Thứ 7, 18/05/2024, 13:36[GMT+7]

Bảo đảm đủ nước gieo cấy lúa vụ xuân

Thứ 2, 24/01/2022 | 09:44:28
8,407 lượt xem
Vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy trên 75.000ha lúa. Để bảo đảm nguồn nước cho gieo cấy và sản xuất nông nghiệp, tận dụng đợt xả nước lần 2 của liên hồ thủy điện, hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp lấy nước, phấn đấu 100% diện tích gieo cấy đủ nước trong đợt xả nước lần 2.

Nông dân xã Phú Châu (Đông Hưng) làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, phổ biến ít mưa; tổng lượng mưa ở mức thấp hơn từ 10 - 25% so với trung bình nhiều năm; nguồn nước đến các hồ chứa lớn và trên các lưu vực sông khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt từ 30 - 50%; đặc biệt thiếu hụt tại vùng hạ lưu sông Lô và sông Hồng từ 60 - 90%. Mực nước thấp nhất lịch sử có khả năng xuất hiện tại hạ lưu sông Lô và hạ lưu sông Hồng, đặc biệt trong các tháng mùa cạn của năm 2022. Bên cạnh đó, lịch lấy nước đợt 3 cách xa 2 đợt so với mọi năm, do đó công tác điều hành nước sẽ gặp khó khăn, nhất là những địa hình xa nguồn nước. Do vậy, ngay từ cuối năm 2021 ngành nông nghiệp đã chủ động các phương án và đề nghị các địa phương, hai công ty khai thác công trình thủy lợi thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân. Các địa phương, đơn vị đã nạo vét kênh các cấp, đắp bờ vùng, bờ thửa khoảng 2,95 triệu mét khối; cải tạo, xây mới 12 trạm bơm điện, 291 cống, đập nội đồng; kiên cố hóa 22,54km kênh mương; giải phóng trên 15 triệu mét vuông dòng chảy.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình cho biết: Để chủ động nguồn nước cho sản xuất vụ xuân 2022, Công ty đã triển khai tới các xí nghiệp tiến hành kiểm tra công trình, máy móc, thiết bị; trục vớt 8,7 triệu mét vuông rau, bèo làm cản trở dòng chảy; tu bổ, sửa chữa 67 cống dưới đê, cống đập nội đồng, 46 trạm và máy bơm; kiên cố hóa 2,5km kênh mương, cải tạo cống Lãng Đông Trong (Kiến Xương)... với tổng nguồn vốn đầu tư 47,1 tỷ đồng. Căn cứ lịch gieo cấy lúa xuân của các địa phương, lịch thủy triều, lịch xả nước hồ thủy điện, từ đợt xả nước lần 1, chúng tôi đã chỉ đạo lấy nước đổ ải cho huyện Vũ Thư, thành phố Thái Bình; các huyện Kiến Xương, Tiền Hải lấy nước từ trung tuần tháng 1.

46 trạm và máy bơm của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Thái Bình được bảo dưỡng phục vụ lấy nước vụ xuân năm 2022.

Ông Nguyễn Bảo Khương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thái Bình cho biết: Đợt 2 liên hồ thủy điện xả nước từ ngày 15 - 23/1 là thời điểm lấy nước tập trung quan trọng nhất đối với sản xuất vụ xuân của tỉnh. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo hai công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc, Nam Thái Bình khai thác tối đa khả năng tự chảy, phân công cán bộ, công nhân thường trực 24/24 giờ kiểm tra độ mặn tại vị trí công trình để khai thác tối đa khả năng mở cống lấy nước vào hệ thống, chủ động mở 78 cống dưới đê sông Hồng, sông Hóa, sông Luộc, sông Trà Lý để lấy nước vào hệ thống với tổng khẩu độ cống là 345,6m; các đơn vị và HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động vận hành các trạm bơm điện với 365 máy bơm, công suất khoảng 465.440m3/giờ để đưa nước lên ruộng đổ ải. Đến hết ngày 20/1, toàn tỉnh đã lấy nước đổ ải cho gần 63.000ha, đạt 83,5% diện tích gieo cấy.

Được biết, trong 8 ngày xả nước đợt 2, các nhà máy thủy điện sẽ vận hành tối đa công suất phát điện để tăng cường nguồn nước về hạ du. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ngành điện thì lịch lấy nước có thể được điều chỉnh tùy thuộc tình hình thực tế, bảo đảm đủ nước phục vụ gieo cấy và tiết kiệm lượng nước xả từ các hồ chứa thủy điện. Vì vậy, ngành nông nghiệp, các địa phương, đơn vị đôn đốc chỉ đạo, bám sát lịch xả nước, tranh thủ triệt để, tận dụng tối đa nguồn nước bằng mọi biện pháp lấy nước vào ruộng để làm đất gieo cấy lúa và dự trữ nước; tổ chức vận động, hướng dẫn người dân sớm thu hoạch diện tích cây vụ đông trồng trên đất hai đất lúa; làm đất để giữ nước trên ruộng; tăng cường gia cố bờ vùng, bờ thửa, bảo đảm chống thất thoát, lãng phí nước.

Ngân Huyền