Thứ 6, 17/05/2024, 12:14[GMT+7]

Giáo dục Thái Bình: Vươn mình đổi mới

Thứ 6, 04/02/2022 | 13:05:58
2,137 lượt xem
Năm 2021 tiếp tục là một năm đặc biệt với ngành giáo dục Thái Bình nói riêng, cả nước nói chung. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vẽ nên bức tranh giáo dục sinh động trong năm thứ hai vượt khó.

Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình) áp dụng các phương pháp dạy học tích cực khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cơ hội đổi mới từ đại dịch

Đầu tháng 11/2021, cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hà, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học và THCS Kỳ Đồng (Hưng Hà) trở thành F2. Những ngày cách ly tại nhà, thời khóa biểu dạy học của cô không thay đổi so với lúc đi dạy tại trường. Cô giáo Hà chia sẻ: Chiều ngày 8/11, tôi nhận được tin mình là F2 và có quyết định cách ly tại nhà. Sáng ngày 9/11, được sự hỗ trợ của đồng nghiệp, tôi bắt tay ngay vào việc dạy trực tuyến cho học sinh. Đối với giáo viên, việc dạy trực tuyến như thế thuận lợi hơn nhiều so với việc dạy trực tuyến khi học sinh tạm dừng đến trường bởi chúng tôi dễ dàng quản lý học sinh hơn.

Đã có 21 năm công tác trong ngành giáo dục nhưng phải đến đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát và lây lan, cô giáo Hà mới nhận thấy hết tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Cô cho biết: Trước đây, tôi và nhiều đồng nghiệp chỉ sử dụng máy chiếu là thiết bị hiện đại nhất để dạy học. Khi học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang hình thức học trực tuyến, tôi đã học hỏi từ đồng nghiệp và tự trau dồi kỹ năng sử dụng thành thục các phần mềm dạy học trên máy tính để dạy học. Giờ đây, tôi tự tin hơn với những tiết dạy của mình và sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học phù hợp với diễn biến dịch bệnh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hà là 1 trong hơn 23.000 cán bộ, giáo viên ngành giáo dục Thái Bình có sự thay đổi tích cực trong 2 năm vừa qua. Có thể thấy những vấn đề đặt ra trong đại dịch Covid-19 là sự thúc bách, đòi hỏi về một sự “lột xác” cần thiết của các thầy cô giáo trong tình hình mới, nhất là khi dịch xâm nhập và lây lan trong trường học. Nhìn xa hơn, đại dịch là cơ hội để ngành giáo dục có thể nhìn lại và quyết liệt tìm lời giải cho bài toán đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, chương trình lẫn cách thức dạy và học, kiểm tra, đánh giá... Ông Vũ Giang Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thái Bình cho biết: Đầu tháng 5/2021, học sinh các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố phải tạm dừng đến trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên giáo viên và học sinh thực hiện một bài kiểm tra quan trọng qua internet. Qua kiểm tra cho thấy kết quả khá tương đồng với chất lượng học trên lớp của từng em. Từ đó cho thấy một khía cạnh tích cực khác là dịch Covid-19 đặt ra yêu cầu nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ của giáo viên và học sinh.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo đã được đặt ra cấp thiết từ nhiều năm qua, thể hiện rõ nhất trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện từ năm học 2020 - 2021. Đại dịch Covid-19 khiến toàn ngành gặp khó khăn nhưng cũng là đòn bẩy để biến thách thức thành cơ hội đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo. Về dạy và học, các thầy cô giáo đã chuyển từ thuyết giảng một chiều sang trao đổi, thảo luận, truyền cảm hứng; các thầy cô giáo giữ vai trò dẫn dắt, làm trọng tài, học sinh làm chủ kỹ năng thông qua nhiều cách học khác nhau như học trực tiếp, trực tuyến, học từ xa, tự học ở nhà. Về kiểm tra, đánh giá, Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, trong đó chú trọng kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm, khen thưởng kịp thời để động viên, khích lệ việc dạy và học của thầy và trò.

Những dấu ấn

Mặc dù năm học 2020 - 2021 gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Giáo dục Thái Bình đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, kết hợp linh hoạt các hình thức dạy học bảo đảm khung thời gian năm học và kết thúc năm học theo đúng kế hoạch, để lại nhiều dấu ấn. Một trong số đó là việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong điều kiện khó khăn, kết quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 1 bước đầu ghi nhận những tín hiệu khả quan. Nổi bật là hình thức, phương pháp giảng dạy, chương trình giáo dục phổ thông mới giúp học sinh tiếp cận phương pháp dạy học trực quan sinh động, nhanh gọn, không rườm rà. Lần đầu tiên, hoạt động trải nghiệm trở thành nội dung giáo dục bắt buộc trong nhà trường với mục đích giáo dục trẻ phát triển toàn diện; học sinh biết đọc, viết... Kết thúc năm học, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp 1 cao, đạt 98,8%, số học sinh chưa hoàn thành chương trình phần lớn là học sinh học hòa nhập. Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm: Thuận lợi bước đầu trên đã giúp toàn ngành có thêm kinh nghiệm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 2 và lớp 6 năm học này. Tổ chức dạy thực nghiệm sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay đã hoàn thành tài liệu giáo dục địa phương lớp 1, lớp 2, lớp 6 và đưa vào giảng dạy.

Một trong những kết quả quan trọng nữa của ngành giáo dục Thái Bình trong năm 2021 đó là tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT trong một đợt. Nếu như năm học 2019 - 2020, Thái Bình phải tổ chức kỳ thi thành hai đợt do có học sinh có yếu tố dịch tễ liên quan đến F0 thì năm học vừa qua toàn tỉnh đã tổ chức thành công kỳ thi trong một đợt mặc dù có đến 52 thí sinh là F1, F2 và khu vực phong tỏa thuộc các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà và Đông Hưng. Mặt khác, trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch thứ tư, nhiều tỉnh phải tổ chức kỳ thi thành hai đợt thì tại Thái Bình, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND tỉnh cùng với việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT với 36 điểm thi, riêng điểm thi số 36 dành cho các thí sinh có yếu tố nguy cơ. Kết quả, toàn tỉnh có 99,52% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, Thái Bình xếp thứ 12 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi, là 1 trong 10 tỉnh có số điểm 10 nhiều nhất và xếp thứ 6 toàn quốc về điểm Toán cao nhất.

Giai đoạn tới đây được đánh giá sẽ là thời cơ cho giáo dục Việt Nam nói chung, giáo dục Thái Bình nói riêng “cất cánh” với đường hướng rõ ràng và với sự trợ giúp của công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số. Đặc biệt, với quyết tâm cao của toàn ngành hứa hẹn sẽ tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặng Anh