Thứ 5, 09/05/2024, 01:13[GMT+7]

60 năm hòa nhịp dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam Kỳ 2: Những trang báo góp phần đánh Mỹ

Thứ 2, 27/12/2021 | 08:17:35
1,206 lượt xem
Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng ngày một cao, tờ Tin Thái Bình không còn phù hợp, tháng 12/1961, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết nghị thành lập Báo Tiến Lên. Thực hiện Quyết nghị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Báo Tiến Lên chính thức ra số đầu tiên ngày 1/1/1962.

Số báo Xuân Mậu Thân năm 1968.

Tiến Lên - vững vàng ngay buổi đầu

Nhà văn Bút Ngữ chia sẻ: Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương phát triển tờ Tin Thái Bình lên thành tờ báo từ năm 1960. Khi biết được thông tin này, anh em đang làm Tin Thái Bình rất mừng, ngay lập tức phân công nhiệm vụ, cử người lên Báo Nhân Dân để học hỏi kinh nghiệm. Phải mất khá nhiều thời gian trong xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập báo. Riêng phần đặt tên cũng có nhiều ý kiến, song cuối cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí với tên Báo Tiến Lên để phát huy truyền thống của báo chí cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám (tờ Tiến Lên đã từng hoạt động giai đoạn 1937 - 1939).

Cuối năm 1961, sau một hội nghị nghe báo cáo đề án thành lập báo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Quyết nghị về thành lập Báo Tiến Lên do đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp phụ trách về đường lối, chủ trương của tờ báo, đồng chí Trần Ngạn, Trưởng ban Tuyên huấn làm Chủ bút, đồng chí Vũ Văn Hân làm thư ký trực tiếp phụ trách tòa soạn. Thời gian đầu, Báo chỉ có gần 10 cán bộ chủ yếu từ tờ Tin Thái Bình chuyển sang, mọi người khẩn trương bắt tay vào nhiệm vụ xuất bản số báo đầu. Sau hơn một tháng chuẩn bị kỳ công cho các bài viết, xã luận, vẽ măng séc, maket, cuối tháng 12/1961, Báo Tiến Lên in thử để xin ý kiến của lãnh đạo và bạn đọc trong tỉnh. Ngày 1/1/1962, Báo Tiến Lên, cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Thái Bình ra số đầu với 4 trang, khổ 30 x 40cm. Đây là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước ngoặt lịch sử của báo chí cách mạng tỉnh Thái Bình. Từ đây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đã thực sự có một tờ báo, nhịp cầu nối Đảng, chính quyền với nhân dân, đưa tiếng nói của nhân dân đến với Đảng, chính quyền.  

Cũng theo chia sẻ của nhà văn Bút Ngữ, 7 người tham gia những số báo đầu tiên đều là những người đã có kinh nghiệm như: ông Vũ Văn Hân từng phụ trách tờ Tin Tả Ngạn, ông Nguyễn Văn Thủy từng phụ trách Tin Thái Bình, những người viết như Vũ Văn Khánh, Bút Ngữ, Nguyễn Văn Hoa... đều đã có thời gian làm tại Tin Thái Bình nên ngay từ những số đầu, Báo Tiến Lên được trình bày khoa học, nội dung sâu sắc, phong phú. Tiếp nối Tin Thái Bình 5 ngày ra một số, mỗi số Tiến Lên thường đều có xã luận do các đồng chí lãnh đạo báo trực tiếp viết, nhiều chuyên mục được đăng tải như: hoạt động khắp nơi, khoa học và đời sống, miền Nam anh dũng, sinh hoạt Đảng... 

Tháng 3/1962, cơ quan Báo Tiến Lên thành lập Chi bộ Đảng. Chi bộ đã lãnh đạo, xây dựng tờ báo nhanh chóng được bạn đọc xa gần và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đón đọc, yêu mến, cộng tác và ủng hộ. Chỉ sau một năm hoạt động, Báo đã có đội ngũ thông tin viên, cộng tác viên đông đảo. Hơn 600 cộng tác viên thường xuyên đưa tin, viết bài, chụp ảnh, vẽ tranh cho Báo, mỗi số báo sử dụng trên dưới 80% số tin, bài của cộng tác viên, thông tin viên và bạn đọc đã góp phần làm nên sự phong phú và thu hút của tờ báo. Thời gian đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy cũng rất quan tâm đến công tác thông tin viên, cộng tác viên của Báo. Hàng năm, Báo tổ chức hội nghị thông tin viên, cộng tác viên, có đại diện các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy dự, chỉ đạo, sau 3 năm hoạt động, Ban Thường vụ Tỉnh ủy còn tặng bằng khen cho các cộng tác viên tiêu biểu.

Làm vang phong trào “thóc thừa cân, quân vượt mức”

Đầu năm 1963, sau khi được Bác Hồ góp ý, Báo Tiến Lên đổi thành Báo Thái Bình tiến lên. Đến tháng 1/1972, Báo Thái Bình tiến lên đổi thành Báo Thái Bình cho đến hiện nay. Những nhà báo của cả một thời kỳ gian khổ nhưng không quản ngại vất vả, hy sinh đã làm vang lên những phong trào thi đua quyết thắng, đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh thắng giặc Mỹ ở miền Nam. Nhìn lại những trang báo ngày ấy, qua các chuyên mục phong phú mang đậm tính chính luận như: “Lý tưởng của chúng ta”, “Lập công chống Mỹ”, “Vì miền Nam anh dũng”, “Báo công 5 tấn”..., mỗi người hôm nay như được nhìn lại cả một thời kỳ hoa lửa, vừa tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ của thập niên 60 - 70 thế kỷ XX.

Nếu như trước cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Báo tập trung tuyên truyền thi đua thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về cải tạo và phát triển nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, thương nghiệp XHCN thì từ tháng 8/1964, sau khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, Báo Thái Bình đã thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình, tuyên truyền xây dựng hậu phương vững mạnh, hết lòng chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Trong thời gian Mỹ ném bom ác liệt, Báo cũng nhiều lần phải sơ tán khỏi thị xã nhưng các kỳ báo vẫn ra đều, chuyên mục ổn định. Năm 1965, báo tăng lên 2 kỳ/tuần, ra vào thứ 4, thứ 7 tập trung động viên và ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng lên đường chi viện cho miền Nam của thanh niên đồng thời cổ vũ các phong trào thi đua ở hậu phương như: “Tay cày, tay súng. Tay búa, tay súng. Tiếng hát át tiếng bom”, “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang”, “Thóc thừa cân, quân vượt mức”... 

Nhà báo Lê Trọng, nguyên Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Thái Bình chia sẻ, suốt những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhiều phóng viên phải đi tác nghiệp bằng đôi chân, viết báo chỉ có cây bút, trang giấy, song mỗi người đều làm việc bằng tinh thần hăng say, hết mình, giặc Mỹ ném bom ở đâu, phóng viên có mặt ở đấy phản ánh. 

Trong một bài viết ghi lại về một trận ném bom ác liệt, nhà văn Bút Ngữ chia sẻ, đó là vào 5 giờ sáng, giặc Mỹ ném bom xuống làng Phương Man (huyện Thái Thụy). Ông cùng phóng viên Minh Lập vội về Phương Man. Chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp, làng xóm tang thương, hơn 30 người chết, hơn số người như thế bị thương, sau khi phỏng vấn và ghi lại những thước phim chân thực, hai anh em về cơ quan đang sơ tán tại Đông Hưng thức thâu đêm, người rửa, in ảnh, người viết bài sau đó lại lặn lội đường sá đang bị bom Mỹ cày xới lên Hà Nội làm bản kẽm ảnh. Nhà in khi ấy do Văn phòng Tỉnh ủy quản lý đã động viên anh em công nhân làm thêm giờ để báo ra kịp thời phản ánh về vụ ném bom. Những bài viết sống động, xúc cảm và cả những bức ảnh chân thực về các trận ném bom như thế được Ủy ban Trung ương tố cáo giặc lưu giữ làm tài liệu tố cáo tội ác của giặc Mỹ, góp phần lên tiếng về cuộc chiến tranh tại Việt Nam.  

Thời kỳ ấy, việc in báo, viết báo đã khó song kỹ thuật làm ảnh mới thực sự vất vả. Sau chụp ảnh, rửa phim, in ảnh, cơ quan phải cử người mang lên Hà Nội làm bản kẽm. Các trận ném bom vô cùng ác liệt, chặng đường từ Thái Bình lên Hà Nội qua nhiều con đường, phà mà giặc Mỹ thường xuyên bắn phá, song vượt lên bom đạn, các số báo vẫn có đều ảnh, làm tờ báo thêm phong phú, hấp dẫn. Về nội dung, hình thức tuyên truyền thì sau khi ra báo không lâu, việc tuyên truyền ở nhiều khía cạnh có thể nói đã tiếp cận đến phong cách làm báo hiện đại ngày nay. Đó chính là việc Báo thường xuyên mở ra các chuyên đề thảo luận, phản ánh rất dài hơi, thu hút sự quan tâm, trao đổi của dư luận và độc giả. Điển hình như đầu năm 1964, báo mở chuyên đề: “Chúng ta cùng thảo luận” đặt ra các vấn đề về xây dựng kinh tế mới. Từ bài mở đầu: “Chúng ta có thể làm được như Trực - Tầm không?”, chuyên đề kéo dài vài tháng đăng tải nhiều bài hồi đáp, chia sẻ kinh nghiệm của lãnh đạo các địa phương trong tỉnh như: “Chúng tôi đã làm như Trực - Tầm”, “Cấp ủy đi đầu, đảng viên gương mẫu, xung phong là điều kiện tiên quyết của chúng tôi”... Năm 1965, Báo cũng phối hợp với Ban Tuyên huấn, Đài Truyền thanh tỉnh tổ chức thảo luận trên báo chuyên đề kéo dài nhiều tháng về thâm canh lúa. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, sự phản ánh sâu, đeo bám vấn đề trên các số báo không chỉ cung cấp thông tin mà còn cung cấp một lượng kiến thức lớn cho nhiều cá nhân, tập thể. Như riêng việc báo tuyên truyền về điển hình hợp tác xã Tân Phong (Việt Hùng, Vũ Thư) là hợp tác xã đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha vào năm 1966, chỉ riêng trong 1 năm đã có hàng trăm tin, bài ảnh về Tân Phong. Với sự biểu dương, cổ vũ của báo, từ một Tân Phong, Thái Bình đã nhân lên nhiều Tân Phong, là tỉnh đầu tiên đạt 5 tấn thóc/ha, cũng là một trong những tỉnh có số lượng thóc phục vụ quân dân miền Nam kháng chiến cao nhất miền Bắc. 

Bà Trần Thị Tuyến, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vũ Thư, một trong những thành viên của đội khoa học kỹ thuật hợp tác xã Tân Phong vào những năm 1965 - 1967 chia sẻ: Ngày ấy, Báo Thái Bình tiến lên đưa tin tuyên truyền thường xuyên về hợp tác xã. Chính sự cổ vũ, động viên tích cực của Báo đã thôi thúc cả tập thể thi đua làm việc để xây dựng Tân Phong thành một hợp tác xã điển hình của cả miền Bắc thời kỳ ấy.

Điều đặc biệt vinh dự đối với những người làm Báo Thái Bình thời kỳ đó mà rất ít báo địa phương trên miền Bắc có được là dù là tờ tin hay đã lên là tờ báo, Bác Hồ vẫn dành sự quan tâm, thường xuyên đọc Báo Thái Bình tiến lên. Bác đã thưởng huy hiệu cho 67 nhân vật được biểu dương trên Báo... Cùng với bằng khen, Bác cũng “tặng” một số “bằng chê” những việc làm chưa tốt được Báo phản ánh để thấy, ngay từ thời kỳ ấy, tính phê bình, chiến đấu của Báo đã rất mạnh mẽ và sắc sảo.  

Trong số 7 nhà báo tham gia những số báo Tiến Lên đầu tiên, đến nay còn hai người là nhà văn Bút Ngữ và nhà báo Lê Trọng nay đều đã hơn 90 tuổi. Hai nhà báo lão thành chia sẻ sự quan tâm của Bác, sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sự yêu mến, tin tưởng của nhân dân dành cho tờ báo luôn là sự cổ vũ lớn lao với những người làm báo thời kỳ ấy. Dù trang thiết bị nghèo nàn, thiếu thốn và lạc hậu song những nhà báo của thời kỳ hoa lửa bằng tấm lòng sáng trong với nghề đã ghi lại trung thực một giai đoạn lịch sử khốc liệt nhưng chói sáng. Họ tự hào và vinh dự đã được đóng góp một phần công sức vào chặng đường xây dựng, trưởng thành của báo chí cách mạng Thái Bình, vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Số báo chào mừng Sài Gòn giải phóng.

(còn nữa)
Trần Hương

Bài viết sử dụng tư liệu từ Địa chí Thái Bình, Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, 

các tài liệu liên quan, ý kiến, tư liệu của các nhà báo lão thành và đồng nghiệp.

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày