Chủ nhật, 22/12/2024, 13:13[GMT+7]

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ tư (26/3/1962 - 26/3/2022) Tự hào quê hương Đông Lâm

Thứ 3, 22/03/2022 | 08:53:08
6,067 lượt xem
Trong những ngày tháng 3 này, cùng với nhân dân trong tỉnh hướng về kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Thái Bình lần thứ tư (26/3/1962 - 26/3/2022), người dân xã Đông Lâm (Tiền Hải) tự hào ôn lại sự kiện lịch sử, niềm vinh dự của quê hương khi Bác Hồ về nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình, động viên nhân dân tăng gia sản xuất, xây dựng quê hương.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh xã Đông Lâm (Tiền Hải).

Đối với mỗi người dân Việt Nam, vinh dự lớn nhất là được gặp Bác Hồ dù chỉ một lần trong đời nhưng với bà Phan Thị Chè, xã Đông Lâm thì niềm vui đó như được nhân đôi. Ngày 26/3/1962, Bác Hồ về thăm xã Đông Lâm, bà Chè là 1 trong 14 chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến có thành tích nổi bật trong toàn tỉnh được Bác Hồ tặng Huy hiệu Chiến sĩ thi đua. 

Nhìn lên bức ảnh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ và nhân dân Thái Bình được treo trang trọng tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà Chè xúc động kể: Ngày 26/3/1962, nhân dân xã Đông Lâm vô cùng vui mừng vì được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ, được gặp Bác mà đã từ bao lâu hằng ước mong, chờ đợi. Bác Hồ về với cán bộ và nhân dân thật bình dị, Bác mặc bộ quần áo kaki màu vàng đã phai màu, chân đi dép cao su, gương mặt sáng ngời. Bác ân cần thăm hỏi cán bộ, nhân dân xã Đông Lâm, nơi có phong trào cách mạng từ rất sớm, là quê hương của cuộc biểu tình đòi dân sinh, chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến ngày 14/10/1930; là nơi có phong trào sản xuất khá của Thái Bình. Bác nói chuyện với Đảng bộ, nhân dân xã Đông Lâm và đại biểu các huyện, thị, các xã cùng đại biểu sản xuất giỏi của tỉnh về nội dung Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng về vấn đề phát triển nông nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961 - 1965 (tháng 7/1961). Bác phân tích một số khuyết điểm trong sản xuất nông nghiệp; phê bình thói phô trương, lãng phí trong ma chay, cưới hỏi, đặc biệt là tệ đánh vợ, ép duyên con... Bác khen Thái Bình có nhiều hợp tác xã có kinh nghiệm trong tăng năng suất, tăng vụ, cải tiến nông cụ... và yêu cầu cần phổ biến kinh nghiệm cho các nơi khác. Bác mong “đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm làm cho Thái Bình trở thành một trong những tỉnh khá nhất”. Bác Hồ khen ngợi, căn dặn cán bộ và nhân dân xã Đông Lâm giữ vững truyền thống cách mạng của quê hương “Phải cố gắng phấn đấu để xây dựng Đông Lâm trở thành xã gương mẫu về mọi mặt”. Bác đã trao Huy hiệu cho 14 chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến có thành tích nổi bật trong toàn tỉnh, trong đó có 2 người xã Đông Lâm là bà Phan Thị Chè và bà Nguyễn Thị Song. Bác đến thăm gia đình cụ Lương Hạm, cụ Lương Quynh, cụ Lương Ngọc Rư. Tại nhà cụ Lương Ngọc Rư, Bác Hồ chụp ảnh kỷ niệm với các đồng chí lãnh đạo địa phương và bắt nhịp cùng nhân dân hát “Bài ca kết đoàn”.

Ông Phạm Trọng Ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Lâm cho biết: Ngày 26/3/1962 trở thành một mốc lịch sử của Đảng bộ và nhân dân xã Đông Lâm. Tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình và mong muốn của Bác đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân   Đông Lâm, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn cách mạng. Sau khi đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2014, Đông Lâm đã phát huy thế mạnh của địa phương, tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí; tập trung phát triển sản xuất, đa dạng hóa ngành nghề, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh trật tự... Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được Đảng bộ và nhân dân Đông Lâm thực hiện có hiệu quả. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, Đông Lâm có kinh tế phát triển toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,78%; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,1 triệu đồng/năm; 100% đường trục xã, 76,2% đường trục thôn có rãnh thoát nước; các trường học đều đạt chuẩn; 4/4 thôn đều đạt thôn văn hóa 5 năm liền và có câu lạc bộ văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,3%; 100% hộ dân sử dụng nước sạch; quốc phòng an ninh được bảo đảm; quy chế dân chủ được phát huy. Việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh ứng dụng đem lại hiệu quả rõ rệt, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác và tăng thu nhập cho người dân. Đông Lâm đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Nhằm lưu lại những kỷ vật, hình ảnh đáng nhớ ngày 26/3/1962 khi Bác Hồ về thăm, tháng 12/2018, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Đông Lâm đã khởi công xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh xã Đông Lâm. Quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh rộng 3,5ha, trong đó khuôn viên Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh có diện tích 1,6ha, với tổng kinh phí xây dựng trên 40 tỷ đồng. Đây là công trình của lòng dân, ý Đảng, nhân dân vô cùng phấn khởi và đồng lòng ủng hộ. Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, không chỉ là nơi để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu mà đã trở thành biểu tượng văn hóa, lịch sử quan trọng trong đời sống của người dân địa phương. Có Bác ở bên, Đảng bộ và nhân dân xã Đông Lâm nguyện tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển bền vững.

Diện mạo nông thôn mới nâng cao xã Đông Lâm, Tiền Hải.

Mạnh Thắng