Thứ 7, 04/05/2024, 20:28[GMT+7]

Sổ tay đảng viên điện tử: Chuyển đổi số trong công tác đảng Kỳ 2: Quyết tâm ứng dụng thành công, mang lại hiệu quả cao nhất

Thứ 3, 14/12/2021 | 09:27:24
897 lượt xem
Sau một thời gian thí điểm, phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Thái Bình đã khẳng định tính năng ưu việt, tiện ích, là ứng dụng phù hợp trong thời kỳ 4.0 và bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, là yêu cầu tất yếu đổi mới trong công tác đảng của Thái Bình hiện nay.

Ứng dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử trong sinh hoạt Chi bộ thôn Trần Phú, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình).

Tiến sĩ Ngô Quốc Dũng, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông - đơn vị hợp tác với Tỉnh ủy Thái Bình triển khai phần mềm cho biết: Đến nay, ngoài tỉnh Thái Bình thì chưa có địa phương nào trong cả nước triển khai ứng dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử. Đây là sản phẩm chuyển đổi số mang tính đột phá cả về ý tưởng và công nghệ, ứng dụng tất cả nền tảng công nghệ mới nhất để xử lý dữ liệu lớn với giao diện tối giản, tích hợp tất cả các nhiệm vụ của Đảng cho từng đối tượng sử dụng. Phần mềm có tính năng ưu việt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập, quán triệt chỉ thị, nghị quyết của Đảng thông qua các hình thức sinh động như MC ảo tự động đọc văn bản, hệ thống trắc nghiệm tự động hỗ trợ học tập và nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết, tìm tài liệu với trợ lý ảo thông minh. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã xây dựng cơ sở dữ liệu cho phép hệ thống mở rộng đến hàng triệu người dùng cùng một lúc. Sau giai đoạn thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành căn chỉnh hệ thống, các tiện ích đã được hoàn thiện, sẵn sàng triển khai chính thức trong toàn Đảng bộ tỉnh.

Theo ông Đỗ Như Lâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông: Phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử có thể chạy trên rất nhiều nền tảng như máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại di động thông minh. Ngoài ứng dụng trí tuệ nhân tạo chuyển văn bản thành giọng nói, phần mềm còn tích hợp tính năng truyền hình trực tuyến, tạo sự hấp dẫn cho người sử dụng. Phần mềm được xây dựng với giao diện đơn giản, dễ sử dụng với người dùng và được thiết kế tùy biến với vai trò của người đảng viên.

Sinh hoạt chi bộ giữ vai trò quan trọng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên, bảo đảm cho tổ chức đảng lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, sinh hoạt chi bộ lâu nay vẫn được thực hiện theo một quy trình truyền thống. Trước cuộc họp, chi ủy chuẩn bị báo cáo nội dung cuộc họp (ở nông thôn đa phần viết tay trên sổ). Trong cuộc họp của đảng bộ, chi bộ mất nhiều thời gian điểm danh, tập trung trong cuộc họp, khó khăn trong công tác thu thập, tiếp nhận các góp ý, phản hồi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên. Cùng với đó, thông tin đến đảng viên ở nông thôn cũng chưa được chú trọng, còn nghèo nàn, hạn chế và chưa khoa học. Đảng viên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, nghiên cứu, học tập các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận của trung ương, của tỉnh. Trong khi hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên thế giới cũng như ở trong nước đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Chuyển đổi số đang diễn ra ở tất cả các ngành, các lĩnh vực. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan đảng phải thực sự là “đầu tàu” trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, công tác của Đảng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; từng bước thực hiện số hóa nghiệp vụ công tác đảng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên theo chủ trương của Trung ương và cấp ủy tỉnh.

Đồng chí Ngô Đông Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Với Thái Bình, xuất phát từ các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra đó là thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, vươn lên tầm cao mới, đưa Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh phải nỗ lực nâng cao chất lượng hệ thống chính trị nói chung, chất lượng của tổ chức đảng, đảng viên nói riêng. Để làm được điều đó, phải bảo đảm việc thông tin, tuyên truyền, phổ biến, học tập các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đến tất cả cán bộ, đảng viên một cách chính thống, đầy đủ, kịp thời nhất; cùng với đó là nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên ở cơ sở. Đặc biệt, trong thời kỳ 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin và tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ công tác quản lý đảng viên, sinh hoạt chi bộ cũng như tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng đến đảng viên phải là một trong những ưu tiên hàng đầu. Phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử sẽ là giải pháp công nghệ đúng đắn, hữu ích giúp Thái Bình thực hiện mục tiêu tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đảng viên mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Thái Bình quyết tâm hoàn thiện phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử, đưa vào triển khai chính thức từ năm 2022. Khi phần mềm triển khai chính thức, đây sẽ là giải pháp công nghệ hữu ích giúp tỉnh nâng tầm công tác sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên. Nếu toàn Đảng bộ tỉnh cùng thực hiện sẽ giúp cán bộ, đảng viên nắm chắc hơn chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, định hướng của tỉnh, thống nhất trong nhận thức và hành động, qua đó tạo ra sức mạnh to lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Theo khảo sát của Văn phòng Tỉnh ủy: Đảng bộ tỉnh Thái Bình có gần 111.000 đảng viên, trong đó số đảng viên có và sử dụng điện thoại thông minh ở các cơ quan hành chính, trường học, doanh nghiệp là 100%, ở xã, phường, thị trấn là 65%. Hiện nay, 100% trụ sở cơ quan hành chính, trường học có kết nối internet; 70 - 80% đảng viên sử dụng các thiết bị kết nối mạng internet, 3G, 4G cá nhân. Ở một số địa phương đã lắp đặt wifi tại các nhà văn hóa thôn. Kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân từng bước được nâng lên, do vậy tỷ lệ đảng viên có điện thoại thông minh có kết nối internet sẽ tăng lên. Thời gian tới, Thái Bình sẽ ban hành nghị quyết và đề án về chuyển đổi số, đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh triển khai hiệu quả phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử. Vấn đề mấu chốt là các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cần thay đổi tư duy, nhận thức, quyết tâm ứng dụng thành công phần mềm, mang lại hiệu quả cao nhất.

Đồng chí Phạm Văn Tuân, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn cài đặt, sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử cho các đồng chí cấp ủy viên, chi ủy viên các chi bộ, sau đó triển khai đến đảng viên. Cùng với đó, Ban sẽ triển khai thực hiện đề án xây dựng chi bộ kiểu mẫu, tham mưu ban hành quy định khung tiêu chí chi bộ kiểu mẫu. Đây sẽ là giải pháp quan trọng góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt và chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh.

Nguyễn Hình