Bản lĩnh doanh nhân
Vượt qua khó khăn do đại dịch
Nếu như năm 2020, nói đến dịch Covid-19, không chỉ người dân mà ngay cả các doanh nghiệp cũng rất lo lắng, thậm chí hoang mang. Tuy nhiên, chỉ sau một năm, với sự chuẩn bị cả về tâm lý cũng như sẵn sàng các phương án ứng phó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bình tĩnh đối đầu với dịch bệnh. Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, các doanh nghiệp đã xây dựng các kịch bản ứng phó và tổ chức diễn tập phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ chia sẻ: Với hơn 18.500 người lao động, việc bảo đảm an toàn để duy trì sản xuất là nhiệm vụ hàng đầu, vô cùng quan trọng. Vì vậy, chúng tôi sớm xây dựng các phương án chống dịch và tổ chức diễn tập tại tất cả 7 nhà máy trên địa bàn tỉnh. Việc diễn tập giúp củng cố kiến thức, kỹ năng thực hành chống dịch cho ban lãnh đạo, các thành viên ban chỉ đạo, các tổ phòng, chống Covid-19 của doanh nghiệp. Người lao động trực tiếp được tham gia diễn tập nên họ làm quen tâm lý, không hoảng loạn, bình tĩnh phối hợp với cơ quan chức năng khoanh vùng, dập dịch kịp thời, hiệu quả khi có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Không chủ quan với dịch, các doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như khẩu trang, đồ bảo hộ y tế, nước sát khuẩn, hóa chất tiêu độc, khử trùng, thuốc và kit test nhanh sàng lọc SARS-CoV-2. Đặc biệt, các doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện chiến lược vắc-xin Covid-19. Ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã đồng hành với tỉnh trong công tác ngoại giao vắc-xin để tiêm cho người dân, trong đó có cán bộ, công nhân. Đến nay, cơ bản người lao động trong các doanh nghiệp đã được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đủ 2 mũi, đây là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp giữ được an toàn để tập trung sản xuất, kinh doanh.
Với sự chủ động phòng, chống và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19 nên những tháng cuối năm khi dịch bùng phát tại một số công ty ở trong và ngoài khu công nghiệp, các doanh nghiệp đã nhanh chóng bóc tách F0, phân loại nguy cơ, khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan diện rộng và duy trì sản xuất an toàn.
Linh hoạt sản xuất, kinh doanh
Duy trì “vùng xanh”, các doanh nghiệp tập trung ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho người lao động. Trong điều kiện khó khăn về thị trường và chi phí sản xuất tăng cao, rất nhiều doanh nghiệp lượng hàng tồn kho chiếm tới 70% vốn đầu tư sản xuất nhưng vẫn cố gắng không để người lao động bị mất việc làm. Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Sứ Đông Lâm (khu công nghiệp Tiền Hải) cho biết: Thị trường trong nước bị thu hẹp do các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch; việc xuất khẩu cũng gặp không ít khó khăn do chi phí dịch vụ logistics tăng cao, thiếu thùng container rỗng khiến sản phẩm làm ra tiêu thụ rất chậm. Lượng hàng tồn kho lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực tìm mọi cách để duy trì sản xuất, quyết tâm không để người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Không chỉ cố gắng duy trì sản xuất, nhiều doanh nhân đã tìm ra cơ hội phát triển trong khó khăn của đại dịch. Các doanh nghiệp dệt may có thêm nhiều đơn hàng sản xuất nhờ liên kết, hợp tác, xúc tiến thương mại với đối tác, bạn hàng ở các tỉnh phía Nam và nhiều quốc gia trong khu vực. Các doanh nghiệp gốm sứ tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do mới để phát triển thị trường mới, xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ, Canada, các nước châu Âu, châu Phi, Trung Đông...
Đặc biệt, trong bối cảnh giao thông, đi lại phần nào bị hạn chế do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử. Anh Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty TNHH IGEA Việt Nam (cụm công nghiệp Phong Phú, thành phố Thái Bình) chia sẻ: Bên cạnh ứng dụng các phần mềm quản lý, kế toán doanh nghiệp, chúng tôi đã số hóa toàn bộ hình ảnh của sản phẩm đưa lên quảng bá, bán hàng trên các kênh thương mại điện tử. Năm 2021, doanh thu bán hàng của Công ty đạt hơn 10 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020.
Trong lĩnh vực xúc tiến thu hút đầu tư, nhiều doanh nhân đã phát huy tối đa cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh và đón bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, từ đó tiếp cận và hợp tác thành công. Tiêu biểu phải kể đến doanh nhân Bùi Thế Long, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Green i-Park thu hút được 4 dự án lớn vào khu công nghiệp Liên Hà Thái (Thái Thụy) với tổng mức đầu tư hơn 400 triệu USD; doanh nhân Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Damsan thu hút được 3 dự án lớn vào cụm công nghiệp An Ninh (Tiền Hải)...
Nêu cao trách nhiệm xã hội
Việc chăm lo ổn định đời sống người lao động đã là một nỗ lực lớn của mỗi doanh nhân. Hơn thế nữa, các doanh nhân còn thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm xã hội với rất nhiều việc làm thiết thực chia sẻ với cộng đồng. Hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ quỹ vắc-xin phòng Covid-19 của tỉnh, các doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng toàn dân, hướng đến miễn dịch cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh. Điển hình trong số đó phải kể đến Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hương Sen, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long…
Không dừng lại ở đó, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân còn ủng hộ nhiều trang thiết bị, vật tư y tế như kit test Covid-19, khẩu trang y tế, xe vận chuyển bệnh nhân Covid-19, xe tiêm chủng lưu động, phòng lạnh bảo quản vắc-xin, đồ bảo hộ y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các doanh nghiệp cũng ủng hộ thực phẩm cho người dân vùng bị phong tỏa hay đang ở các khu cách ly tập trung; ủng hộ tiền, sách vở, máy tính bảng cho hàng nghìn học sinh đến trường hoặc ở nhà học trực tuyến… Và khi tết đến xuân về, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân lại sẵn sàng tham gia ủng hộ hàng nghìn suất quà cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo.
Khó khăn chồng khó khăn nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn viết nên những câu chuyện nhân văn về kinh doanh và nghĩa tình con người với con người. Đó vừa là nét đẹp văn hóa, cũng là bản lĩnh doanh nhân Việt Nam, doanh nhân Thái Bình.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Thời gian đổ ải tập trung từ ngày 16/1 - 15/2/2025 10.12.2024 | 15:32 PM
- Chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng tổ chức hội chợ nông nghiệp quốc tế đồng bằng Bắc bộ năm 2024 12.11.2024 | 17:31 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc thăm Công ty Cổ phần Quốc tế Bảo Hưng 02.12.2023 | 19:09 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
- Hơn 260 doanh nghiệp huyện Hưng Hà tham gia khảo sát Bộ chỉ số DDCI 15.08.2023 | 16:03 PM
Xem tin theo ngày
- Nhân lên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân