng định là quyết liệt, kịp thời, hiệu quả song tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, vì vậy tỉnh cần rút ra bài học kinh nghiệm trên cơ sở đó tiếp tục đề ra các giải pháp linh hoạt, sát thực tiễn để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian tới. Các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trên các lĩnh vực: sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, giải phóng mặt bằng… Vấn đề phát triển công nghiệp theo hướng ngành nghề công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, ít ô nhiễm môi trường; cải cách thủ tục hành chính thu hút đầu tư vào tỉnh cũng được các đại biểu đề cập. Cùng với đó các đại biểu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động việc làm, an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân trong điều kiện dịch còn diễn biến phức tạp.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Vũ Thư thảo luận tại tổ.

Đại biểu HĐND tỉnh tổ Kiến Xương thảo luận tại tổ. 

Phóng viên Báo Thái Bình lược ghi các ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 9/12: 


Đồng chí Vũ Thanh Vân, Bí thư Huyện ủy Thái Thụy

Tôi thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đề ra trong năm 2022, tuy nhiên cần bổ sung thêm các giải pháp cụ thể, khả thi hơn để khơi thông các nguồn lực đầu tư cho sản xuất, giải quyết những bất cập trong công tác quản lý đất đai, bảo vệ rừng ngập mặn. Các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu cần cụ thể hơn; tăng cường khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng các sản phẩm OCOP. Hiện nay do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp và hiệu quả sản xuất không cao dẫn đến thực trạng nông dân bỏ ruộng hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất đai. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai, mua máy cấy, hệ thống thiết bị sấy phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên, tuy nhiên cần tăng cường giám sát trong quá trình thực hiện, bảo đảm nghị quyết phát huy hiệu quả.



Đồng chí Phạm Ngọc Kế, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Tuyến y tế cơ sở hiện nay thiếu về cơ sở vật chất, thiếu bác sĩ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế chưa đáp ứng được yêu cầu nên gặp nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là công tác phòng, chống dịch Covid-19. Khi xảy ra dịch bệnh thì Phòng Y tế huyện, Trung tâm y tế, các bệnh viện tuyến huyện đều phải tham gia thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, tuy nhiên do cơ quan quản lý các đơn vị khác nhau nên việc chỉ đạo phối hợp thực hiện nhiệm vụ chưa được đồng bộ, chưa phát huy hết hiệu quả. Vì vậy, tôi kiến nghị trong báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19 trình kỳ họp cần phân tích, đánh giá rõ nội dung này, thống nhất các biện pháp khắc phục. Cùng với đó, HĐND tỉnh khảo sát, đánh giá cụ thể về thực trạng tuyến y tế cơ sở, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trang thiết bị, tăng cường nhân lực góp phần nâng cao năng lực khám, chữa bệnh, phòng chống dịch cho các trạm y tế.


Đồng chí  Lê Bá Quyến, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Bình

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian qua Công ty Điện lực Thái Bình đã huy động nhân lực, vật lực nâng công suất các trạm biến áp, thay các dây dẫn, thiết bị bảo đảm cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân; đồng thời dịch chuyển các cột điện ở những vị trí chưa phù hợp tại các địa phương. Từ những kết quả đạt được, năm 2022 tỉnh ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 9,0% trở lên có khả thi. Bởi các dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án đầu tư vào Khu kinh tế đang khẩn trương xây dựng thì Thái Bình sẽ thực hiện được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp cần sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Thời gian qua, Công ty Điện lực Thái Bình cũng đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phục vụ triển khai các dự án, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế. Tuy nhiên khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay là công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, tôi đề nghị trong các giải pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2022, HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận các giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn; trong đó chú trong công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận của nhân dân và những người dân có đất bị thu hồi.


Đồng chí Lê Hồng Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Qua hội nghị tiếp xúc trước kỳ họp, nhiều cử tri bày tỏ sự phấn khởi bởi nhờ có chủ trương đúng, trúng của tỉnh đưa nước sạch về nông thôn; HĐND tỉnh kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ mà nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các công trình nước sạch cung cấp cho nhân dân, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân các vùng nông thôn. Tuy nhiên, các cử tri cũng băn khoăn nguồn nước cấp cho một số nhà máy nước sạch không bảo đảm; có nơi, có lúc vẫn còn xảy ra tình trạng mất nước, nhất là vào mùa hè, dịp lễ, tết và ở các khu dân cư ở cuối nguồn nước, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân. Có một số nơi chất lượng nước không bảo đảm. Vì vậy, tôi đề nghị HĐND tỉnh tăng cường giám sát hoạt động của các nhà máy cung cấp nước sạch. Tỉnh chỉ đạo cho các doanh nghiệp chủ động đầu tư nâng cấp đường ống dẫn nước, nâng công suất, bảo đảm chất lượng nước. Nếu doanh nghiệp nào để xảy ra tình trạng thiếu nước kéo dài, nước bẩn, nhân dân ý kiến mà sau một thời gian vẫn không tự xử lý thì chuyển doanh nghiệp khác.  


Đồng chí Phạm Quốc Thái, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh

Ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Để người lao động và người sử dụng lao động sớm nhận được sự hỗ trợ này, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương rà soát, chi trả hỗ trợ, giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động; nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Đến nay, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ theo đúng tinh thần Nghị quyết. Tuy nhiên, dịch vẫn diễn biến phức tạp, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số ca F0 trong doanh nghiệp dẫn đến doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, mất đơn hàng. Vì vậy, tôi đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường hợp khó khăn do dịch Covid-19; trong đó có đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động để họ bảo đảm cuộc sống cơ bản, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguyễn Hình – Thu Hiền


Nhóm phóng viên