Thứ 2, 06/05/2024, 18:29[GMT+7]

Liên kết để “sống khỏe”

Thứ 3, 01/02/2022 | 02:59:04
3,775 lượt xem
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững đã giúp gia tăng chất lượng, giá trị nông sản, góp phần bảo đảm tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho nông dân.

Cơ sở chế biến cá rô đồng của anh Nguyễn Văn Hình, xã Duyên Hải (Hưng Hà) tạo chuỗi liên kết khép kín, đem lại hiệu quả, bền vững.

Ông Nguyễn Văn Thoa, xã Thụy Việt (Thái Thụy) vinh dự là 1 trong 63 nông dân tiêu biểu toàn quốc năm 2021. Không chỉ là chủ cơ sở chăn nuôi và ấp nở trứng gà với quy mô hàng chục tỷ đồng, ông Thoa còn là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi và sản xuất gia cầm giống Thoa Tuyết với 16 thành viên, hoạt động hiệu quả nhiều năm qua. Là một trong những cơ sở cung cấp giống gia cầm chất lượng cao được người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh biết đến, trung bình mỗi tuần cơ sở của ông Thoa cung cấp ra thị trường trên 40.000 con giống, tiêu thụ cho thành viên gần 50.000 quả trứng. Ông Thoa chia sẻ: Để mở rộng quy mô sản xuất cũng như có được nguồn nguyên liệu trứng ổn định và bảo đảm chất lượng cung cấp cho lò ấp, năm 2018 tôi đã liên kết cùng các chủ trang trại, hộ chăn nuôi gà đẻ trứng trong toàn huyện thành lập Tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi gia cầm giống Thoa Tuyết. Các thành viên tham gia Tổ hợp tác có quy mô chăn nuôi trên 2.000 con gà đẻ trứng và được cơ sở thu mua trứng với giá thỏa thuận và ổn định. Trong quá trình sản xuất, các thành viên phải tuân thủ nguyên tắc hoạt động chung như: sản xuất cùng loại con giống gà được thị trường ưa chuộng, tuân thủ đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Sau khi thành lập Tổ hợp tác, tôi từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi gia cầm nói riêng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đầu năm 2021 khi giá trứng giảm sâu, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi do thua lỗ đã phải bỏ trống chuồng. Với tinh thần hợp tác, chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, cơ sở vẫn duy trì thu mua trứng cho thành viên với giá bình ổn để động viên người chăn nuôi cũng như không làm đứt gãy liên kết.

Ông Phạm Văn Tuân, xã Thụy Dân (Thái Thụy) là một trong những thành viên của Tổ hợp tác với quy mô chăn nuôi gần một vạn gà đẻ trứng. Ông Tuân cho biết: Chăn nuôi với quy mô lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm với Tổ hợp tác nên tôi rất yên tâm về đầu ra cũng như giá cả sản phẩm. Trong thời điểm chăn nuôi gặp khó khăn nhất, nhiều hộ bên bờ vực phá sản thì Tổ hợp tác luôn là chỗ dựa để thành viên yên tâm tiếp tục đầu tư sản xuất. Chúng tôi càng hiểu hơn ý nghĩa câu nói “Muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Trăn trở tìm đầu ra và nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm cá rô đồng, anh Nguyễn Văn Hình, xã Duyên Hải (Hưng Hà) đã thành lập doanh nghiệp, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất và bắt tay chế biến thực phẩm từ cá rô. Anh Hình cho biết: Là người đầu tư nuôi cá rô đồng nên tôi hiểu rất rõ sự bấp bênh của các hộ nuôi khi thường xuyên chịu cảnh được mùa mất giá. Cá rô đồng là đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao nếu có thị trường tiêu thụ ổn định. Vì vậy, năm 2019 tôi đã thành lập doanh nghiệp, mở rộng hợp tác với các hộ nuôi cá, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời thu mua sản phẩm cho người dân. Việc liên kết vừa giúp chúng tôi kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào vừa giúp bà con tiêu thụ ổn định, không lo bị tiểu thương ép giá. Kiểm soát chặt chẽ quy trình nuôi, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm, các sản phẩm của tôi đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, hướng tới hệ thống các siêu thị lớn. Mỗi tháng tôi sản xuất khoảng 6 tấn sản phẩm (cá rô đồng rút xương, cá rô kho tương, ruốc cá rô), tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ nuôi giữa đại dịch Covid-19.

Xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các tổ hợp tác, HTX, hộ dân, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thành lập mới; phối hợp đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ; tập huấn, hướng dẫn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản; tăng cường liên kết đưa cây, con giống mới, năng suất cao vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp... Đến nay, toàn tỉnh có trên 200 cánh đồng sản xuất tập trung với diện tích trên 14.000ha có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng trung ương, Công ty TNHH An Đình, Công ty TNHH Hưng Cúc, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hải Dương... Trong chăn nuôi, có 5 doanh nghiệp liên kết với 33 chủ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm; nhiều HTX, tổ hợp tác chăn nuôi hoạt động hiệu quả. Liên kết sản xuất theo chuỗi đã góp phần thúc đẩy các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị và tránh tình trạng được mùa mất giá, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, phát triển kinh tế địa phương và xây dựng nông thôn mới.

Thông điệp từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp được đưa ra rõ nét trong chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, kinh tế hợp tác được ví như làn gió mới, chắp cánh cho sản xuất nông nghiệp tiên tiến, là cầu nối liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Với sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của nông dân cùng cơ chế, chính sách của chính quyền trong thu hút, khuyến khích hình thành chuỗi liên kết, hy vọng nông nghiệp Thái Bình sẽ có sự đổi thay, bứt phá.

Lưu Ngần