Thứ 6, 17/05/2024, 18:54[GMT+7]

Mùa xuân trên những mô hình phát triển kinh tế

Thứ 5, 03/02/2022 | 10:42:53
5,896 lượt xem
Những ngày giáp tết, về Hưng Hà, đi dọc các làng quê nông thôn mới, dáng xuân, sắc xuân đã ngập tràn trên từng tấc đất, từng nhành hoa. Không phải đợi đến lúc xuân sang, ngay từ những ngày giáp tết Nguyên đán, người dân nơi đây đã bắt đầu “hái lộc”. Đó là thành quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên những vùng đất khó canh tác.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của anh Nguyễn Văn Tuyến (người bên phải) ở xã Thống Nhất (Hưng Hà) cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Trồng dưa lưới công nghệ cao thu bạc tỷ
Những ngày cuối năm Tân Sửu, trong cái rét ngọt, chúng tôi đến thăm mô hình trồng dưa lưới của gia đình chị Trần Thị Nhàn, thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức. Hiện lên trước mắt chúng tôi là vườn dưa lưới xanh tốt, trái nào cũng to tròn lủng lẳng trên cây. Khắp các khu trồng dưa, khu nào cũng được xây dựng kiên cố, hệ thống tưới nước và bón phân đồng bộ theo công nghệ Israel. Các loại nước tưới đều phải qua hai lần lọc mới được tưới nhỏ giọt tự động tới từng gốc cây. Đây là năm thứ ba chị Nhàn trồng dưa trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao tại vùng đất bãi ven sông. Với 1,7 mẫu, chị đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng 3 nhà lưới với diện tích từ 5 - 7 sào và trồng khoảng 14.000 gốc. Chị Nhàn cho biết: Mỗi cây dưa lưới được trồng riêng trong từng chậu. Khi dưa có quả, mỗi gốc tôi chỉ để lại một quả và thường xuyên cắt tỉa để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như tránh dịch bệnh. Toàn bộ sản phẩm khi thu hoạch được các công ty, siêu thị liên kết bao tiêu đầu ra. Dưa được trồng gối liên tục nên thu hoạch thành nhiều vụ. Năm 2021, mô hình của tôi thu lãi trên nửa tỷ đồng.

Mô hình trồng dưa lưới của chị Trần Thị Nhàn thể hiện tư duy sản xuất mới, mạnh dạn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có sự liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm và đón đầu xu hướng phát triển của nông nghiệp công nghệ cao. Thành công của mô hình cho thấy khi người nông dân có quyết tâm, tư duy mới thì sẽ gặt hái được thành quả.

Thanh long ruột đỏ nở hoa trên đất lúa
Rời vùng đất bãi, về xã Thống Nhất chúng tôi dễ dàng nhận thấy đường vào thôn Ngoại Trang tràn ngập màu xanh xen lẫn màu đỏ rực của quả thanh long ruột đỏ đang vào vụ thu hoạch. Đến thăm vườn thanh long của gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến, chúng tôi bị níu chân bởi từng hàng thanh long thẳng tắp, xanh tốt, nối liền từ luống này sang luống khác, những quả thanh long to tròn, căng mọng đang chờ ngày thu hoạch. Không còn cảnh bà con nông dân chân lấm tay bùn, thay vào đó ứng dụng khoa học kỹ thuật từ hệ thống tưới tự động dần thay thế lao động chân tay đã được anh Tuyến áp dụng ngay từ khi thực hiện mô hình. Anh Tuyến cho biết: Năm 2006, thấy cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế rất cao, lúc bấy giờ giá bán 30.000 đồng/kg nên tôi mua giống về trồng tại vườn của gia đình; sau 2 - 3 năm tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích cấy lúa kém hiệu quả và mua thêm ruộng của bà con xung quanh để trồng thanh long. Trước khi bắt tay vào sản xuất, tôi đã đi tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây thanh long ruột đỏ, chủ động nghiên cứu để tạo ra giống cho năng suất cao hơn, quả to, vị ngọt hơn. Sau khi lai tạo thành công, tôi thay toàn bộ cây trong vườn bằng giống mới. Hiện tại gia đình tôi có hơn 1.000 trụ thanh long với tổng diện tích 2 mẫu, trung bình mỗi lứa thu từ 5 - 8 tấn, một năm 7 - 8 lứa, giá bán từ 22.000 - 27.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm gia đình tôi thu lãi trên 300 triệu đồng. Từ hiệu quả mô hình, tôi huy động anh em trong gia đình cùng tham gia. Hiện cả 4 gia đình anh em tôi đã trồng 8 mẫu thanh long ruột đỏ, mỗi năm thu hơn 1 tỷ đồng.

Khẳng định thương hiệu cho cá rô đồng
Nuôi cá rô đồng không còn xa lạ với nhiều người nhưng nuôi thế nào, hiệu quả ra sao là cả một quá trình bền bỉ của người nông dân. Hàng tỷ đồng mỗi năm là doanh thu của anh Nguyễn Văn Hình, thôn Bùi Việt, xã Duyên Hải từ nuôi và chế biến cá rô đồng.

Sản phẩm cá rô đồng rút xương của anh Nguyễn Văn Hình, xã Duyên Hải thu hút lượng khách lớn. 

Xã Duyên Hải có nguồn nước khoáng nóng tự nhiên, đây là lợi thế lớn để anh Hình phát triển nuôi cá rô đồng. Từ diện tích 2 mẫu ruộng chuyển đổi, anh đã cải tạo thành 7 ao nuôi cá và xây dựng một xưởng chế biến, một kho đông lạnh. Không giống như những mô hình sản xuất cá rô đồng khác, toàn bộ cá rô sau thu hoạch được anh Hình thuê 20 nhân công trực tiếp chế biến theo hình thức sản xuất khép kín từ con giống, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ. Năm 2021 anh nuôi khoảng 3 tấn cá bố mẹ, xuất bán 4 tạ trứng cá giống với giá 2,5 triệu đồng/kg, nuôi và thu mua cá thương phẩm để đưa vào chế biến khoảng 100 tấn cá với trị giá trên 3 tỷ đồng. Từ hiệu quả ban đầu, anh thành lập Công ty TNHH Minh Hòa H4G để nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước tạo uy tín với khách hàng. Anh Hình cho biết: Cá rô sau khi thu hoạch sẽ cho vào máy đánh vảy, rửa sạch với nước muối, làm chín tới, sau đó rút xương, đóng gói hút chân không rồi đem cấp đông. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, tôi tự ương giống và cung cấp nguồn giống chất lượng cho các hộ tham gia liên kết, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật để các hộ chăn nuôi hiệu quả. Việc liên kết như thế giúp hai bên đều có lợi, người nuôi không phải lo đầu ra, gia đình tôi có nguồn nguyên liệu bảo đảm cho sản xuất.

Hiện nay Công ty TNHH Minh Hòa H4G cung cấp ra thị trường 3 dòng sản phẩm chính gồm cá rô lọc xương, cá rô kho tương, ruốc cá rô. Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, Công ty chú trọng quy cách đóng gói, nhãn mác bắt mắt và cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm thông qua mã số, mã vạch in trên sản phẩm, đồng thời tiếp tục thay đổi mẫu mã, tìm kiếm thị trường để dần khẳng định thương hiệu cá rô đồng trong thời gian tới.

Xuân mới đang về, những người nông dân thấy ấm áp và phấn khởi hơn khi gặt hái thành quả lao động của mình sau bao ngày vất vả. Chia tay các mô hình phát triển kinh tế, chúng tôi cầu mong mưa luôn thuận gió luôn hòa, để một năm mới với những vụ mùa bội thu sẽ đến với bà con.

Thanh Thủy