Chủ nhật, 22/12/2024, 00:19[GMT+7]

Góp phần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ 5, 17/02/2022 | 18:19:17
1,550 lượt xem
Trước khi diễn ra bế mạc sáng nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và thống nhất về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trên cơ sở ý kiến của đa số thành viên Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra, để đáp ứng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Góp phần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân -0

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Đồng tình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 như đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, ưu tiên mọi nguồn lực, khẩn trương tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án luật bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 4/2022 trước khi trình Quốc hội.

Góp phần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân -0

 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cơ quan chức năng, trong quá trình nghiên cứu, soạn thảo và hoàn chỉnh hồ sơ cần làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; làm rõ sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh; làm rõ các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh và trong y tế dự phòng; các nguyên tắc và tiêu chí chung về xác định chi phí khám, chữa bệnh, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội...

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 5, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Góp phần làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân -0

 Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Cụ thể, dự án luật đã được xây dựng trên cơ sở làm rõ hơn quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” thông qua các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phạm vi của dự án luật đã phân định rõ giữa công tác khám bệnh, chữa bệnh và y tế dự phòng; rà soát lại toàn bộ các chính sách để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng đã chỉnh lý Báo cáo tổng kết 11 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 theo hướng cập nhật, bổ sung, phân tích làm rõ hơn các tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành luật giai đoạn 2019-2021, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua như: điều động nhân lực, giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

Cơ quan soạn thảo cũng bổ sung đánh giá về tình hình thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình; đánh giá về tình hình quy định liên doanh, liên kết thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cung cấp dịch vụ y tế giữa các cơ sở y tế nhà nước với cơ sở y tế tư nhân…

Trình bày Báo cáo thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, nhiều thành viên Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, như: bổ sung ý kiến của Bộ Tài chính, nhất là về vấn đề quy định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; làm rõ lý do của việc thu gọn, bổ sung một số chính sách mới; rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa nội dung đánh giá tác động của chính sách với phạm vi áp dụng của chính sách…

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án luật nhưng đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ nội hàm, cơ chế thực hiện và tính khả thi của một số nội dung dự kiến quy định trong dự án luật được mở rộng so với phạm vi của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của luật hiện hành.

Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan đã khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hồ sơ do Chính phủ trình cơ bản đã có đủ các loại tài liệu theo quy định.

Cụ thể, gồm Báo cáo tổng kết thi hành Luật đã cập nhật, bổ sung đánh giá đến thời điểm hiện nay; đã bổ sung đánh giá về tình hình thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình; đánh giá liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19; làm rõ hơn quy định về việc sử dụng ngôn ngữ của các bác sĩ nước ngoài hành nghề tại Việt Nam... Báo cáo đánh giá tác động đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, trong đó các chính sách được hoàn thiện thêm và thể hiện lại thành 10 chính sách lớn (so với 15 chính sách theo Tờ trình số 406/TTr-CP của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 11/2021).

(Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội)


Theo: nhandan.vn