Thứ 6, 03/05/2024, 11:39[GMT+7]

60 năm hòa nhịp dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam Kỳ 5: Đồng hành tăng tốc công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Thứ 5, 30/12/2021 | 08:52:14
1,958 lượt xem
Sau 36 năm không tăng kỳ, hơn 10 năm sau Báo Thái Bình tăng từ 3 kỳ lên nhật báo. Việc đổi mới nội dung và hình thức cũng thể hiện rõ song đột phá thực sự diễn ra gần 10 năm trở lại đây, nổi bật là xây dựng tòa soạn hội tụ sản xuất các loại hình báo chí đa phương tiện, đáp ứng yêu cầu thông tin trong kỷ nguyên số.

Báo in được đổi mới cả về nội dung và hình thức thể hiện.

Hành trình tiến đến báo chí hiện đại

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 của Đảng xác định: Đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trên cơ sở đường lối, quan điểm, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và tình hình thực tiễn, tỉnh Thái Bình đã đặt ra phương hướng, mục tiêu những năm đầu thế kỷ XXI: Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác đầu tư, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao và bền vững... Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền trong giai đoạn mới, năm 2002 Báo Thái Bình tăng lên 3 kỳ/tuần vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu. Bám sát các định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, Báo Thái Bình tập trung phản ánh các vấn đề trọng tâm: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển mạnh sản xuất nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa qua phong trào xây dựng “Cánh đồng 50 triệu đồng”; tập trung tuyên truyền việc khôi phục, phát triển nghề và làng nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; phản ánh hướng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Thời điểm này, trên mặt báo các chuyên mục có xu hướng giảm, thay vào đó là các chuyên trang lớn như nông nghiệp, kinh tế - tiền tệ - ngân hàng;,văn hóa, xã hội, an ninh...

Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường với hoạt động sôi nổi của các thành phần kinh tế, nhiều kết quả đạt được song cũng không ít tồn tại, bất cập. Trong giai đoạn này, đáng chú ý là giữa các số báo với nội dung khá đều đã xuất hiện nhiều bài điều tra gây tiếng vang của các tác giả Nguyễn Đình Tuyến, Hoàng Duy Phán. Từ sự lên tiếng của Báo Thái Bình, không ít vụ việc tiêu cực đã được điều tra, đưa ra xét xử. Điển hình như các bài điều tra về buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, loạt bài điều tra về vi phạm trong quản lý tài chính tại một số doanh nghiệp nhà nước. 

Nhà báo Hoàng Duy Phán, nguyên phóng viên Phòng Kinh tế, Báo Thái Bình chia sẻ: Sau các bài viết của ông như “Nhận mặt kẻ tham nhũng”, “Ai định đánh chìm xuồng”, ông đã từng bị kiện lên tới trung ương, bị nhiều cuộc điện thoại đe dọa. Song sau khi cơ quan điều tra vào cuộc, cả bộ máy lãnh đạo của đơn vị này đã phải xin từ chức. Còn sau loạt bài về buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, đã có hàng chục người phải hầu tòa, nhiều người bị án tù. Với những người làm báo say nghề và tâm huyết, bảo vệ lẽ phải vẫn luôn là “máu nghề nghiệp”, nhìn thấy sự phản ứng, bức xúc của nhân dân, người lao động là không thể ngồi yên, dù bị đe dọa vẫn “bút chiến”.

