Việt Nam luôn ủng hộ tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch Covid-19
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ, chủ trương nhất quán là coi sức khỏe người dân là trên hết và trước hết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai quyết liệt, đồng bộ và sâu rộng chiến lược tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam. Mọi sự hỗ trợ về vaccine của quốc tế dành cho Việt Nam đều được Chính phủ Việt Nam đưa đến người dân một cách kịp thời, an toàn và hiệu quả nhất.
Chúng tôi luôn nhận thức rõ rằng, vaccine sớm nhất là vaccine tốt nhất, bởi mỗi liều vaccine đều có thể bảo vệ sinh mạng không chỉ của người được tiêm, mà còn cả những người chung quanh trước sự lây lan của dịch bệnh.
Nếu đầu tháng 5/2021, Việt Nam mới có vài trăm nghìn liều vaccine, thì đến nay Việt Nam đã trở thành một trong những nước có độ bao phủ tiêm vaccine cao nhất thế giới. Kết quả này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe và tính mạng của gần 100 triệu người dân Việt Nam, mà còn tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, khôi phục và đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội.
Dù không thể chủ quan trước những diễn biến còn phức tạp của dịch Covid-19, nhưng thành quả mà Chiến dịch tiêm chủng đạt được đã tạo cho Việt Nam niềm tin vững chắc về việc đẩy lùi dịch Covid-19 trong một tương lai không xa.
Những thành quả nói trên có được, bên cạnh quyết tâm và nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, là nhờ sự ủng hộ và hỗ trợ rất quý báu, kịp thời và hiệu quả về vaccine, thuốc điều trị và vật phẩm y tế của cộng đồng quốc tế. Sự hỗ trợ quý báu này đối với Việt Nam vào thời điểm khó khăn nhất đã thể hiện rõ tình cảm chân thành, tinh thần đoàn kết quốc tế, bạn bè hoạn nạn có nhau, không để ai bị bỏ lại phía sau của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Tổ Công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine đã tích cực làm việc với các đối tác và bạn bè quốc tế để bảo đảm sự ủng hộ và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là về vaccine, được chuyển đến người dân Việt Nam một cách sớm nhất và hiệu quả nhất. Mọi sự hỗ trợ và giúp đỡ dành cho Việt Nam dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ghi nhớ và trân trọng.
Thay mặt Bộ Ngoại giao và Tổ Công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine, một lần nữa, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc đến các đối tác và bạn bè quốc tế đã luôn sát cánh, ủng hộ và hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua; nhấn mạnh, trên tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng và chân thành, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến, nỗ lực hợp tác nhằm tăng cường tiếp cận vaccine kịp thời và công bằng cho mọi người dân trên toàn cầu.
Việt Nam mong các đối tác quốc tế tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực hệ thống y tế, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine và y tế. Việt Nam sẽ nỗ lực hết sức mình để ứng dụng thành công công nghệ mRNA nhằm sản xuất vaccine không chỉ cho Việt Nam, mà còn cho các nước trong khu vực và trên thế giới, đóng góp vào nỗ lực toàn cầu vì một thế giới mạnh khỏe, an toàn và phát triển bền vững.
Trong thông điệp được ghi hình trước gửi tới cuộc gặp mặt, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chúc mừng Việt Nam đã bao phủ vaccine cho 90% người trưởng thành và hơn 75% dân số đã được tiêm chủng, một trong những tỷ lệ cao nhất thế giới. Đây là điều rất quan trọng để bảo vệ tính mạng người dân và điều này cần tiếp tục được thúc đẩy thời gian tới. Kết quả này có được nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân Việt Nam. Ông đánh giá, Việt Nam là một thí dụ điển hình cho những điều có thể thực hiện được với cam kết chính trị, cộng đồng gắn kết, sự hỗ trợ quốc tế.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới toàn thể quý vị đại biểu khách quý lời chào trân trọng, lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất; nêu rõ, cuộc gặp này thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, mang tính toàn cầu; không có quốc gia nào có thể chống dịch một mình mà có thể thành công, không có một quốc gia nào an toàn khi còn quốc gia khác đang bị dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp các đối tác quốc tế.
Vai trò của Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế, hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch là hết sức quan trọng. Việt Nam nhận thấy, đây là vấn đề có tác động toàn dân, cho nên phải có cách tiếp cận toàn dân; lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong trong phòng, chống dịch, mọi chính sách đều hướng đến người dân; đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết để hành động.
Chia sẻ về các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam thời gian qua, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam đã rút ra được bài học kinh nghiệm, công thức trong phòng, chống dịch. Trong đó, Việt Nam cho rằng, có 3 vấn đề quan trọng, đó là: vaccine là "lá chắn" quan trọng, thuốc điều trị và ý thức của người dân. Trong đó, thành tố vaccine có tính chất quyết định.
Việt Nam đã đưa ra chiến lược vaccine; thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống dịch; tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước tới nay để tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân và người nước ngoài ở Việt Nam. Quá trình này phải có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế. Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 220 triệu liều vaccine, trong đó, gần một nửa đến từ sự giúp đỡ qua Cơ chế COVAX và các nước hỗ trợ.
Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, đây là vấn đề có tính chất toàn cầu nên phải chung sức đồng lòng; sự đoàn kết quốc tế có tính chất quyết định. Từ tháng 10/2021, Việt Nam đã chuyển hướng trong phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Từ chỗ kinh tế quý III/2021 tăng trưởng âm hơn 6%, đã đảo chiều tăng 5,22% quý IV/2021, qua đó đưa GDP Việt Nam năm 2021 tăng 2,58%. Đến nay, mọi hoạt động của Việt Nam đang trở lại bình thường, kinh tế vĩ mô ổn định; bảo đảm 5 cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng khẳng định, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức và đạt được kết quả ấn tượng nêu trên là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời thay đổi tư duy và biện pháp phòng, chống dịch, chuyển hướng linh hoạt trong điều kiện khó khăn; nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng tình, hưởng ứng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm ở trong nước, Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế, sự đoàn kết và hỗ trợ của các nước, các tổ chức, cá nhân ở khắp nơi trên thế giới về vaccine, thuốc điều trị, vật phẩm y tế. Sự hỗ trợ này đặc biệt quý báu vì vào đúng thời điểm Việt Nam đang gặp khó khăn nhất, thực sự thể hiện tinh thần đoàn kết trong sáng, “bạn bè hoạn nạn có nhau”.
Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam, Thủ tướng gửi tới các các vị Đại sứ, đại diện các nước, các tổ chức Liên hợp quốc tham dự sự kiện này; và qua các vị tới Chính phủ các nước, các tổ chức mà quý vị là đại diện, lời cảm ơn chân thành và trân trọng nhất về sự đồng hành, những đóng góp, hỗ trợ, hành động thiết thực, kịp thời đối với Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua.
Nhân đây, Thủ tướng cũng gửi lời chia sẻ, cảm thông đến các nước, các gia đình chịu mất mát, hy sinh về người trong đại dịch trên toàn thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày ảnh về hoạt động đối ngoại vaccine phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2022, Việt Nam phấn đấu là năm chiến thắng dịch bệnh, từng bước “bình thường hóa” với dịch Covid-19, thúc đẩy phục hồi nhanh, phát triển kinh tế-xã hội bền vững, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng với tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, hành động tất cả vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Trước tình hình dịch bệnh dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, với phương châm tiếp tục ngăn chặn lây lan, kiểm soát hiệu quả rủi ro, hạn chế số ca chuyển nặng, giảm ca tử vong, không để quá tải hệ thống y tế, Việt Nam đang: thần tốc trong việc hoàn thành tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người trên 18 tuổi hoàn thành trong quý I này; hoàn thành việc tiêm mũi thứ 2 cho người từ 12-17 tuổi; chuẩn bị tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; nghiên cứu tiêm mũi thứ 4 và tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và điều kiện Việt Nam.
Việt Nam tăng cường năng lực y tế, nhất là năng lực y tế dự phòng và y tế cơ sở; triển khai hiệu quả chương trình tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 một cách khoa học, thực tiễn, kế thừa những kinh nghiệm quý, cách làm hay của bạn bè quốc tế và đúc kết từ thực tiễn phòng, chống dịch thời gian qua ở Việt Nam để chia sẻ lại. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch với các nước trên thế giới.
Về phần mình, Việt Nam luôn tham gia hết sức tích cực, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; luôn đề cao và ủng hộ tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế trong nỗ lực chung phòng, chống dịch bệnh. Với truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, Việt Nam đã có những hỗ trợ thiết thực, kịp thời đối với nhiều nước nhằm chung tay vượt qua khó khăn trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Dù còn khó khăn, Việt Nam cũng đã đóng góp cho Cơ chế COVAX, cho Quỹ ứng phó Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới. Bên cạnh hỗ trợ các thiết bị, vật tư y tế, Việt Nam cũng đã cử các đoàn cán bộ y bác sĩ, chuyên gia y tế đến hỗ trợ một số nước. Theo đề nghị của Liên hợp quốc, tháng 4/2021, Việt Nam đã đồng ý tiếp nhận khẩn cấp và đã điều trị thành công cho một nhân viên Liên hợp quốc trong khu vực bị mắc Covid-19 nặng.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy tinh thần đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của ASEAN ứng phó với dịch bệnh.
Tại Liên hợp quốc, Việt Nam đã đề xướng sáng kiến lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia và tổ chức quốc tế về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và hợp tác nhằm ứng phó với dịch bệnh. Tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam luôn đề cao tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine, kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế về vaccine.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam vui mừng khi mới đây được chọn là một trong những nơi tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA. Điều này sẽ giúp Việt Nam sản xuất được vaccine mRNA với quy mô lớn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ để phục vụ nhu cầu trong nước mà còn cung cấp cho các nước, góp phần bảo đảm an ninh y tế quốc gia và khu vực, thế giới, tăng khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh trong tương lai
Công tác phòng, chống dịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến dài, đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có thể còn các biến chủng mới. Do đó, tại Lễ gặp mặt hôm nay, Thủ tướng nêu một số đề xuất:
Thứ nhất, cần tiếp tục phát huy tinh thần hợp tác và đoàn kết quốc tế trong phòng, chống Covid-19; tăng cường ủng hộ các sáng kiến song phương và đa phương nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine, thuốc chữa bệnh, trong đó có cơ chế chia sẻ vaccine COVAX. Nhân đây, Thủ tướng thông báo Chính phủ Việt Nam đã quyết định sẽ tiếp tục đóng góp đợt 3 cho COVAX.
Thứ hai, Chính phủ Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức về cung cấp vaccine, nhất là vaccine, phòng các biến chủng mới và vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm về tiêm vaccine cho trẻ em, hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Thứ ba, việc tiếp nhận thành công việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine mRNA là một chặng đường khá dài và có nhiều thách thức. Việt Nam mong nhận được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các nước, các tổ chức để triển khai thành công dự án hợp tác này.
Thứ tư, đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, cần có sự chung tay giải quyết để sớm chấm dứt việc đóng cửa trường học; không thể đóng cửa mãi trường học. Phải tiếp tục nghiên cứu giải pháp để trẻ em, học sinh, sinh viên được đến trường.
Thứ năm, đại dịch còn diễn biến phức tạp, do đó cần phát huy kinh nghiệm phòng, chống dịch trong 2 năm vừa qua. Tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao trách nhiệm của cộng đồng quốc tế vì đây là vấn đề có tính toàn cầu.
Thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, một lần nữa, Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của các nước, các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong phòng, chống dịch, đặc biệt là của COVAX và các nước, các tổ chức có mặt tại sự kiện này.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn được bầu làm Chủ tịch Quốc hội 20.05.2024 | 16:33 PM
- Thông báo Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII 18.05.2024 | 18:33 PM
Xem tin theo ngày
- Hội Doanh nghiệp thành phố Thái Bình: Tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2024 - 2028
- Kỳ họp HĐND tỉnh để giải quyết công việc phát sinh đột xuất ban hành 10 nghị quyết quan trọng
- Trao đổi kinh nghiệm trong công tác thiết kế, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khu công nghiệp Liên Hà Thái
- Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án khu công nghiệp VSIP Thái Bình
- Xây dựng báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhiệm kỳ 2020 - 2025 phải bảo đảm chất lượng
- Kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn
- Họp Thường trực HĐND tỉnh
- Tập trung tham mưu chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc
- Đổi mới phương pháp xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI