Thứ 7, 11/01/2025, 00:45[GMT+7]

UBND tỉnh họp nghe Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo một số nội dung

Thứ 6, 14/01/2022 | 17:30:43
3,369 lượt xem
Chiều ngày 14/1, UBND tỉnh tổ chức họp nghe Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo đề án rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp

Thái Bình có tổng số 741 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Dự thảo đề án rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra những mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể. Trong đó, đến năm 2025, mỗi đơn vị hành chính cấp xã có cơ sở giáo dục công lập cấp mầm non, tiểu học và THCS, tập trung nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất; phát triển trường phổ thông nhiều cấp học; thực hiện thí điểm chuyển từ 3-4 trường mầm non công lập và 1 trường THPT công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ bảo đảm một phần chi thường xuyên với mức độ tự chủ chi thường xuyên là 50%. Đến năm 2030, khuyến khích trên địa bàn thành phố thành lập mới 2-3 cơ sở giáo dục ngoài công lập mỗi cấp học; thành lập trường phổ thông liên cấp; thực hiện chuyển trường mầm non đã hoạt động theo cơ chế tự chủ bảo đảm một phần chi thường xuyên sang hoạt động theo cơ chế tự chủ bảo đảm chi thường xuyên…

Để huy động sự tham gia của toàn xã hội góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, dự thảo đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xây dựng mục tiêu đến năm 2025, có 34 cơ sở giáo dục ngoài công lập, có 15-24 trường thực hiện chương trình chất lượng cao; 10% các cơ sở giáo dục có các thiết chế phục vụ giáo dục như: bể bơi, nhà thi đấu, sân bóng đá, thư viện thông minh... bằng hình thức xã hội hóa; 10% học sinh đi học bằng xe công cộng theo hình thức xã hội hóa ở những địa phương có điều kiện và giao thông thuận lợi. Đến năm 2030, toàn tỉnh có 73 cơ sở giáo dục ngoài công lập; hình thành các cơ sở giáo dục chuyên biệt; các chỉ số về các cơ sở giáo dục có các thiết chế phục vụ giáo dục, học sinh đi học bằng xe công cộng tăng thêm 10% so với năm 2025.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo tóm tắt 2 dự thảo đề án. 

Sau khi nghe các đại biểu góp ý dự thảo 2 đề án, phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định sự cần thiết khi thực hiện 2 đề án trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tới đây. Đồng chí thống nhất các mục tiêu của 2 đề án, đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm mục tiêu giải quyết những hạn chế, tồn tại của 2 đề án trong thời gian trước. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ rõ trách nhiệm cụ thể của các sở, ngành, địa phương, tạo sự chủ động trong việc tổ chức thực hiện của các đơn vị và sớm hoàn thiện dự thảo đề án.

                                                                        Đặng Anh