Năm 2008, Báo Thái Bình xuất bản thêm số cuối tuần, in màu 8 trang, khổ nhỏ. Các bài đăng báo cuối tuần chủ yếu tập trung vào các vấn đề kinh tế - xã hội đang được dư luận quan tâm, thể hiện theo phong cách mới, hiện đại, gần gũi hơn với bạn đọc. Trong số cuối tuần cũng hạn chế các bài viết khô cứng, đơn điệu. Đặc biệt, số báo này dành thời lượng thỏa đáng cho lĩnh vực văn hóa văn nghệ, thể thao với các thể loại như truyện ngắn, thơ, tản văn... Nhìn tổng thể, tờ báo cuối tuần được thực hiện theo phong cách báo chí hiện đại, hấp dẫn, nhiều ảnh đẹp tạo sự khác biệt với các số báo trong tuần. Năm 2010, Báo Thái Bình khai trương trang thông tin điện tử, làm cơ sở cho việc thành lập Báo Thái Bình điện tử, đánh dấu một bước chuyển mình trong hành trình tiến đến báo chí hiện đại.

Khởi động chuyển đổi số

Giai đoạn 2011 - 2020, kinh tế - xã hội Việt Nam có bước phát triển nhảy vọt, kinh tế - xã hội Thái Bình cũng tạo nên những đột phá quan trọng. Từ một tỉnh thuần nông, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, kinh tế Thái Bình đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp. Đây là giai đoạn tại Thái Bình không chỉ diễn ra cuộc cách mạng trong nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mà còn là giai đoạn đột phá của tỉnh trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền bảo đảm phản ánh kịp thời các hoạt động kinh tế - xã hội đang diễn ra sôi động hàng ngày, năm 2013 Báo Thái Bình đã tăng lên 6 kỳ/tuần. Tháng 8/2014 tiếp tục tăng lên 7 kỳ/tuần. 

Ông Hà Công Toàn, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, nguyên Tổng biên tập Báo Thái Bình chia sẻ: Đây là sự quan tâm rất lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Bởi ngoài đồng ý cho tăng kỳ, Báo Thái Bình còn được tăng nhuận bút, tuyển thêm phóng viên. Số lượng phóng viên thời điểm này tăng lên gần 30 người, số lượng cán bộ, phóng viên, nhân viên toàn cơ quan lên gần 50 người, cao nhất từ khi thành lập.

Cùng với cuộc cách mạng nông nghiệp, nông thôn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh, có thể nói, tại Báo Thái Bình cũng đã diễn ra cuộc “cách mạng” về chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc và việc thiết lập lại các chuyên mục trên mặt báo. Cùng với các chuyên mục: Xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội, trên mặt báo xuất hiện các chuyên mục như: Chuyện cuối tuần, Đối thoại cuối tuần. Lần đầu tiên, Báo Thái Bình thực hiện đánh giá chất lượng tin, bài theo tiêu chí A, B, C, khen thưởng tin, bài chất lượng cao đã khích lệ tinh thần sáng tạo, đổi mới trong thể hiện tác phẩm của phóng viên và đổi mới cung cách lãnh đạo, quản lý của tòa soạn. Các tin, bài trên báo từ thời kỳ này cũng chấm dứt tình trạng sử dụng tin, bài chay không có ảnh, tin tức sự kiện cũng được đăng tải kịp thời, sự kiện diễn ra hôm nay, ngày mai bắt buộc phải được phản ánh trên báo in và phản ánh trong ngày, thậm chí ngay sau khi sự kiện diễn ra trên trang thông tin điện tử, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin. Hình thức tờ báo cũng đổi mới rõ rệt, báo in màu, bài viết có lời dẫn, có nhiều tít phụ, có phỏng vấn chân dung đi kèm.

Báo điện tử ứng dụng nhiều công nghệ mới, sản xuất các tác phẩm báo chí đa phương tiện, chương trình tọa đàm, giao lưu trực tuyến, bản tin truyền hình, bản tin phát thanh...

Một trong những bước chuyển mình lớn của Báo Thái Bình là đầu năm 2018 Báo Thái Bình chính thức khai trương Báo Thái Bình điện tử. Trước đó, từ năm 2016 - 2017, Báo Thái Bình đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cùng nhiều trang thiết bị phục vụ làm báo điện tử như hệ thống trường quay, phòng dựng, hệ thống máy quay phim. Đến năm 2021, Báo Thái Bình tiếp tục được đầu tư thiết bị truyền hình lưu động phục vụ truyền hình trực tiếp các sự kiện lớn. Với hơn 50 chuyên mục, Báo Thái Bình điện tử thường xuyên được đổi mới, sản xuất thêm nhiều thể loại mới như: truyền hình trực tuyến, video clip, phát thanh, bản tin sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI. Hiện nay, trung bình mỗi ngày Báo Thái Bình điện tử khai thác, sản xuất, xuất bản trên 100 tin, bài, sản xuất 2 bản tin hàng ngày là bản tin phát thanh và bản tin Covid-19, 1 bản tin truyền hình cuối tuần. Đến nay có gần 250 triệu lượt bạn đọc trong và ngoài nước truy cập. Báo Thái Bình điện tử còn được đăng tải trên các nền tảng khác như: App Báo Thái Bình dành cho Smartphone hệ điều hành IOS và Android; Fanpage Báo Thái Bình điện tử trên Facebook; Zalo Báo Thái Bình. Để không ngừng đổi mới hoạt động, nâng chất lượng của Báo Thái Bình điện tử, đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, tòa soạn đã ứng dụng công nghệ Text to speech (chuyển văn bản thành giọng nói) để đọc tin, bài trên báo điện tử nhằm giảm thời gian, chi phí trong quá trình sản xuất. Báo Thái Bình trở thành một trong những báo đảng địa phương đầu tiên tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sản xuất chương trình. Trên Báo Thái Bình điện tử, nhiều tác phẩm được thể hiện bằng hình thức đa phương tiện, có lời, ảnh, biểu đồ, clip kèm theo.

Sự đổi mới mạnh mẽ những năm gần đây đã mang lại nhiều kết quả. Các hoạt động, sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh được phản ánh nhanh nhạy, kịp thời. Các lĩnh vực: Xây dựng Đảng, kinh tế, văn hóa, xã hội được phản ánh toàn diện. Trên cả báo in và báo điện tử đăng tải nhiều loạt bài viết chất lượng, mang tính tổng kết cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin mà còn nêu kinh nghiệm, bài học, trở thành nguồn tư liệu phục vụ công việc cho nhiều đối tượng bạn đọc. Từ năm 2014 - 2020 đến nay, Báo Thái Bình giành 7 giải báo chí quốc gia với các tác phẩm: “Để nông dân thực sự gắn bó với đồng ruộng”, “Xây dựng nông thôn mới - cách làm riêng của Thái Bình”, “Đi tìm thương hiệu gạo Thái Bình”, “Dấu ấn tam nông”, “Nhớ lẽ khoan dân”, “Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang”, “Truyền hình trực tiếp Trái tim nhân ái” cùng nhiều giải báo chí toàn quốc trong các lĩnh vực khác. Các nhà báo lão thành đi trước như Bút Ngữ, Lê Trọng, Thiếu Văn Sơn nhận định: Báo Thái Bình đã có bước trưởng thành vượt bậc. Thế hệ trẻ hôm nay đã làm được nhiều điều mà các thế hệ ngày trước mong mỏi được làm.

Phóng viên trẻ của Báo Thái Bình trưởng thành sau mỗi tác phẩm. Ảnh tư liệu

Trải qua 60 năm, các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Thái Bình ngày càng vững về bản lĩnh chính trị, chắc về chuyên môn. Như các nhà báo lão thành đã khẳng định: “Nếu chúng ta làm việc bằng trách nhiệm, chúng ta sẽ có những bài báo đúng. Nếu chúng ta làm việc bằng cả trách nhiệm và tình yêu, chúng ta sẽ có các bài viết đúng và chạm đến trái tim”. Đam mê và dấn thân là những điều cần có của nghề báo. Trong những kết quả hôm nay có sự hy sinh của ngày hôm qua. Hơn hết, thế hệ hôm nay cần nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự xây dựng nền móng từ các thế hệ đi trước.


Trần Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày