Thứ 5, 26/12/2024, 19:13[GMT+7]

Y tế cơ sở với trận chiến chưa từng có

Thứ 5, 03/02/2022 | 11:40:55
1,224 lượt xem
Gần 2 năm chiến đấu với đại dịch Covid-19 cũng là từng ấy thời gian các lực lượng tuyến đầu trong đó có y tế cơ sở phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy. Thế nhưng, trước trận chiến chưa từng có, những chiến sĩ áo trắng không bỏ cuộc. Họ vẫn nỗ lực, quyết tâm với tinh thần cao nhất cùng các ngành, địa phương kiểm soát dịch trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và sự an toàn cho người dân.

Nhân viên Trạm Y tế xã Phú Lương (Đông Hưng) chuẩn bị đi lấy mẫu xét nghiệm tại gia đình có F0.

Những ngày không thể quên
Những ngày tháng 11/2021 sẽ là quãng thời gian khó quên đối với bác sĩ Ngô Văn Thuật cùng cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã Nguyên Xá (Vũ Thư). Gần 200 ca nhiễm được ghi nhận trong một thời gian ngắn, công việc dồn dập, có lúc bác sĩ Thuật và cán bộ, nhân viên của Trạm tưởng như quá tải. Thế nhưng họ đã vượt qua những ngày không thể quên, hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Bác sĩ Ngô Văn Thuật, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nguyên Xá chia sẻ: Thời điểm dịch chưa lây lan trên địa bàn, công việc vốn đã vất vả do vừa bảo đảm khám chữa bệnh ban đầu, thực hiện chương trình tiêm chủng hàng tháng vừa phòng, chống dịch. Khi xuất hiện liên tiếp các ca nhiễm Covid-19, cán bộ, nhân viên của Trạm mới thực sự áp lực bởi cùng một lúc phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Mọi người không còn khái niệm về thời gian bắt đầu và kết thúc của một ngày làm việc. Nhân lực của Trạm có 6 người, trong đó 1 người trực trạm, 5 người chia thành các tổ đi điều tra, truy vết F1, tiêm vắc-xin phòng Covid-19, lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ chuyển F0 đi điều trị, tham mưu các biện pháp phòng, chống dịch cho địa phương, truyền thông về dịch bệnh... Có những ngày lấy mẫu thâu đêm, khi về đến Trạm mọi người đều mệt nhoài bởi cường độ làm việc cao, bí bách, khó thở do đeo khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ trong suốt thời gian dài. Với những trường hợp cao tuổi, khi thực hiện xét nghiệm sàng lọc không thể đến điểm lấy mẫu tập trung, cán bộ Trạm phải đến từng nhà. Cũng nhờ đó đã phát hiện kịp thời một số trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Hàng trăm việc không tên. Mỗi việc lại có những khó khăn riêng song các chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu không chùn bước. Họ biết rằng sau mỗi công việc là sự an toàn và sức khỏe của người dân.

Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người dân.

Khó khăn không chùn bước
Trong đợt cao điểm của dịch bệnh (từ ngày 10/11 đến nay), cũng như Trạm Y tế xã Nguyên Xá, cán bộ, nhân viên trạm y tế các xã: Đông La, Đông Hợp, Phú Lương (Đông Hưng), Đông Mỹ, Phú Xuân (thành phố Thái Bình)... đã trải qua nhiều đêm không ngủ, thực hiện những nhiệm vụ chưa từng có, căng mình cùng các cấp, ngành, địa phương dập dịch, ngăn không để dịch lây lan, bùng phát trên địa bàn. Những ngày cao điểm của dịch bệnh, hầu như cán bộ, nhân viên y tế phải ăn, nghỉ tại trạm để giải quyết công việc; không phân biệt nhiệm vụ của ai, cứ có việc là làm. Nhiều cán bộ nữ con nhỏ nhưng cũng gửi con cho người thân ở lại trạm xuyên trưa, xuyên tối. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, giờ ăn thất thường, giờ nghỉ không có.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Lương (Đông Hưng) chia sẻ: Dù rất mệt song lúc người dân đang hoang mang, lo lắng mình cần hướng dẫn, động viên để họ yên tâm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Cán bộ Trạm đều là nữ, mỗi người được phân công phụ trách một thôn. Nhiều khi đêm hôm hay mưa gió có trường hợp F1, F2 bị đau bụng, đau đầu... cán bộ phụ trách phải lập tức lên đường. Trong thời điểm căng thẳng ấy, mỗi cán bộ, nhân viên y tế càng phải nỗ lực bởi không ai có thể làm thay nhiệm vụ của mình. Mọi người động viên nhau cố gắng làm thật tốt, đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu; đồng thời, phải giữ sức khỏe tốt cho bản thân, không để bị lây nhiễm để có thể thực hiện nhiệm vụ đang chờ ở phía trước.

Cũng từ những tháng ngày khó khăn ấy, những chiến sĩ áo trắng lại tìm thấy niềm vui riêng cho mình. Bác sĩ Nguyễn Thị Hậu chia sẻ thêm: Khi các tổ chức, cá nhân gửi tặng những bộ quần áo bảo hộ y tế, hộp khẩu trang, những suất cơm nóng ngày giá rét hay khi F0 được điều trị khỏi, xuất viện, chúng tôi rất xúc động. Những món quà tuy không lớn song đó là tình cảm, sự sẻ chia để chúng tôi có thêm động lực vượt khó, tiếp tục hành trình chiến đấu chống dịch Covid-19.

Đến nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương từng là vùng nguy cơ cao nay nhịp sống đã trở lại bình thường. Kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của những chiến sĩ áo trắng ở các địa phương. Bởi họ là những người gần dân nhất, có thể chăm sóc sức khỏe nhân dân ban đầu, từ sớm. Sau mỗi trận đánh “giặc Covid-19”, niềm vui lớn nhất với các cán bộ, nhân viên y tế là dịch bệnh được kiểm soát, bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi và ý thức phòng, chống dịch của người dân được nâng lên.

Với diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp như hiện nay, trận chiến có lẽ còn dài và chưa biết hồi kết. Khó khăn, vất vả của lực lượng y tế cơ sở vẫn còn ở phía trước. Trong tình huống dịch lây lan, bùng phát mạnh, có thể họ sẽ phải thực hiện thêm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc F0 nhẹ, không triệu chứng. Song, với trách nhiệm, sự tận tâm, hàng ngày, hàng giờ họ vẫn luôn sát cánh cùng các cấp, ngành trên địa bàn phát hiện kịp thời những trường hợp nguy cơ, thực hiện khoanh vùng dập dịch nhanh nhất khi xuất hiện ca nhiễm Covid-19. Những chiến sĩ áo trắng đã góp phần tạo nên “thành trì” phòng, chống dịch ở cơ sở.

Như Hoàng 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày