Thứ 6, 19/04/2024, 20:18[GMT+7]

Mùa sứa

Thứ 2, 14/03/2022 | 08:56:52
4,082 lượt xem
Sứa là hải sản đặc trưng của các vùng biển có thể chế biến ra nhiều món ăn khác nhau như nộm sứa và sứa muối... Sau tết Nguyên đán, vào mùa sứa, người dân các xã ven biển huyện Thái Thụy lại tất bật đánh bắt, chế biến, biến “lộc biển” thành nguồn thu nhập khá.

Vào mùa, cơ sở thu mua, chế biến sứa của gia đình ông Tạ Đình Tuấn chế biến và cung cấp ra thị trường từ 1 - 2 tấn sứa.

Vào mùa sứa, mỗi ngày từ 2 - 3 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Minh, xã Thụy Hải lại cùng anh em của mình ra khơi vớt sứa. Tùy theo thủy triều, con nước, mỗi ngày thuyền của ông có thể ra khơi 2 chuyến. Công cụ đánh bắt sứa của ông Minh rất đơn giản, bao gồm vài tấm lưới và... sức khỏe. Ông Minh cho biết: Con sứa có đặc điểm rất lạ, chỉ nổi vào những hôm đẹp trời và có gió nhẹ. Vì vậy, trước khi đánh bắt sứa, việc đầu tiên của ngư dân là phải quan sát xem hôm đó gió to hay nhẹ. Đánh bắt sứa không cần phải ra xa nhưng lại khá vất vả, hao tốn nhiều sức lực bởi hầu hết sứa đều rất nặng, thậm chí có con lên đến vài chục ki-lô-gam nên đòi hỏi người đánh bắt sứa phải có sức khỏe. Sứa có nhiều gai nên quá trình bắt, ngư dân phải thật cẩn thận, tránh để bị gai chích vào người. Nước dãi sứa rất độc, nếu bị sứa chích ban đầu thì ngứa ngáy, nặng có thể gây thối thịt. Sứa có nhiều loại, tuy nhiên do đặc điểm vùng biển trong tỉnh thường hay đánh bắt sứa trắng. Trung bình mỗi chuyến ra khơi thuyền của tôi đánh bắt được từ 200 - 500 con, trừ chi phí cũng được 1 - 2 triệu đồng/chuyến. Thời điểm này là đầu mùa sứa nên sản lượng đánh bắt được chưa nhiều, giá dầu lại cao nên thu nhập giảm nhiều.

Sứa sau khi được đánh bắt về bờ nhanh chóng được các thương lái thu mua. Vào mùa sứa, không chỉ có ngư dân bận rộn mà các cơ sở chế biến sứa cũng tấp nập. Với trên 30 năm thu mua, chế biến sứa, vào mùa sứa, cơ sở của gia đình ông Tạ Đình Tuấn, khu 9, thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy) có thời điểm thuê 30 lao động. Ông Tuấn cho biết: Sứa phải được làm khi còn tươi nguyên mới bảo đảm được độ ngon của miếng sứa thành phẩm. Sau khi thu mua về sẽ được công nhân sơ chế bằng cách cắt rời phần chân và thân, loại bỏ cá tạp sau đó đưa vào bể nước ngọt để quay cho sứa sạch nhớt, nhả bớt nước. Tùy vào mục đích chế biến mà thời gian quay khác nhau, sứa muối vẹt chỉ cần quay khoảng 1 giờ nhưng sứa dùng để làm nộm phải quay liên tục 8 giờ để sứa giòn. Sau khi quay xong, sứa được rửa lại cho sạch, cho vào một bể khác có chứa muối, phèn chua để bảo quản. Đây cũng là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật lẫn kinh nghiệm của người làm nghề vì mỗi cơ sở có một cách làm riêng. Sứa thành phẩm có để được lâu hay không phụ thuộc vào các yếu tố: thời gian quay và lượng muối, phèn pha phù hợp khi ngâm. Sản phẩm sứa sau khi sơ chế được bảo quản ở độ mặn nhất định, được đóng gói chắc chắn vận chuyển khắp các tỉnh, thành phố. Những năm gần đây người dân ưa dùng các sản phẩm chế biến từ sứa như: nộm sứa, sứa nhúng lẩu...

Một trong những món ăn từ sứa làm nên thương hiệu của huyện Thái Thụy là món sứa muối vẹt. Từ vài năm trở lại đây, món ăn dân dã miền biển đã trở thành đặc sản giải nhiệt, được ví von như “sashimi phiên bản Việt Nam”. Là loài thủy sinh, trên 90% trọng lượng cơ thể là nước, người dân miền biển Thái Thụy đã khéo léo nghĩ ra cách ngâm sứa với muối và quả vẹt để bảo quản sứa được lâu hơn, quả vẹt đánh đi mùi tanh của sứa và tạo độ chua, màu đỏ bắt mắt. Ông Tạ Đình Tuấn cho biết thêm: Quả vẹt sau khi thu hái về được luộc liên tục trong 12 giờ, luộc càng kỹ khi muối càng nhanh ngấm với sứa, cho màu sứa đẹp hơn. Bản chất của con sứa là màu trắng nhưng sau khi ngâm bằng quả vẹt sẽ chuyển sang màu đỏ. Có nơi khi muối họ cho thêm vôi, màu sẽ đỏ tươi, đẹp mắt nhưng ăn sẽ có vị hơi chát. Nhà tôi chỉ cho quả vẹt nên màu sứa không đỏ rực rỡ mà chỉ hơi đỏ hồng, ăn ngọt và mát. Sứa muối vẹt là món ăn khá “kén” người ăn nhưng một khi đã “bén” thì lại khó dứt ra được.

Theo người dân vùng biển, sứa có mùa sinh sản bắt đầu từ tháng 1 tới tháng 4 âm lịch hàng năm, sinh sống gần bờ nên dễ khai thác, chi phí ít. Mỗi chuyến ra khơi chưa đến một ngày, sau khi trừ mọi chi phí, ngư dân còn lãi từ 1 - 2 triệu đồng tùy thời điểm.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày