Thứ 3, 30/04/2024, 18:45[GMT+7]

Chào mừng Hội thảo quốc tế mô hình kinh tế nông nghiệp và khu dân cư nông thôn Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn 2045 Thái Bình: Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả và bền vững

Thứ 6, 07/01/2022 | 08:36:09
9,284 lượt xem
Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng, hiệu quả và bền vững là một trong những vấn đề cốt lõi, đã và đang được Thái Bình đặc biệt quan tâm. Với nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp, tỉnh đang từng bước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao có diện tích 1,7 mẫu tại xã Tiến Đức (Hưng Hà) cho thu nhập 600 triệu đồng/năm.

Từ năm 2010 đến nay, Thái Bình tập trung thực hiện quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, phát triển sản xuất hàng hóa; thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và một số sản phẩm nông sản. Hệ thống đê điều, công trình thủy lợi của tỉnh được đầu tư khá hoàn chỉnh, kiên cố và đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất và bảo đảm phòng, chống thiên tai. Cùng với hàng loạt cơ chế, chính sách được ban hành, nông nghiệp Thái Bình có bước phát triển cao, đạt được nhiều thành tựu. Giai đoạn 2011 - 2020, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt 3,0%/năm; cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, giảm tỷ trọng trồng trọt.

Nông dân xã Minh Hòa (Hưng Hà) thu hoạch lúa mùa.

Lúa là cây trồng chủ lực với diện tích gieo cấy đạt trên 150.000ha/năm. Cùng với duy trì năng suất lúa đạt 132 tạ/ha/năm, ngành nông nghiệp và các địa phương đã quy vùng, tổ chức sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và xây dựng được nhãn hiệu lúa gạo theo hướng phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu; tạo được các mô hình canh tác theo hướng thuận thiên. Sản xuất rau màu từng bước chuyển sang chuyên canh và có lựa chọn cây trồng ưu thế: rau ăn lá tại xã Trung An (Vũ Thư); rau gia vị tại xã Quỳnh Hải, ớt tại xã An Ấp (Quỳnh Phụ); khoai tây tại xã Vũ An (Kiến Xương); ngưu tất tại xã Thống Nhất (Hưng Hà)... Duy trì và  phát triển gần 7.000ha cây ăn quả, trong đó hiệu quả nhất là các vùng trồng cây bản địa lâu năm: mít dai vàng tại xã Hà Giang, hồng xiêm tại xã Lô Giang (Đông Hưng); chuối mít, chè mét tại xã Việt Thuận (Vũ Thư); cam Đông Châu tại xã Quỳnh Ngọc, vải tại xã Quỳnh Minh (Quỳnh Phụ)… Hình thành mô hình vườn sinh thái đa tầng, đa giá trị, tạo cảnh quan nông thôn đẹp, hiệu quả kinh tế cao; trồng dâu, nuôi tằm có quy mô 257ha; tạo vùng sản xuất và chợ cây giống quy mô hàng trăm héc-ta.

Chăn nuôi là ngành đóng góp giá trị lớn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó lợn là đối tượng nuôi chủ lực. Các địa phương trong tỉnh đã hình thành được các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trang trại đạt tiêu chuẩn thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, mô hình chăn nuôi gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm được hình thành. Đối tượng nuôi mới được mở rộng theo hướng nuôi ong lấy mật, nuôi tằm tạo sản phẩm có giá trị cao; đã hình thành các mô hình chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn, phát triển nguồn gen gà Tò quý hiếm tại xã An Mỹ (Quỳnh Phụ).

Nuôi tôm tại xã Nam Thịnh (Tiền Hải). Ảnh: Mạnh Thắng

Thủy sản phát triển mạnh mẽ trên cả hai lĩnh vực nuôi trồng và khai thác xa bờ. Tôm, ngao là đối tượng nuôi chủ lực, trong đó có 170ha nuôi tôm công nghệ cao; 300ha chuyên sản xuất, ương dưỡng giống ngao, sản xuất và cung ứng được một phần con giống cho nhu cầu nuôi ngao thương phẩm trong tỉnh và ương dưỡng thành giống lớn xuất bán ra tỉnh ngoài. Khai thác thủy sản tập trung nâng cao năng lực khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo và ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trước những yêu cầu mới, Thái Bình xác định chuyển đổi nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững; nông nghiệp là ngành quan trọng, có vai trò lớn trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, dẫn dắt sự phát triển và khởi sắc cho ngành du lịch, công nghiệp chế biến, dịch vụ của tỉnh; sản phẩm nông sản, thủy sản đạt tiêu chuẩn nông nghiệp xanh. Giai đoạn 2022 - 2030 và tầm nhìn đến 2045, duy trì tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 3,5%/năm; thu nhập người dân, cư dân nông thôn năm 2030 cao hơn 2 - 2,5 lần so với năm 2020; trồng mới khoảng 30 - 35 triệu cây bản địa đa tác dụng làm cơ sở để xây dựng mô hình nông nghiệp sinh thái đa giá trị; phát triển, mở rộng thêm ngành ong mật, dâu tằm tạo khối lượng và chất lượng đáp ứng xuất khẩu. Xây dựng và phát triển du lịch trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa, sông Trà Lý, gắn kết với sản xuất nông nghiệp và các di tích lịch sử, văn hóa; sản phẩm của ngành du lịch là tiêu thụ nông sản cho nông dân Thái Bình và xuất khẩu nông sản tại chỗ. Đến năm 2045, phấn đấu Thái Bình trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển, hiện đại; nền nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao; nông thôn văn minh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối chặt chẽ, hài hòa với quá trình đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để mở hướng phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả, các nhóm giải pháp chính được ngành nông nghiệp xác định là phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, phát triển nông thôn bền vững; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và phát triển nông thôn hiện đại, bền vững; đổi mới cơ cấu đầu tư công, thu hút các nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp; tăng cường hợp tác quốc tế.

Ngân Huyền