Thứ 7, 23/11/2024, 18:55[GMT+7]

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới có hiệu lực từ hôm nay

Thứ 7, 01/01/2022 | 19:57:59
10,696 lượt xem
RCEP - Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD.

RCEP - Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đi vào thực thi từ ngày hôm nay 1/1/2022 giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Cùng với đó, Hiệp định RCEP cũng tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý góp phần giúp môi trường thương mại công bằng trong khu vực và được kỳ vọng là động lực thúc đẩy thương mại góp phần phục hồi kinh tế trong bối cảnh hậu COVID-19.

Là một trong những ưu tiên hội nhập của ASEAN, Hiệp định RCEP khi được 15 thành viên thực thi tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% dân số thế giới với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xấp xỉ 26,2 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. 

Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường biện pháp tạo thuận lợi thương mại. Vì vậy, việc thiết lập hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

Chia sẻ về Hiệp định RCEP, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiệp định này được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ kết nối 4 Hiệp định Thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng đối tác trước đây, tạo thành 1 khu vực thương mại tự do mới hơn; trong đó áp dụng 1 quy tắc xuất xứ và các quy định tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Điều này giúp phát triển các chuỗi cung ứng khu vực, mở ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho Việt Nam cũng như tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19.

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới có hiệu lực từ hôm nay - Ảnh 1.

Với Việt Nam, Hiệp định RCEP mang lại nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ngày 1/1/2022 cũng là thời điểm đúng như dự tính của ASEAN - thời điểm kinh tế thế giới có khả năng phục hồi.

Vì vậy, với việc hiệp định lớn như RCEP được đưa vào thực thi với quy mô dân số và thương mại, các nước ASEAN; trong đó, có Việt Nam đều hy vọng Hiệp định RCEP là một trong những nhân tố góp phần phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Theo các chuyên gia, khi Hiệp định RCEP có hiệu lực cơ hội mang lại cũng sẽ song hành với những khó khăn và thách thức. Trước hết, Hiệp định RCEP có thể mang đến sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

Đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP cho thấy nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự và năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam, trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn. Vì vậy, khi Hiệp định RCEP có hiệu lực sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng.

Ngoài ra, đầu vào sản xuất của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhất định vào các nguồn nhập khẩu, đặc biệt khả năng cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực cũng như mức độ tham gia cung cấp thương mại dịch vụ toàn cầu của Việt Nam còn hạn chế.

Tuy nhiên, kinh nghiệm hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua cho thấy khả năng của Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị mới thiết lập trong khu vực ngày càng tăng lên cùng với việc đổi mới mạnh mẽ về thủ tục hành chính tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư.

Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong Hiệp định RCEP theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa nội khối ASEAN, cụ thể là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các hiệp định FTA ASEAN+1).

Vì vậy, quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác trên là trong vòng khoảng 15 năm qua. Việc thực hiện Hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam.

Hơn nữa, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Vì vậy, Việt Nam không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra nếu có thể khai thác triệt để lợi ích.

Theo vtv.vn


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày