Thứ 5, 28/11/2024, 13:28[GMT+7]

Khi nghịch cảnh chỉ là thử thách

Thứ 4, 02/02/2022 | 20:19:52
4,745 lượt xem
Mùa xuân, mùa của rộn rã đất trời và lòng người. Cây cỏ, lá hoa hồi sinh, trỗi dậy vươn lên một màu xanh. Mùa xuân đẹp và tinh khôi như tuổi trẻ và tình yêu. Ta thêm yêu cuộc đời với những câu chuyện truyền cảm hứng từ những hành động đẹp, ý chí vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của mỗi bạn trẻ. Họ không chỉ viết nên những câu chuyện đẹp, mỗi người lại có một cách để lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng.

Công ty TNHH May xuất khẩu Đông Thọ với doanh thu đạt khoảng 250 - 270 tỷ đồng/năm tạo việc làm cho gần 2.000 lao động.

“Người khuyết tật không phải là gánh nặng của xã hội, chúng tôi vẫn có thể tạo ra những giá trị làm đẹp cho cuộc đời” - đó là thông điệp được truyền đi từ câu chuyện về chị Bùi Thị Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật huyện Quỳnh Phụ cùng nhiều thanh niên khuyết tật khác đang nỗ lực vượt lên chính mình, giúp những người đồng cảnh ngộ thêm tự tin, tự chủ trong cuộc sống... Tai nạn năm 6 tuổi đã khiến một bên mắt của chị Hà bị hỏng. Con trai của chị cũng là trẻ khuyết tật. Không tự ti, mặc cảm, chị luôn muốn lan tỏa những giá trị tích cực trong cộng đồng. Chị Hà chia sẻ: Đến bây giờ, tôi không nghĩ mình khác gì so với những người bình thường. Các bạn đi làm thì mình cũng đi làm, tự mỗi người biết điểm mạnh, điểm yếu của mình. Những người bình thường thì cũng phải ra sức làm việc mới đạt được thành quả, còn mình thì càng phải nỗ lực nhiều hơn. Cũng chính từ suy nghĩ đó mà chị đã gây dựng nên niềm tin, hy vọng, nhen nhóm ngọn lửa khát vọng sống và cống hiến cho rất nhiều người khuyết tật. Chị không quản ngại, kêu gọi mọi người cùng chung tay giúp đỡ và trao tận tay những món quà tới những người kém may mắn, hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi, vận động và tự mình tham gia các chương trình thiện nguyện trong và ngoài tỉnh. Chị vận động thanh thiếu niên khuyết tật tham gia các hoạt động của hội người khuyết tật để họ vượt qua mặc cảm, hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, lấy cảm hứng từ anh Đỗ Hà Cừ, một người khuyết tật, chị Hà đã mở không gian đọc mang tên “Ngọn nến hồng” tại nhà mình với mong muốn mang kiến thức tới người khuyết tật và học sinh nông thôn. Đi nhiều nơi, tham dự nhiều chương trình, chị Hà trở thành người truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ và những người khuyết tật.

Chị Bùi Thị Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thanh niên khuyết tật huyện Quỳnh Phụ (người thứ tư từ phải sang) trong một lần đi tặng quà cho người khuyết tật.

Thái Bình được biết đến là vùng đất hiếu học. Truyền thống hiếu học đã hun đúc ý chí của rất nhiều sĩ tử để vươn lên khẳng định bản thân, vượt qua nghịch cảnh, xứng đáng là những bông hoa nở trên đất cằn. Một trong số đó là em Phạm Thu Hòa, sinh viên năm thứ nhất Khoa Kế toán tổng hợp, Trường Đại học Thái Bình. Em và mẹ ở nhờ nhà của bà ngoại. Thứ đáng giá nhất trong nhà là những giấy khen của cô học trò nhỏ được cất rất cẩn thận. Bố em là thương binh, nhiễm chất độc hóa học, đã mất khi Hòa học lớp 11. Nhà vốn nghèo, càng thêm khó khăn hơn khi mẹ em mắc ung thư, bị bệnh tim... Mẹ em nhiều khi không có tiền mua thuốc điều trị. Niềm vui, nguồn động lực của mẹ chính là kết quả học tập của Hòa. Thế nhưng, từ ngày biết tin con gái đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội, nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” dường như đè nặng hơn lên mẹ em. Trong cái khó, Hòa và mẹ đã nhen nhóm lên niềm hy vọng về một ngày mai tốt đẹp hơn bởi đại học chính là con đường để em nâng cao kiến thức, thay đổi bản thân và thay đổi hoàn cảnh. Hòa chuyển sang học Trường Đại học Thái Bình để giảm bớt chi phí và có thể chăm sóc cho mẹ. Hòa chia sẻ: Em tự nhủ bản thân, không ai sinh ra được lựa chọn hoàn cảnh cho mình nên em luôn cố gắng nỗ lực từng ngày để học tập, trau dồi kiến thức để sau này cho mẹ có cuộc sống tốt hơn.

Đón năm mới bằng ước vọng thành công, nhiều thanh niên, doanh nhân trẻ xác định cho mình một con đường, một hướng đi riêng. Nhưng điểm chung dễ nhận thấy ở họ chính là niềm say mê, sự kiên trì và quyết tâm theo đuổi ý tưởng, tự tin, năng động, sẵn sàng thích ứng với mọi thay đổi, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Với anh Vũ Đức Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH May xuất khẩu Đông Thọ, hai năm qua, dịch Covid-19 bùng phát là giai đoạn khó khăn chưa từng có, là lửa thử vàng đối với anh và đội ngũ doanh nhân. Trước đây, sản phẩm của Công ty chủ yếu là quần âu, áo Jacket. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn; nhưng bằng chiến lược riêng của mình, Công ty đã chuyển hướng sản xuất, ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, nâng cao tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính, đàm phán thành công với nhiều khách hàng mới. Hiện mỗi tháng Công ty xuất khẩu 300.000 sản phẩm quần áo thể thao sang thị trường Hàn Quốc. Năm 2021, doanh thu của Công ty đạt 250 - 270 tỷ đồng, lợi nhuận đạt khoảng 10 - 15%, tạo việc làm cho gần 2.000 lao động với thu nhập trung bình 7 - 8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh gia công quần áo thể thao xuất khẩu, anh Việt còn xây dựng thương hiệu thời trang chơi golf cho riêng mình. Theo anh, điều tiên quyết để khởi nghiệp thành công là phải quyết tâm cao, đam mê, học hỏi và quyết đi đến cùng với lựa chọn của bản thân. Thứ hai là phải tìm cách vượt qua khó khăn, không từ bỏ trước bất cứ khó khăn nào trên con đường lập nghiệp. Cùng với đó phải xây dựng doanh nghiệp theo mô hình phù hợp thực tế, bảo đảm đời sống cũng như thu nhập của người lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Xuân mới khởi đầu cho một hành trình mới. Chị Hà, em Hòa, anh Việt cũng như hàng nghìn bạn trẻ ở Thái Bình với tinh thần không ngại khó, năng động, sáng tạo, khát khao cống hiến, mỗi việc làm của họ dù lớn hay nhỏ đều đang góp phần điểm tô cho mùa xuân đất nước.

Phương Chi