Thứ 4, 08/05/2024, 12:10[GMT+7]

Mùa xuân là tết trồng cây

Thứ 2, 07/02/2022 | 08:18:59
3,836 lượt xem
“Mùa xuân là tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Mỗi độ xuân về, lời dạy về tết trồng cây của Bác Hồ lại vang lên trong tâm thức những người con đất Việt. Cùng với nhân dân cả nước, phong trào trồng cây mùa xuân trên địa bàn tỉnh không những là một nét đẹp văn hóa mà còn tạo sự chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, làm đẹp cảnh quan môi trường.

Các địa phương, đơn vị lựa chọn cây bản địa, có giá trị kinh tế, có cảnh quan đẹp trồng hưởng ứng tết trồng cây xuân Nhâm Dần 2022.

Ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, như một lời hẹn ước, khắp các địa phương, đơn vị trong tỉnh, người người nô nức trồng cây, mở đầu một năm mới hanh thông. Mỗi cây xanh được trồng đều là những ước mong, kỳ vọng gửi gắm, đón đợi điều tốt lành.

Về Hưng Hà những ngày đầu năm mới, chúng tôi được hòa vào không khí lao động nhộn nhịp trên những mảnh vườn, thửa ruộng. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, đầu xuân, người dân nơi đây đã tiến hành trồng cây mới, nhiều hộ cải tạo những cây trồng kém hiệu quả chuyển sang lai ghép mầm giống mới có chất lượng tốt. Với định hướng đúng đắn của huyện, sự năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của người dân, đến nay nhiều diện tích cấy lúa, trồng ngô, đỗ thu nhập thấp đã được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả đặc sản như nhãn, cam, bưởi... cho thu nhập cao hơn nhiều so với trước. Hiện toàn huyện có gần 1.000ha cây ăn quả, một số sản phẩm có tiềm năng phát triển thành sản phẩm đặc thù của địa phương như bưởi Chí Hòa, cam Hòa Tiến, thanh long ruột đỏ Thống Nhất, thanh long tai xanh, vỏ vàng Hồng Minh, vùng hoa, cây cảnh Hồng Lĩnh... Bên cạnh đó, nhiều loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây bóng mát được trồng phân tán ở các cơ quan, công sở, ven đường cũng góp phần nâng cao giá trị thu nhập đồng thời tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hưng Hà cho biết: Năm 2022, toàn huyện phấn đấu trồng trên 300.000 cây phân tán các loại, trong đó cấp huyện trồng từ 160.000 - 170.000 cây; mỗi xã, thị trấn trồng ít nhất 4.000 cây. Riêng dịp tết trồng cây phát động ngày mùng 7 tháng Giêng, cấp huyện phấn đấu trồng được 3.000 cây, mỗi xã, thị trấn trồng ít nhất 2.000 cây. Ngoài ra, huyện đã ươm được 12.000 cây bóng mát tại khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, huyện sẽ có những biện pháp, hình thức tổ chức phát động tết trồng cây phù hợp, trong đó tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây và ý thức bảo vệ cây xanh, tạo cảnh quan môi trường đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là lực lượng đoàn viên, thanh niên.

Hiểu rõ giá trị và ý nghĩa lời dạy của Bác Hồ, mùa xuân nào huyện Vũ Thư cũng chuẩn bị rất chu đáo cho lễ phát động tết trồng cây và đặt mục tiêu phấn đấu cho cả năm. Năm 2022, huyện phấn đấu trồng mới từ 180.000 - 200.000 cây phân tán các loại (cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây ăn quả, cây dược liệu, cây cảnh...), mỗi xã trồng mới từ 1,5km đường cây, đường hoa trở lên trên các tuyến đường trục xã, trục thôn, đường ngõ xóm, đường nội đồng, trong khuôn viên công sở, trường học, trạm y tế... Ông Phan Ngọc Tý, chủ vườn ươm cây giống xã Tân Hòa (Vũ Thư) cho biết: Mỗi dịp tết trồng cây, 2 vườn ươm diện tích 1.500m2 của gia đình tôi như có hội, tấp nập người mua. Các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn huyện đến tận vườn mua cây về trồng. Hàng trăm giống cây, chủ yếu là cây ăn quả như mít, bưởi, táo, ổi, cam, xoài..., cây bóng mát, cây dược liệu với nhiều kích thước khác nhau, giá cả phù hợp.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, ngoài việc phát động trồng cây phân tán nội đồng, hai huyện ven biển Tiền Hải, Thái Thụy còn hướng tới mục tiêu gây rừng ngăn mặn và giảm thiểu tác hại của môi trường biển đến đời sống nhân dân. Hàng nghìn, hàng vạn cây phi lao, bần, sú, vẹt đã được người dân các xã ven biển trồng ở các khu rừng ngập mặn với niềm tin về một cuộc sống an yên, thái hòa, để sau những ngày rong ruổi ngoài khơi bà con lại được trở về an lành trong những căn nhà, những làng quê thanh bình, yên ấm.

Ông Bùi Văn Hòa, người dân xã Thụy Xuân (Thái Thụy) cho biết: Không chỉ chắn sóng, rừng ngập mặn còn mang đến sinh kế, thu nhập cao, ổn định cho chúng tôi từ việc khai thác thủy hải sản, vì vậy, hơn ai hết chúng tôi hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của những tán rừng ngập mặn. Trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân bằng những việc làm như: ngăn chặn trâu, bò phá hoại cây, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, tố giác các hành vi xâm phạm rừng...

Lời phát động “Tết trồng cây” của Bác Hồ đã song hành cùng dân tộc Việt Nam hơn nửa thế kỷ. Trồng cây vào dịp đầu xuân năm mới đã trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một mỹ tục trong truyền thống của người Việt. Ngày nay, việc trồng cây được tổ chức quy củ, thực sự trở thành ngày hội náo nức, được mọi công dân coi là trách nhiệm của mình, góp phần bảo vệ môi trường. Căn cứ điều kiện thực tiễn, tỉnh đã định hướng mỗi địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, từ đó lựa chọn trồng những loại cây phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong năm 2021, toàn tỉnh đã trồng mới 38,3ha rừng, bảo vệ 4.365ha rừng hiện có, trồng thêm được 1,4 triệu cây phân tán các loại, góp phần gia tăng diện tích, cải thiện chất lượng rừng, phát huy vai trò phòng hộ ven biển, giảm nhẹ thiên tai, cải thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2022, toàn tỉnh lấy ngày 7/2 (ngày mùng 7 tháng Giêng) là ngày tổ chức lễ phát động tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ, trong đó định hướng các địa phương, đơn vị lựa chọn cây bản địa, có giá trị kinh tế, cảnh quan đẹp, hoa nở quanh năm; tận dụng đất trên vỉa hè, công viên, vườn hoa, quảng trường, công sở, trụ sở, khu công nghiệp, khu kinh tế, các công trình tín ngưỡng... để phát triển cây xanh.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày